Sốt đất đang diễn ra thật hay ảo khi nhiều nhà đầu tư than khó bán hàng?
Môi giới kiếm trăm triệu từ đất, nhà đầu tư mạnh tay xuống tiền mua vài lô đất… liệu có phải là hình ảnh của sốt đất đang diễn ra thật? Hay mới chỉ là trường hợp đơn lẻ khiến môi giới đồn thổi là sốt đất bởi thực tế vẫn có không ít nhà đầu tư than khó đẩy hàng?
"Sốt đất hầm hập", "giá tăng vèo vèo", "không mua nhanh sẽ không còn hàng", "mua hôm nay mai đã chốt lời tiền trăm triệu đồng",… đó là rất nhiều những nhận định của không ít nhà đầu tư và môi giới về diễn biến của thị trường bất động sản sau khi đợt bùng dịch lần thứ tư được kiểm soát.
Sốt đất được được cho là diễn ra ở rất nhiều nơi như Ba Vì, Thạch Thất, hay vùng ven dọc tuyến đường vành đai 4 tại Hạ Nội. Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên hay Bắc Ninh. Môi giới và nhà đầu tư cũng kể lại câu chuyện sốt đất tới nỗi, ban đêm phải đi đặt cọc hàng. Hay có môi giới 3 ngày liên tiếp bán thành công 3 biệt thự. Có môi giới ở độ tuổi còn rất trẻ, mới 21 tuổi đã chốt lời gần 1 tỷ đồng tiền môi giới sau hơn 1 tuần làm việc.
Câu chuyện kiếm trăm triệu tiền lời trong thời điểm cuối năm được truyền tai nhau rất nhiều. Đặc biệt là giá bất động sản tăng nóng, tăng mạnh cục bộ là điều mà rất nhiều người tham gia thị trường nhắc tới.
Sự nóng lên của thị trường được cho là điều tất yếu bởi như những lần trước, sau mỗi đợt kiểm soát dịch, bất động sản lại sốt. Lần này, dù cơn sốt đất diễn ra chậm hơn, nhưng tốc độ và sự dai dẳng được nhận định sẽ kéo dài so với các đợt sốt trước do thị trường đã trải qua giai đoạn ngủ đông quá dài cộng với tâm lý kỳ vọng dựa trên tín hiệu mới như hoạt động giải ngân đầu tư công, gói kích cầu nền kinh tế, việc phổ rộng tiêm vaccine…
Nghe môi giới và nhà đầu tư kể thì thị trường đang lên cơn sốt thật sự khi giá và giao dịch tăng. Thế nhưng, điều kỳ lạ, lại không ít nhà đầu tư đang rao bán mãi lô đất vị trí đẹp mà không ai mua. Tưởng sốt đất, dễ đẩy hàng nhưng kì thực, dù chạy quảng cáo tìm khách hay nhờ các bên môi giới đẩy hàng, nhiều nhà đầu tư vẫn ế ẩm.
Như câu chuyện của chị Thuý (Hà Nội), đã gần 1 năm nay, lô đất vị trí đẹp tại Bắc Giang của chị vẫn ế ẩm. Chị kỳ vọng tín hiệu tích cực của thị trường cuối năm để rao bán nhưng đáng tiếc mảnh đất nằm án binh bất động. Nhưng khi "giả" làm người mua để khảo giá bất động sản ở khu vực xung quanh lô đất, nghe môi giới quảng cáo, chị tưởng đất thực sự sốt, nếu không mua nhanh thì sẽ phải chấp nhận mức giá cao hơn.
Hay trường hợp của Tiến cũng là ví dụ điển hình. Lô đất ở ngay khu vực Hoà Lạc, sát mặt đường của anh chưa tìm được chủ mới. Người đi xem đất cuối tuần khá đông nhưng thực tế người mua lại không có nhiều. Một số dự án, môi giới tụ tập đông hơn cả khách xem khiến dân tình tưởng sốt thật.
Trước tình trạng thông tin bất động sản đang "nóng" lên, không ít địa phương như Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đồng Nai… đã cấp tốc ban hành văn bản nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, "sốt đất" ảo.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành công văn về việc quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tiếp đến, ngày 24/12, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã phát đi văn bản yêu cầu đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn.
Đáng chú ý, tại một số địa phương, trả lời phỏng vấn báo chí, nhiều lãnh đạo xã, huyện khẳng định rằng,không có sốt đất. Đơn cử như tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội), trước thông tin người mua đổ về nườm nượp đầu tư, ông Nguyễn Viết Đạt, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây khẳng định, đất tại đây có tăng nhưng không sốt và giao dịch có nhưng không đến mức sôi động như nhiều lời quảng cáo của môi giới. Trong khi đó, ông Phạm Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh (Ba Vì) cũng cho biết, giá đất tại xã có tăng nhưng không đến mức sốt nóng như "cò" đất loan tin.
Theo các chuyên gia, ranh giới giữa sốt thật và sốt ảo đang trở nên khó phân định. Chỉ cần một số lô đất thanh khoản nhanh, giá tăng nhẹ cũng đã được môi giới quảng cáo là sốt đất trong khi giao dịch chỉ chiếm lượng nhỏ trên thị trường.
Dù đất sốt hay không thì thực tế, các nhà đầu tư đã thông thái hơn rất nhiều. Họ không còn tâm lý xuống tiền bất chấp khi thông tin làm nóng, quảng cáo của môi giới hay của một số nhà đầu tư. Pháp lý, tiềm năng lâu dài, mức giá hợp lý vẫn là điều quan trọng nhất khi xuống tiền với các nhà đầu tư, dù đất sốt hay không. Thêm nữa, nhà đầu tư hiện còn xuất hiện hiện tâm lý dè chừng trước những nơi được giới thiệu "sốt đất".