MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sốt đất trên... mạng xã hội

26-09-2022 - 09:17 AM | Bất động sản

Sốt đất trên... mạng xã hội

Đây là kiểu gây sốt đất ảo của các doanh nghiệp muốn kiếm lời nhanh từ túi tiền những người ít am hiểu về pháp luật đất đai.

Ngày 25-9, trước thông tin "nhà đầu tư đến xem nền và chốt đất nhanh như chớp", cơ quan chức năng huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước tiếp tục làm rõ để có hướng xử lý.

Sốt đất trên... mạng xã hội - Ảnh 1.

“Chốt đất nhanh như chớp” vào ngày 23-9. (Ảnh cắt từ clip)


Náo nhiệt như trẩy hội

Một ngày trước, mạng xã hội lan truyền clip với nội dung một công ty bất động sản có trụ sở tại tỉnh Bình Dương tổ chức bán đất nền trên địa bàn huyện Đồng Phú. Theo clip, hàng chục người với ôtô các kiểu tập trung trên 2 tuyến đường cạnh những lô trồng điều và cao su, nhiều cọc được cắm thể hiện như định vị những lô đất được rao.

Hàng loạt nhân viên môi giới cầm giấy tờ di chuyển ngược xuôi, một số giọng nói cất lên báo thông tin các lô đất đã chốt mua "10 bên Lucky cọc nha, 11 bên em cọc rồi nha. Ok... hết rồi". Từ clip này, cộng đồng mạng xôn xao đặt dấu hỏi về tính pháp lý của các lô đất nền cũng như tốc độ "chốt đất nhanh như chớp" của những nhân vật được quay lại.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo huyện Đồng Phú xác nhận sự việc diễn ra tại một khu đất thuộc xã Tân Hòa. Huyện đã chỉ đạo UBND xã này xác minh và có báo cáo. Còn chính quyền xã Tân Hòa cho hay đã tiến hành xác minh, thông tin ban đầu là cảnh giao dịch tốc hành này xảy ra ngày 23-9.

Theo đánh giá của nhiều người tham gia lĩnh vực bất động sản, đây là kiểu gây sốt đất ảo hướng tới những người ít am hiểu về pháp luật đất đai của những doanh nghiệp muốn kiếm lời nhanh. Các thửa rao bán ở trên thể hiện là đất nông nghiệp, chưa thể xây nhà ở. Nếu khách hàng bị mê đắm vào không khí khẩn trương giao dịch mà háo hức xuống tiền mua thì khả năng lạc quan nhất cũng chỉ dừng ở việc mua để đó rồi chờ mong sinh lời về sau.

Sốt đất trên... mạng xã hội - Ảnh 2.

Chạy tụt quần để chốt cọc” vào tháng 2-2022. (Ảnh cắt từ clip)

Dễ bị "thôi miên"

Đây không phải lần đầu không khí náo nhiệt trong giao dịch đất tại tỉnh Bình Phước khiến người dân và giới đầu tư "dậy sóng". Vào tháng 2-2022, một clip tương tự được quay tại xã Lộc Khánh (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) rồi đăng lên mạng xã hội đã nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Theo đó, khu đất tại xã Lộc Khánh là đất nông nghiệp được một doanh nghiệp bất động sản ở Bình Dương mua. Không phải là một dự án nhưng doanh nghiệp tự phân ra từng lô nhỏ để chào bán cho nhiều người. Trong clip, một nhóm môi giới bất động sản dựng rạp bán đất, hàng chục ôtô xếp hàng và cả trăm người tham gia. Nhiều nhân viên mặc đồ vest, xách cặp da và sổ đỏ chạy đi chạy lại liên tục, thông báo khách chốt cọc.

Trong tiếng nhạc xập xình, người được cho là MC liên tục thông báo kết quả giao dịch. Sức mua "nóng" đến nỗi có người phải nhắc khéo "coi chừng mấy anh cọc trùng".

Clip được đưa lên, các bình luận đa số vạch ra sự dàn dựng, cách "làm màu" của doanh nghiệp và chế giễu như "giải điền kinh mở rộng", "cuộc đua marathon bắt đầu", "chạy tụt quần để chốt cọc"…

Cơ quan chức năng sau đó vào cuộc, mời một số người làm việc và lập biên bản về hành vi tập trung đông người không xin phép, đồng thời khẳng định xã Lộc Khánh không có dự án khu dân cư nào được cấp phép. Tháng 3-2022, UBND huyện Lộc Ninh ra quyết định xử phạt hành chính đối với công ty bất động sản trên số tiền 100 triệu đồng vì vi phạm kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, theo Nghị định 16/2022.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam - hiện nay, một số công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản theo kiểu "treo đầu dê bán thịt chó". Đã có nhiều trường hợp lấy hình ảnh, thông tin dự án của tập đoàn uy tín để quảng cáo, tổ chức hội nghị chào mời khách hàng. Khi khách hàng đến nơi thì họ đưa lên xe chở đi Bình Dương, Đồng Nai bán các dự án hẻo lánh, ít người biết đến.

"Mua bán bất động sản cần có quyết định thận trọng vì đó là tài sản lớn của chúng ta. Người dân cần chọn những tập đoàn, công ty có uy tín, có thương hiệu qua những dự án họ đã triển khai. Bên cạnh đó, cần xem tính pháp lý, vị trí của dự án cũng như khả năng tài chính của mình có phù hợp hay không trước khi ký hợp đồng" - bà Hương nói.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Quỳnh Lan, Viện trưởng VKSND quận Gò Vấp (TP HCM), cảnh báo người dân nếu không có kiến thức, không rành về thị trường bất động sản thì nên tránh xa những lời mời chào mua đất với những lời hứa suông. Bởi theo bà Lan, một khi đã bỏ tiền, hợp đồng đã ký thì người bán dễ phủi trách nhiệm rất nhanh.

Ngậm "trái đắng"

Nhiều người không am hiểu về thị trường đất nền bị các môi giới bất động sản thuyết phục bằng những lời hứa có cánh rồi ngậm "trái đắng". Báo Người Lao Động ngày 11-8 có bài phản ánh việc nhiều công ty trong lĩnh vực bất động sản đưa khách hàng vào thế khó. Theo đó, bà N.M (quận 7, TP HCM) được một nam nhân viên công ty bất động sản mời đi tham quan dự án đất nền "tiềm năng" ở TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) và nói nếu thích thì đầu tư sinh lời, không mua cũng không sao.

Đến nơi, thấy cảnh tượng nhiều người háo hức mua nền đất nên bà M. cùng con gái lập tức ký đặt cọc rồi chuyển khoản 1 tỉ đồng cho 2 nền đất trị giá 3,3 tỉ đồng. Sau đó, nhân viên công ty bất động sản đã lo mọi thủ tục, đồng thời làm khống bảng lương cho con gái bà M. từ 6 triệu đồng thành 35 triệu/tháng để chị này làm hồ sơ vay ngân hàng. Khi về nhà, nghe cảnh báo từ nhiều người, con gái bà M. đã tức tốc liên hệ ngân hàng nhờ can thiệp. Từ những giấy tờ và hồ sơ gia đình cung cấp, ngân hàng xác minh và từ chối cho vay.

Một trường hợp khác là bà N.K (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) đã ngậm "trái đắng" khi mất ngay 200 triệu đồng vì thay đổi ý định mua đất nền. Bà K. cho biết sau khi ký cọc thì nhận thấy công ty bán đất nền có dấu hiệu gian dối nên muốn dừng. "Nhưng họ căn cứ vào những điều khoản mập mờ trong hợp đồng đặt cọc nên tôi đành chấp nhận mất 200 triệu đồng và phải im lặng..." - bà K. nói.

Theo Nhóm PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên