MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

S&P nâng hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam lần đầu tiên sau 9 năm

06-04-2019 - 20:08 PM | Tài chính - ngân hàng

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard&Poor’s nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam lần đầu sau 9 năm.

Chiều ngày 6/4 Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo về kết quả xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, ở lần cập nhật mới nhất từ tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard&Poor’s (S&P).

Theo đó, ngày 5/4 vừa qua, S&P đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB” với triển vọng “ổn định”, đồng thời khẳng định xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn cho Việt Nam ở mức “B”.

“Những nỗ lực cải cách rõ rệt của hệ thống chính trị nói chung, của Chính phủ nói riêng, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ ngành trong những năm gần đây, với tinh thần cầu thị vì một Chính phủ kiến tạo và phục vụ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận”, thông báo từ Ngân hàng Nhà nước có đoạn viết về kết quả trên.

Như vậy lần đầu tiên sau 9 năm (kể từ tháng 12/2010) giữ nguyên mức xếp hạng "BB-", S&P đã quyết định thăng hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam. 

Cùng với việc Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam từ mức "B1" lên "Ba3" với triển vọng thay đổi từ "ổn định" lên "tích cực" tháng 8/2018, Fitch Ratings cũng thăng hạng tín nhiệm cho Việt Nam từ mức "BB-" lên mức "BB" với triển vọng "ổn định" tháng 5/2018 (Trước đó, tháng 7/2014 Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ "B2" lên "B1" với triển vọng "ổn định"; tháng 11/2014, Fitch xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ mức "B+" lên "BB-" với triển vọng từ "Tích cực" sang "Ổn định"), sự kiện S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam lần này đã cho thấy những chuyển biến tích cực của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam được ghi nhận rõ nét trong mắt các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.

Trong Báo cáo xếp hạng tín nhiệm đã công bố, S&P đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ Việt Nam. Những cải thiện nhất quán và mạnh mẽ của nền kinh tế vĩ mô, cùng với sự ổn định chính trị tiếp tục là minh chứng cho những cải cách nền tảng thể chế đáng ghi nhận. S&P cũng tin tưởng những kết quả tích cực này sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới, hỗ trợ tích cực cho hồ sơ tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. 

Triển vọng "ổn định" phản ánh S&P kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà mở rộng nhanh chóng, với những cải thiện khá chuẩn mực trong thiết lập, hoạch định chính sách, củng cố việc nâng hạng tín nhiệm. Các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ Việt Nam trong những năm gần đây đã đưa ra nhiều định hướng chính sách rõ ràng, giúp cải thiện sự ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát hiệu quả. Việc Chính phủ quyết định gia nhập Hiệp định thương mại CPTPP cuối năm 2018 cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam trong những năm tiếp theo.

S&P nhận định, Việt Nam tuy là quốc gia có thu nhập nằm trong nhóm trung bình thấp nhưng có nền kinh tế tăng trưởng nhanh và cơ cấu kinh tế đa dạng. Những cải thiện trong ổn định kinh tế vĩ mô đã hỗ trợ cho sự tăng trưởng mạnh của khu vực FDI và các ngành chế biến chế tạo phục vụ xuất khẩu (điện tử, điện thoại, dệt may). Khu vực FDI tăng trưởng tốt kéo theo các hoạt động kinh tế trong nước tăng trưởng mạnh mẽ. Tăng trưởng của khu vực xuất khẩu cùng với cầu nội địa khá mạnh mẽ sẽ giúp tăng trưởng GDP bình quân đầu người thực tế cao hơn mức dự báo trung bình cho cả giai đoạn.

 Đồng thời, nền kinh tế đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, với tốc độ tăng trưởng GDP thực bình quân 6,2%/năm kể từ năm 2012 đến nay, GDP bình quân đầu người tăng gấp rưỡi trong vòng 6 năm (từ 1.754 USD năm 2012 lên 2.572 USD năm 2018). S&P dự báo tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người thực của nước ta sẽ đạt 5,7%/năm từ nay đến năm 2022, cao hơn mức bình quân của các nước có mức thu nhập tương đồng.

Trích dẫn xếp hạng của Việt Nam về môi trường kinh doanh trong Báo cáo Doing Business của WB, S&P nhìn nhận môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện vượt bậc trong những năm gần đây, với vị trí xếp hạng đạt ở mức 69/190 quốc gia được xếp hạng năm 2018, cải thiện 30 bậc chỉ trong 06 năm (so với vị trí xếp hạng thứ 99 của năm 2012). Với môi trường kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, việc thu hút các luồng vốn vào qua đầu tư trực tiếp (FDI), đầu tư gián tiếp (FII) ngày một hiệu quả hơn đã củng cố cho việc nâng hạng tín nhiệm.

Xếp hạng đối ngoại của Việt Nam tương đối lành mạnh và ổn định, cũng là một điểm mạnh củng cố việc nâng hạng. Cán cân vãng lai liên tục thặng dư và được dự kiến tiếp tục thặng dư từ nay cho đến năm 2022. Môi trường kinh doanh được cải thiện vượt bậc, chi phí cho một đơn vị lao động quốc gia tương đối cạnh tranh, giáo dục được cải thiện, quy mô dân số tăng sẽ là những nhân tố tiếp tục thu hút FDI và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Vị thế dư nợ đối ngoại quốc gia (được tính bằng thước đo nợ nước ngoài ròng hẹp) được cải thiện, kỳ vọng ở mức trung bình 9,4% tính cho cả giai đoạn 2018-2021.

Liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo đánh giá của S&P, quy mô dư nợ tín dụng so với GDP là tương đối lớn so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, cùng với việc Ngân hàng nhà nước kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng, tín dụng của hệ thống ngân hàng đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm 2018, đồng thời xu thế này nhiều khả năng tiếp tục được duy trì trong những năm tới, góp phần tích cực trong việc củng cố sự ổn định của hệ thống ngân hàng. 

S&P đánh giá cao tầm quan trọng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc hiệu chỉnh chính sách tiền tệ cho phù hợp với chính sách tài khóa và những chính sách kinh tế phát triển khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững. S&P cũng nhận thấy việc sử dụng các công cụ mang tính thị trường trong thực thi chính sách tiền tệ đã thực sự phát huy hiệu quả duy trì lạm phát ở mức thấp trong những năm gần đây. Do vậy, đánh giá về tính chuyển đổi của đồng VND cũng được S&P nâng hạng từ "BB-" lên "BB".

Với nhiều nhận định mang tính tích cực nêu trên, ngoài việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam lên mức "BB", S&P có thể tiếp tục cân nhắc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam trong thời gian tới nếu nền tảng kinh tế vững chắc, môi trường thể chế giúp cải thiện kết quả tài khóa tốt hơn kỳ vọng. Những nỗ lực cải cách rõ rệt của hệ thống chính trị nói chung, của Chính phủ nói riêng, trong đó có Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành trong những năm gần đây, với tinh thần cầu thị vì một Chính phủ kiến tạo và phục vụ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. 

Ngọc Thảo

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên