SSI: Hấp thụ gói cứu trợ 285 nghìn tỷ VND sẽ hạn chế bởi hoạt động sản xuất kinh doanh đang đình trệ
"Tăng trưởng sẽ được bù đắp từ cuối 2020 và năm 2021, khi hàng loạt các dự án hạ tầng bằng vốn đầu tư công bắt đầu lan tỏa sang các thành phần kinh tế", theo Báo cáo Ứng phó chính sách của chính phủ các nước với COVID-19 của Trung tâm phân tích SSI.
- 16-03-2020COVID-19: Du học sinh châu Âu có nên về nước?
- 16-03-2020Bộ Ngoại giao: Công dân Việt Nam không nên đến Singapore nếu không thực sự cần thiết
Nếu như đại dịch H1N1 diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trượt dốc mạnh (do khủng hoảng tài chính 2008 bắt nguồn từ Mỹ) thì đại dịch COVID-19 cũng diễn ra khi tăng trưởng toàn cầu giảm tốc vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Sự cộng hưởng tác động khiến người ta liên tưởng đến viễn cảnh suy thoái kinh tế như đã từng xảy ra năm 2009.
Ở thời điểm hiện tại, diễn biến dịch bệnh vẫn là một ẩn số nhưng các tác động của nó đến thương mại, sản xuất và du lịch toàn cầu đang ngày càng hiển hiện khiến các chính phủ - trong đó có chính phủ Việt Nam - không thể đứng yên.
Về chính sách tiền tệ: Theo thông tin từ NHNN, đến 4/3/2020, có 926 nghìn tỷ đồng của 23 NHTM có báo cáo, tương đương 14.27% tổng dư nợ 23 NHTM và 11.3% dư nợ cho vay toàn hệ thống, đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngày 13/3/2020, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TTNHNN, văn bản hóa các chỉ đạo trước đó trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng.
Các NHTM đã hỗ trợ trên 44.000 khách hàng được tái cơ cấu, miễn, giảm lãi vay; 32/45 ngân hàng tham gia miễn/giảm phí giao dịch. NHNN cũng công bố sẽ sớm giảm lãi suất điều hành, chúng tôi cho rằng việc giảm lãi suất sẽ thực hiện ngay trong tháng 3/2020 và mức giảm là 50bps với các lãi suất OMO, Tín phiếu, Tái cấp vốn, chiết khấu – cao hơn so với mức cắt giảm 25bps vào 9/2019. Các lãi suất điều hành không tác động trực tiếp tới lãi suất huy động và cho vay doanh nghiệp và dân cư nhưng có thể kéo giảm lãi suất trên liên ngân hàng, hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM.
Bên cạnh đó, các gói tín dụng với tổng trị giá 285 nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp hơn từ 0.5-2%/năm cũng đang được các NHTM triển khai với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy vậy, việc hấp thụ gói tín dụng này sẽ hạn chế bởi hoạt động sản xuất kinh doanh đang đình trệ. Thực tế, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm chỉ đạt 0.06%, mức thấp nhất so với cùng kỳ của 6 năm trở lại đây, tức là chỉ có 5.000 tỷ đồng được giải ngân trng 2 tháng qua. Bởi vậy, thời điểm hiện tại, NHNN vẫn đang điều hành chính sách tiền tệ hết sức thận trọng, điều tiết cung tiền chặt chẽ qua thị trường mở.
Về chính sách tài khóa: Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công được coi là giải pháp cấp bách và hiệu quả nhất để kích thích nền kinh tế. Chính phủ và các cơ quan trung ương đều rất quyết tâm đẩy nhanh đầu tư công. Một ví dụ là Chính phủ đã chuyển đổi 3 trong 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) của dự án đường cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công, kiến nghị Quốc hội quyết định để khởi công trong tháng 8/2020. Tổng vốn đầu tư của 3 dự án chuyển đổi là 33.610 tỷ đồng chiếm 38% tổng vốn đầu tư của 8 dự án PPP hiện tại (88.234 tỷ đồng). Việc chuyển sang đầu tư 100% từ vốn ngân sách sẽ giúp các dự án nhanh chóng được triển khai vì các dự án theo hình thức PPP thường bị trì hoãn do các NHTM không muốn cho vay.
Bộ Tài chính cũng đã có dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, đang gửi xin ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ ban hành. Theo đó, gia hạn thuế GTGT phải nộp trong quý 1 và 2/2020 đến trước 31/12/2020, ước tính khoảng 22.600 tỷ đồng; gia hạn thuế đất phải nộp đầu kỳ năm 2020 đến trước 31/10/2020, ước tính khoảng 4.500 tỷ đồng; gia hạn thuế GTGT, thuế TNCN 2020 của cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng đến trước 15/12/2020, ước tính khoảng 3.000 tỷ đồng. Tổng giá trị thuế được gia hạn là 30.100 tỷ đồng.
Theo SSI: Dù chưa thể chắc chắn dịch bệnh sẽ lây lan ra sao và ảnh hưởng đối với kinh tế toàn cầu như thế nào, kịch bản cơ sở là dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào cuối quý 2/2020. Các nền tảng vĩ mô của Việt nam như tỷ giá, lạm phát vẫn đang được giữ vững. Các nỗ lực kích thích kinh tế đồng thời bằng cả chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ giảm thiểu những thiệt hại từ dịch bệnh.
Tăng trưởng sẽ được bù đắp từ cuối 2020 và năm 2021, khi hàng loạt các dự án hạ tầng bằng vốn đầu tư công bắt đầu lan tỏa sang các thành phần kinh tế. Việt Nam sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 2020 là 6.8%, nhưng điều quan trọng là Việt nam đã đẩy nhanh được việc tạo lập các nền tảng cho tăng trưởng cao trong tương lai.