MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SSI Research: Cơ may gọi vốn cho các thị trường mới nổi sẽ ngày càng trở nên eo hẹp

Theo SSI Research, dòng vốn đã bị rút khỏi EM trong 4 tháng liên tiếp và khó dừng lại trong tương lai gần. Dòng vốn quay trở lại Mỹ ngày một rõ và như những gì diễn ra trong 4 tuần vừa qua, rất có thể giới đầu tư đã hoặc sẽ quyết định dừng chân ở thị trường Mỹ.

Trong báo cáo mới được công bố, SSI Research cho biết dòng vốn đang tiếp tục có dấu hiệu bị rút ra khỏi các thị trường mới nổi (EM). Điểm khác biệt so với cuối tháng 6, đầu tháng 7 đó là dòng vốn ra khỏi EM lại dường như đang quay trở lại thị trường phát triển (DM), mà cụ thể là Mỹ do tăng trưởng kinh tế tại Mỹ đang rất khả quan. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vào tháng 6 đã rơi xuống mức thấp nhất 20 năm là 3,9% và chỉ số S&P 500 là chỉ số hiếm hoi trên thế giới tăng điểm với mức tăng +6,25% kể từ đầu năm.

Trong 5 tuần gần nhất, các quỹ đầu tư cổ phiếu của Mỹ có inflow 4 tuần với tổng inflow +14,3 tỷ USD. Ngược lại, thị trường mới nổi chỉ có inflow duy nhất 1 lần trong 5 tuần gần nhất và tổng giá trị outflow của 5 tuần là -3,8 tỷ USD.

So với các thị trường phát triển còn lại là Tây Âu và Nhật bản, thị trường Mỹ có sức hấp dẫn hơn cả. Ngược lại là thị trường Tây Âu. Dòng vốn đã bị rút ra khỏi các quỹ cổ phiếu của Tây Âu 22 tuần liên tiếp với tổng giá trị lên tới -52 tỷ USD. Cùng thời gian này, các quỹ của Nhật có inflow +14 tỷ USD còn Mỹ là +20 tỷ USD.

Ở nhóm quỹ Global Emerging Market Fund (GEM), khá bất ngờ khi trong 2 tuần gần nhất đã có lại inflow dù giá trị không đáng kể. Tuy nhiên đây có thể chỉ là động thái "bắt đáy" trong thời gian ngắn khi chỉ số MSCI EM Index giảm sâu xuất phát từ khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm quỹ khu vực Châu Á và Châu Mỹ Latin trong 2 tuần đó vẫn tiếp tục có outflow. Đáng chú ý là vào tuần đầu tháng 8, outlfow ở toàn bộ thị trường Châu Mỹ Latin đã tăng lên mức cao nhất 3 năm.

Cơ may gọi vốn cho các thị trường mới nổi sẽ ngày càng trở nên eo hẹp

Dòng vốn trên toàn cầu liên tục dịch chuyển để tìm kiếm cơ hội sinh lời. Dòng tiền sẽ tập trung vào các tài sản được đánh giá có lợi suất cao nhất trên một đơn vị rủi ro. Trong con mắt của giới đầu tư thì thị trường EM luôn có rủi ro cao hơn thị trường DM và lịch sử đã cho thấy một số lần dòng vốn rời khỏi EM để chuyển về DM khi rủi ro gia tăng.

Lần đầu tiên là trước và trong năm 2015 khi FED chuẩn bị tăng lãi suất. FED nâng lãi suất đe dọa tăng chi phí vốn và làm đồng USD lên giá, hai yếu tố khiến tài sản của EM trở nên rủi ro hơn.

Lần thứ 2 là sau khi Donald Trump thắng cử. Với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Trump, giới đầu tư kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ sẽ cao, vì vậy tài sản của Mỹ sẽ trở nên hấp dẫn. Giới đầu tư cũng dự báo đồng USD sẽ lên giá bởi Trump là người ủng hộ thắt chặt tiền tệ.

Dấu hiệu của lần thứ 3 đang hiện rõ, bắt đầu từ tháng 4/2018 khi khả năng FED nâng lãi suất nhanh hơn dự kiến khiến đồng USD tăng mạnh. Tiếp theo, từ tháng 6 xuất hiện rủi ro chiến tranh thương mại.

SSI Research: Cơ may gọi vốn cho các thị trường mới nổi sẽ ngày càng trở nên eo hẹp - Ảnh 1.

Dòng vốn đã bị rút khỏi EM trong 4 tháng liên tiếp và khó dừng lại trong tương lai gần. Dòng vốn quay trở lại Mỹ ngày một rõ và như những gì diễn ra trong 4 tuần vừa qua, rất có thể giới đầu tư đã hoặc sẽ quyết định dừng chân ở thị trường Mỹ.

SSI Research cho rằng khi cơ hội ở một thị trường lớn, quen thuộc và ít rủi ro là Mỹ đang nổi lên song song với chính sách thắt chặt tiền tệ của FED, cơ may gọi vốn cho các thị trường mới nổi sẽ ngày càng trở nên eo hẹp.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên