MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SSI sẽ phát hành 6 chứng quyền đảm bảo (CW) với 4 cổ phiếu MWG, HPG, FPT và MBB

Nếu nhiều CTCK cùng phát hành chứng quyền đảm bảo (CW) cho một mã chứng khoán, sẽ tùy thuộc vào định giá của mỗi đơn vị thì giá CW sẽ có giá khác nhau, đồng thời việc định giá cho CW còn dựa trên khả năng thanh toán, thời hạn, đặc biệt là mức thanh khoản của mỗi CW tại những tổ chức phát hành khác nhau, đại diện Chứng khoán SSI nói thêm.

Chứng quyền có đảm bảo (CW) là sản phẩm do CTCK phát hành, được niêm yết trên sàn chứng khoán và có hoạt động giao dịch tương tự như chứng khoán cơ sở. Theo đó, CW luôn gắn liền với một mã chứng khoán cơ sở để làm căn cứ tham chiếu xác định lãi/lỗ. Một điểm đáng chú ý khi mua CW chính là thời hạn của chứng quyền, thông thường vòng đời của CW sẽ kéo dài từ 3-24 tháng, nhà đầu tư có thể bán chứng quyền khi niêm yết trên sàn giao dịch hoặc nắm giữ đến đáo hạn.

SSI sẽ phát hành 6 CW cho 4 mã MWG, FPT, MBB, HPG

Chính thức được giới thiệu từ năm 2017, đến nay CW bắt đầu được ra mắt bởi một số CTCK. Trong đó, Chứng khoán SSI dự kiến sẽ chính thức phát hành CW cho 4 mã chứng khoán cơ sở gồm: Ngân hàng MB (MBB), Đầu tư Thế giới Di động (MWG), Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Tập đoàn FPT (FPT), khối lượng dự kiến từ 1-3 triệu đơn vị. Được biết, CTCK muốn phát hành CW phải đạt những tiêu chuẩn nhất định về năng lực tài chính, và phải được UBCKNN cấp phép. Theo khảo sát trên thị trường hiện nay, có không quá 12 CTCK đủ điều kiện phát hành CW.

Riêng Chứng khoán SSI, là một trong 7 đơn vị tiên phong phát hành CW trên thị trường, Công ty sẽ phát hành 6 mã CW dựa trên 4 mã cơ sở (đã nêu) với kỳ hạn từ 3-6 tháng. Trên vai trò đơn vị phát hành, rủi ro lớn nhất chính là việc chứng khoán cơ sở biến động lớn hoặc mất thanh khoản dẫn đến việc CTCK không thể thực hiện phòng ngừa rủi ro (hedging) theo đúng quy định của UBCKNN. Do đó, Chứng khoán SSI sẽ kết hợp hai bộ phận rủi ro và tự doanh sẽ liên tục đưa ra cảnh báo về rủi ro thanh khoản, rủi ro biến động giá chứng khoán cơ sở để kịp thời hedging.

Nói về công tác phát hành CW, ông Nguyễn Đức Thông – Giám đốc giao dịch phát sinh Chứng khoán SSI – cho biết: "CW sẽ giúp SSI tăng thị phần, tối ưu hóa nguồn vốn SSI đang quản lý, linh hoạt hơn trong hoạt đồng đầu tư tự doanh". Liên quan đến việc phân bổ tỷ lệ chứng khoán cơ sở phải mua vào là bao nhiêu để đảm bảo kế hoạch hedging, theo ông Thông, số lượng chứng khoán cơ sở SSI mua vào cho việc phát hành sẽ tùy thuộc vào giá cũng như thời hạn của CW. Song song, SSI sẽ dùng công thức trên thế giới để tính tỷ lệ chứng khoán cơ sở mua vào cho phù hợp. Về quyền cổ đông thì người sở hữu chứng quyền sẽ không có thì thực chất người sở hữu CW không sở hữu chứng khoán cơ sở.

Nếu nhiều CTCK cùng phát hành CW cho một mã chứng khoán, sẽ tùy thuộc vào định giá của mỗi đơn vị thì giá CW sẽ có giá khác nhau, đồng thời việc định giá cho CW còn dựa trên khả năng thanh toán, thời hạn, đặc biệt là mức thanh khoản của mỗi CW tại những tổ chức phát hành khác nhau, vị này nói thêm.

Đầu tư CW: Đòn bẩy cao thì rủi ro cao

Cùng chia sẻ tại hội thảo "Chứng quyền có đảm bảo – Đón đầu cơ hội mới" tại HoSE ngày 6/6/2019, đại diện Chứng khoán SSI chia sẻ thời điểm ban đầu áp dụng tại thị trường Việt Nam, hình thức thực hiện quyền CW sẽ bằng tiền mặt, và kiểu thực hiện quyền theo châu Âu – tức nhà đầu tư chỉ có thể thực hiện quyền tại thời điểm đáo hạn CW.

Lợi ích của CW so với chứng khoán thông thường lúc này sẽ giúp nhà đầu tư được quyền mua (không bắt buột) một cổ phiếu khi tăng giá với giá xác định trước, với một mức phí bỏ ra thấp hơn nếu mua cổ phiếu; ngược lại nhà đầu tư có thể xác định được mức lỗ tối đa phải chịu (tức mức phí để mua quyền).

"Đầu tư chứng khoán cơ sở thì dù biết phải cắt lỗ, tuy nhiên tính kỷ luật mỗi nhà đầu tư khác nhau, và điều này định hình trader thành công trên thị trường, khác với CW là mức lỗ tối đa được định trước, và nhà đầu tư chỉ coi đây là phí bảo hiểm giao dịch", ông Nguyễn Duy Linh – Phó Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán Khách hàng Cá nhân phân trần.

Song ngược lại, đòn bẩy càng cao thì đi kèm với rủi ro càng cao, tức CW biến động theo chứng khoán cơ sở, trong trường hợp cổ phiếu giảm giá thì tỷ lệ thua lỗ của CW sẽ cao hơn, dĩ nhiên trong trường hợp nhà đầu tư quyết định thực hiện quyền.

Lấy ví dụ cổ phiếu MBB, với chứng khoán cơ sở nhà đầu tư sẽ bỏ ra chi phí ban đầu 220 triệu để sở hữu 10.000 mã MBB. Trong khi với CW, nhà đầu tư chỉ bỏ ra số vốn ban đầu là 25 triệu đồng để nhận về quyền mua cổ phiếu MBB (thời hạn 6 tháng) với giá xác định 22.000 đồng/cp.

Trường hợp mã MBB tăng giá lên 27.500 đồng/cp, với chứng khoán cơ sở nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu sẽ có lời 55 triệu, so với vốn ban đầu (220 triệu) thì tỷ lệ sinh lợi lúc này là 25%/vốn. Trong khi với CW, nhà đầu tư lãi 30 triệu, song so với vốn bỏ ra thì tỷ suất sinh lợi lên đến 120%/vốn, đây là lợi ích khi dùng đòn bẩy.

Ngược lại, trường hợp MBB chỉ tăng giá nhẹ lên 23.000 đồng, lúc này với chứng khoán cơ sở nhà đầu tư có lời 10 triệu, tuy nhiên với CW do chưa bù đắp được mức phí do đó sẽ phải thua lỗ 15 triệu đồng. Đây được hiểu là rủi ro càng cao khi dùng đòn bẩy tài chính càng cao.

Tuy nhiên, khi MBB giảm giá mạnh về chỉ còn 17.000 đồng/cp, dĩ nhiên nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu cơ sở lúc này thua lỗ đậm đến 50 triệu đồng, thì chủ nhân CW sẽ có quyền không thực hiện quyền mua MBB và chỉ mất đi mức lỗ tối đa là khoản vốn ban đầu 25 triệu đồng.

SSI sẽ phát hành 6 chứng quyền đảm bảo (CW) với 4 cổ phiếu MWG, HPG, FPT và MBB - Ảnh 1.

Một rủi ro đáng quan tâm khác với nhà đầu tư khi mua CW chính là rủi ro tổ chức phát hành, với Việt Nam lúc này là các CTCK. Để hạn chế điều này, nhà đầu tư cần phải lựa chọn các CTCK có uy tín, vốn lớn – đặc biệt nguồn tự doanh lớn, và có khả năng đảm bảo thanh khoản cho CW.

Cuối cùng, một nhược điểm so với chứng khoán cơ sở chính là vòng đời của CW, chỉ giới hạn 3-24 tháng, đồng nghĩa sản phẩm này sẽ không phù hợp với nhà đầu tư dài hạn. Chia sẻ thêm về CW, đại diện SSI cho biết hiện cũng có rất nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm đến sản phẩm này.

Túc Mạch

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên