MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Standard Chartered phân tích về rủi ro lớn nhất mà kinh tế Việt Nam đang đối mặt

Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered

Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered

Việc chính phủ Mỹ xem xét cắt giảm thuế quan với hàng Trung Quốc nhằm hạ nhiệt lạm phát có thể ảnh hưởng xấu đến FDI vào Việt Nam, Tổng giám đốc ngân hàng Standard Chartered lo ngại.

Nửa đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng tốt, hồi phục mạnh mẽ sau khoảng thời gian suy giảm do dịch COVID-19. Tuy nhiên, nền kinh tế lại phải đương đầu với những thách thức mới do căng thẳng địa chính trị trên thế giới và lạm phát.

Theo phân tích của Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, trong bối cảnh lạm phát gia tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm các kênh đầu tư mang lại lợi suất cao hơn hoặc sẽ làm gia tăng rủi ro bất ổn tài chính.

Sau kết quả 6 tháng đầu năm 2022, nhiều tổ chức trong và ngoài nước lần lượt nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay. Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đề xuất nâng mục tiêu lên 7%. Theo bà, mục tiêu này có khả thi không?

Bà Michele We: Chúng tôi tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 ở mức 6,7%, tăng từ mức -3% tại thời điểm đỉnh dịch Covid-19 năm 2020-2021.

Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam đã cho thấy những tín hiệu lan tỏa, các chỉ số kinh tế vĩ mô tiếp tục phục hồi trong tháng 6. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP nửa đầu năm nay đạt 6,4%, vẫn thấp hơn thời điểm trước đại dịch.

Sự phục hồi có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm, nhất là khi Việt Nam đã mở cửa du lịch trở lại sau 2 năm đóng cửa.

Tuy nhiên giá dầu thế giới gia tăng cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế. Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng năm 2023 ở mức 7% nhờ triển vọng trung hạn tích cực của Việt Nam.

Với các dự báo nói trên, triển vọng kinh tế VN khá lạc quan. Tuy nhiên tình hình kinh tế thế giới không thuận lợi thậm chí đặt ra nhiều thách nhức như lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt. Bà đánh giá thế nào về những thức thách này với nền kinh tế Việt Nam?

Bà Michele We: Chúng tôi cho rằng triển vọng trung hạn của Việt Nam tiếp tục duy trì tích cực bất chấp những trở ngại của toàn cầu hóa.

Tuy nhiên, ba yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh tế Việt Nam, bao gồm: (1) sự xuất hiện và lây lan của các chủng COVID mới, (2) việc Mỹ giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, và (3) suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra. Vẫn còn những quan ngại từ yếu tố dịch bệnh mặc dù Việt Nam đã chuyển sang "sống chung với COVID".

Ở khía cạnh thương mại, Chính phủ Mỹ cho biết đang xem xét cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để hạ nhiệt lạm phát, điều này có thể làm chậm sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, làm suy giảm vốn FDI vào Việt Nam, thậm chí có thể khiến dòng vốn đầu tư chảy ra khỏi Việt Nam.

Trong khi đó, nếu suy thoái toàn cầu diễn ra sẽ ảnh hưởng nặng nề lên các nhà xuất khẩu; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam tương đương hơn 100% GDP.

Chúng tôi duy trì dự báo lạm phát năm 2022 và 2023 của Việt Nam lần lượt ở mức 4,2% và 5,5%. Lạm phát hiện vẫn trong tầm kiểm soát. Giá nhiên liệu gia tăng trong khi đó giá các mặt hàng khác trong rổ lạm phát vẫn ở mức khá thấp.

Áp lực giá cả, đặc biệt là thực phẩm và nhiên liệu, có thể sẽ tăng vào nửa cuối năm 2022 và trong năm 2023. Điều này sẽ mang đến những rủi ro đối với sự phục hồi của tiêu dùng nội địa vốn mới chỉ diễn ra được một thời gian ngắn. Lạm phát gia tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm các kênh đầu tư mang lại lợi suất cao hơn hoặc sẽ làm gia tăng rủi ro bất ổn tài chính.

Bà có thể chia sẻ quan điểm về vấn đề tỷ giá USD/VND đã và đang trong xu hướng tăng?

Bà Michele We: Chúng tôi nâng dự báo đối với tỷ giá USD-VND trước áp lực lên cán cân thương mại hàng hóa đến từ giá cả hàng hóa gia tăng.

Tỷ giá USD-VND được dự báo sẽ đạt 23.000 vào cuối Quý 3/2022 và 22.800 và cuối Quý 4/2022. Chúng tôi cho rằng đồng VND sẽ tăng giá mạnh trong năm sau cùng với đà phục hồi của thặng dư tài khoản vãng lai.

Quan điểm của bà về chính sách tiền tệ tại Việt Nam? Chính sách tiền tệ đã tiến tới bình thường hóa như trước đại dịch chưa?

Bà Michele We: Chúng tôi đánh giá cao cách tiếp cận hiện tại của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong việc ổn định các điều kiện kinh tế vĩ mô và hỗ trợ các doanh nghiệp.

Rất nhiều biện pháp tốt đã được đưa ra để giải quyết khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID19 và nhất là việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh gần đây.

Chúng tôi chưa nhận thấy tín hiệu rõ ràng về sự thay đổi trong chính sách của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, đã có những tín hiệu về sự chuyển dịch sang cách tiếp cận theo hướng thắt chặt hơn. Điều này không dựa trên phạm vi rộng và tập trung vào một số lĩnh vực nhất định.

Ví dụ về bất động sản, NHNN đã thắt chặt kiểm soát tín dụng bất động sản nhằm hạn chế đầu cơ và ngăn ngừa bong bóng; kiểm soát giá bất động sản cũng là chìa khóa để duy trì sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Chúng tôi dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất chính sách ở mức 4% trong năm 2022 và có thể sẽ thực hiện bình thường hóa chính sách vào Quý 4 năm 2023 với việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 4,5%.

Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục cảnh giác với các rủi ro lạm phát và bất ổn tài chính, đặc biệt trong bối cảnh các rủi ro địa chính trị còn tiếp diễn.

Tuy nhiên, chúng tôi dự báo cơ quan này sẽ duy trì cách tiếp cận linh hoạt trong năm nay để hỗ trợ các doanh nghiệp, chưa đưa ra tín hiệu về sự thay đổi trong lập trường, cùng với đó, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam cũng chỉ vừa mới bắt đầu.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy một khả năng là Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến khi lạm phát ngày càng gia tăng và đồng VND mất giá nhanh hơn, đặc biệt là nếu Fed tiếp tục lập trường "diều hâu".

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Theo Ngọc Diệp

Biz Live

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên