Startup biến bã bia thành đũa, thìa, ống hút muốn tăng quy mô lên gấp 10 lần trong năm 2024
Thành lập từ năm 2022, Buyo Bioplastics là một startup về công nghệ, cung cấp nhựa sinh học phân hủy làm từ rác thải hữu cơ (chủ yếu hiện nay sử dụng bã bia) để tạo thành các sản phẩm nhựa có thể phân hủy trong thời gian khoảng 1 năm. Chị Đỗ Hồng Hạnh, CEO và Co-Founder của Buyo Bioplastics tiết lộ trong năm nay, quy mô sản xuất của công ty dự kiến sẽ tăng lên gấp 10 lần.
- 12-02-2024Startup "mở bát" Shark Tank mùa 6 kêu gọi được 1 triệu USD: Doanh số tăng vọt 40% sau chương trình, đưa được sản phẩm vào 4 bệnh viện và 4 chuỗi nhà thuốc
- 10-02-2024Cựu COO startup AI gọi vốn hơn 10 triệu đô tại Silicon Valley: "Vượt qua vòng AI, hồ sơ của bạn mới có cơ hội tiếp cận nhà tuyển dụng"
- 06-02-2024Từ giấc mơ thiếu thời, 9x startup máy chiếu mini: Ngốn hàng trăm triệu đồng để học 2 khái niệm, tuyên bố đánh bật 1 đối thủ đáng gờm Trung Quốc, sẵn sàng ‘combat’ với ‘cá mập’ để chốt ‘deal thơm’
Chị Đỗ Hồng Hạnh, CEO và Co-Founder của Buyo Bioplastics, là một cựu học sinh chuyên hóa nhưng khi lên đại học, chị đã chọn hướng đi khác. Chị theo học ngành Kinh tế Quốc tế tại Đại học Ngoại thương Hà Nội và sau đó lấy bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Nam California. Trong sự nghiệp của mình, chị đã giữ nhiều vai trò quan trọng như Trưởng đại diện tại CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Bản Việt, Chuyên gia tăng trưởng kinh tế tại USAID Việt Nam, Đại diện Quốc gia của Viện Năng lực Cạnh tranh Châu Á tại Việt Nam và Giám đốc phát triển kinh doanh tại Esquel Group. Vào năm 2021, với mong muốn làm điều gì đó có lợi cho cộng đồng, chị Hạnh đã mời bạn học cấp 3, chị Trịnh Hòa, Tiến sỹ về Kỹ thuật môi trường tham gia dự án của mình. Sau đó, đội ngũ sáng lập của Buyo đã mở rộng lên 4 người khi có thêm 2 người bạn học Tiến sỹ tại Mỹ của chị Hòa gia nhập.
Tại sao chị lại quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực nhựa sinh học phân hủy ở Việt Nam?
Buyo được thành lập từ tháng 9/2022 nhưng mà chúng tôi đã lên ý tưởng từ trước đó khoảng 1 năm. Ý tưởng thành lập Buyo xuất phát từ việc chúng tôi nhận thức rõ ràng về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đang là một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt và đặc biệt nghiêm trọng ở Việt Nam – quốc gia đang đối mặt với ô nhiễm nhựa thuộc hàng đầu thế giới.
Chính sách cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần của nhiều quốc gia đã mở ra một cơ hội kinh doanh lớn. Nhận thấy đây là "thời điểm vàng" để tìm kiếm và phát triển các giải pháp thay thế nhựa, do đó, chúng tôi đã thành lập Buyo với mục tiêu kép là giải quyết vấn đề rác thải nhựa và đồng thời tận dụng cơ hội thị trường tiềm năng này.
Ngành nhựa sinh học ở Việt Nam cũng không còn quá mới và cũng đã có nhiều doanh nghiệp tham gia, chị đánh giá như thế nào về cơ hội phát triển của Buyo trong thị trường này?
Không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp ở nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng rất mạnh về lĩnh vực này và đã làm nhiều năm rồi.Mỗi bên đều có những ưu thế riêng, với chúng tôi, Buyo đưa một giải pháp mới và toàn vẹn hơn so với các giải pháp đi trước.
Đa số các giải pháp hiện tại chủ yếu sử dụng nguyên liệu từ tinh bột như tinh bột gạo, sắn, ngô. Tuy nhiên, việc sử dụng tinh bột, nguồn thực phẩm dành cho con người để sản xuất nhựa có phần mâu thuẫn và gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Sản phẩm nhựa sinh học từ tinh bột cũng có hạn chế như dễ mủn khi tiếp xúc nước và độ bền không cao.
Sản phẩm của Buyo được tạo ra từ công nghệ mới, sử dụng biowaste (rác thải hữu cơ) làm nguyên liệu đầu vào, tạo ra nhựa phân hủy sinh học mà không có các hạn chế như các sản phẩm trước đây. Sản phẩm hoàn toàn có nguồn gốc hữu cơ, không trộn lẫn với nhựa hóa học hay nhựa dầu mỏ, và không chứa vi nhựa, đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Các sản phẩm của Buyo có thể phân hủy sinh học hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên, không cần thiêu đốt, chỉ cần chôn lấp trong đất, và sẽ phân hủy hoàn toàn sau khoảng một năm. Điều này giúp giảm thiểu khí nhà kính từ việc giảm rác thải hữu cơ thải ra môi trường. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, Buyo cũng chú trọng sử dụng năng lượng tái tạo và tái sử dụng nước.
Với những ưu điểm nổi trội về sản phẩm như vậy, chúng tôi tin rằng cơ hội để mở rộng và phát triển vẫn còn rất nhiều cho Buyo.
Tại sao Buyo lại sử dụng nguyên liệu đầu vào là rác thải hữu cơ mà không phải nguyên liệu khác?
Ban đầu, chúng tôi không ngay lập tức nghĩ đến việc sử dụng rác thải hữu cơ mà đã xem xét đến nhiều loại nguyên liệu khác, thậm chí là vỏ trái cây. Vì Việt Nam là nước xuất khẩu lượng lớn trái cây do đó, có số lượng vỏ trái cây và trái cây hỏng không ít. Tuy nhiên, sau nhiều thử nghiệm với đa dạng nguồn nguyên liệu, chúng tôi đã chọn lọc được loại nguyên liệu khả thi nhất đảm bảo được cả về mặt chất lượng và số lượng.
Trong phòng lab, việc tạo ra sản phẩm rất dễ dàng, nhưng khi áp dụng vào sản xuất công nghiệp thì lại là câu chuyện khác. Sau nhiều quá trình tuyển chọn kỹ lưỡng, chúng tôi nhận ra rác thải hữu cơ là nguồn nguyên liệu thích hợp, không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn đảm bảo cung cấp số lượng ổn định, chất lượng đồng nhất. Và quan trọng là nguồn rác hữu cơ thu được là nguồn đơn, không cần phải phân loại, không lẫn tạp chất. Điều này giúp quy trình sản xuất được chuẩn hóa và giảm chi phí.
Vấn đề chung của các startup về các sản phẩm xanh như nhựa sinh học phân hủy đó là vẫn còn phải đối mặt với thách thức về chi phí sản xuất và nhận thức của người tiêu dùng, đối với Buyo thì sao?
Buyo cũng vậy. Nhựa sinh học phân hủy từ rác thải hữu cơ là một vật liệu mới nên thách thức lớn nhất đối với chúng tôi là cần phải tuyên truyền tới thị trường và khách hàng, làm cho họ nhận thức được những điểm đặc biệt và lợi ích của sản phẩm so với các sản phẩm khác trên thị trường. Thêm vào đó, do là sản phẩm có vật liệu và công nghệ mới, trong khi quy mô sản xuất của chúng tôi vẫn còn hạn chế, chưa đạt được quy mô lớn giúp giảm giá thành. Buyo đang nỗ lực để sản phẩm có giá cả cạnh tranh hơn, có thể ngang bằng với sản phẩm từ bã mía hay giấy để có thể tiếp cận được người tiêu dùng.
Kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất để hạ giá thành sản phẩm của Buyo đang diễn ra như thế nào?
Buyo hiện có một nhà máy tại Thành phố Hồ Chí Minh và kế hoạch trong năm tới là mở rộng quy mô sản xuất bằng cách xây dựng một nhà máy mới lớn gấp 10 lần nhà máy hiện tại.
Công ty phục vụ hai nhóm khách hàng chính: các công ty và tập đoàn đa quốc gia, cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu ở Việt Nam và châu Á. Buyo đang tiếp tục kế hoạch mở rộng đến các thị trường quốc tế, đồng thời xây dựng mạng lưới nhà phân phối tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu. Trong những tháng tới, tôi sẽ có chuyến đi đến những thị trường này để khảo sát và mở rộng hoạt động kinh doanh.
Trong năm nay, Buyo sẽ gọi vốn vòng tiếp theo, vòng series A để mở rộng quy mô sản xuất, đưa được nhiều sản phẩm ra tới thị trường hơn. Từ khi thành lập đến nay, Buyo đã gọi vốn được khoảng 750.000 USD.
Hiện nay, Buyo tập trung vào sản xuất các sản phẩm đồ đựng và bao gói, bao gồm dĩa, dao, muỗng, nĩa, hộp, chai lọ, … cùng các loại màng bọc, túi bọc cho mục đích sử dụng dân dụng. Trong trung hạn, công ty có kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực công nghiệp. Và trong dài hạn, mục tiêu của Buyo không chỉ giới hạn ở mảng nhựa sinh học, mà còn phát triển thành một doanh nghiệp cung cấp đa dạng vật liệu sinh học. Chúng tôi hiện đang thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để tạo ra vật liệu sinh học mới phục vụ các ngành y tế, dược phẩm và mỹ phẩm.
Trước khi làm Buyo chị đang làm Giám đốc phát triển kinh doanh cho một Tập đoàn về dệt may, vậy tại sao chị lại quyết định từ bỏ công việc đấy và bắt đầu lại với Buyo?
Tôi đã làm việc tại các công ty lớn cũng khá lâu rồi và đã trải qua nhiều lĩnh vực công việc khác nhau. Do đó, tôi cảm thấy mình đã hiểu rõ môi trường làm việc ở đó và không còn nhiều không gian để học hỏi. Hiện tại, tôi muốn thử sức với những công việc thách thức hơn.
Khi làm việc tại công ty lớn, mọi thứ đã được thiết lập sẵn từ lâu, với các chuẩn mực và hệ thống rõ ràng, điều này tạo điều kiện cho công việc quản lý trở nên thuận lợi hơn bởi đã sẵn có đội ngũ hỗ trợ mạnh mẽ cả về tài chính lẫn nhân sự. Ngược lại, trong môi trường startup, do giới hạn về nguồn kinh phí, điều này cũng hạn chế số lượng nhân sự có thể thuê, khiến cho tổ chức phải hoạt động một cách gọn nhẹ và người quản lý phải kiêm nhiệm nhiều vị trí khác nhau. Như tôi hiện đang kiêm nhiệm cả giám đốc tài chính, giám đốc nhân sự, giám đốc vận hành và cả giám đốc bán hàng. Hơn nữa, một startup cũng phải chấp nhận rủi ro với sự không chắc chắn cao; không như công ty lớn có ngân sách định kỳ từ tập đoàn, startup không có ngân sách cố định nào cả và đòi hỏi cần phải ứng biến linh hoạt, thích nghi nhanh chóng với mọi tình huống có thể xảy ra.
Một điểm quan trọng khác là tôi đã thấy được vấn đề rác thải nhựa, một vấn đề rất lớn của xã hội và đang có cơ hội để thay đổi nó và xây dựng một công ty không chỉ vì lợi nhuận mà còn nhằm giải quyết một vấn đề xã hội lớn.
Mục tiêu của Buyo trong thời gian tới là gì?
Mục tiêu cao cả cũng như mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là đóng góp được một giải pháp mới và toàn diện, có thể giải quyết được một vấn đề quan trọng toàn cầu. Đây là mục tiêu không chỉ ở khía cạnh khoa học và công nghệ mà còn về mặt xã hội.
Về mặt kinh tế, mục tiêu ngắn hạn của chúng tôi là tăng trưởng nhanh về quy mô, mang sản phẩm và thương hiệu deeptech Việt Nam ra thế giới, nhận được sự công nhận từ các đối tác quốc tế, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia. Điều này không chỉ là một niềm tự hào cho bản thân mà còn là động lực cho toàn bộ team của chúng tôi.
Buyo đặt ra kỳ vọng doanh thu năm 2024 sẽ đạt được từ 1-2 triệu USD, dựa trên việc công ty đang hợp tác phát triển sản phẩm cho một số tập đoàn đa quốc gia lớn. Quá trình phát triển sản phẩm cho những khách hàng này thường rất khó khăn với nhiều yêu cầu cao, nhưng một khi đã thành công, lượng đơn hàng từ họ sẽ rất lớn, và còn tạo ra một chuỗi cung ứng rộng lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia khác. Hiện tại, công ty đã ký hợp đồng và đang trong quá trình phát triển sản phẩm cho một số khách hàng khác.
An ninh Tiền tệ
Sự kiện: Doanh nghiệp chuyển mình
Xem tất cả >>- Bỏ việc ngân hàng để khởi nghiệp, xây nên tài sản triệu USD rồi vỡ nợ 30 tỷ đồng: Bài học từ CEO 9X trở về từ bờ vực phá sản
- Một hãng bia đánh bại "rào cản nồng độ cồn", tăng trưởng ngược sóng tới 8%, đẩy mạnh tiếp thị bán hàng giữa bối cảnh lo ngại "ngày tàn của bia rượu"
- Founder startup bán bánh chưng đắt nhất Việt Nam: "Đưa sản phẩm xuất ngoại không phải mong muốn quá mơ mộng"
- Ông chủ ...Ka Coffee bày kế giúp các quán cà phê Việt "đấu" lại chuỗi ngoại: Có tiền cũng không mua được ngay, rất khó làm giả
- Đã tốn 15.000 tỷ chuyển đổi số song mới chỉ đi ½ hành trình, cựu sếp IT Mekong Capital, Techcombank chia sẻ “tip” giúp DN cắt gọn chi phí và thời gian gia nhập “cuộc chơi” số hoá