Startup được gì khi phối hợp với các tổ chức phát triển?
Bà Phạm Kiều Oanh – Nhà sáng lập và giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) cho rằng, các tổ chức phát triển hiện nay cần chào đón các mô hình đổi mới sáng tạo. Trong khi đó, các tổ chức phát triển giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có thêm các mối quan hệ hợp tác để cùng giải quyết các vấn đề xã hội.
- 25-12-2020Mục tiêu hết năm 2025 có gần 4.000 km đường cao tốc
- 25-12-2020Năm 2020, nợ công/GDP có xu hướng tăng trở lại
- 25-12-2020Thủ Đức: Hồi hộp trước ngày 'lên' thành phố
Khởi nghiệp là khởi nguồn cho sự đổi mới. Vượt lên trên các mô hình kinh doanh và tư duy truyền thống, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) là đơn vị có nhiều đột phá trong mô hình kinh doanh với sản phẩm và dịch vụ đổi mới dựa trên tài sản trí tuệ và ứng dụng công nghệ.
Đặc biệt, năm 2020, thế giới đối mặt với khủng hoảng bởi đại dịch Covid – 19, đây là cơ hội đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST khi các tổ chức phát triển tập trung tìm kiếm những giải pháp công nghệ mới giúp giải quyết các thách thức từ những nguồn lực nội tại trong nước. Hợp tác sẽ mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tiếp nhận sự hỗ trợ về tài chính, nhân lực và kinh nghiệm quản lý, vận hành doanh nghiệp.
Bà Charlotte Reypens, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về khởi nghiệp và tinh thần kinh doanh tại Nesta khẳng định: "Việc hợp tác cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST giúp các tổ chức phát triển có thể áp dụng phương pháp đổi mới trong việc xử lý vấn đề nhanh hơn so với việc họ tự phát triển nội bộ". Ngoài ra các tổ chức cũng sẽ được học hỏi và tiếp cận với các công nghệ đổi mới sáng tạo từ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.
Về phía doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST khi tìm kiếm sự hỗ trợ, các nhà sáng lập cần nhận thức rằng các tổ chức phát triển có nhiều điểm khác biệt so với các tập đoàn lớn và các quỹ đầu tư mạo hiểm. "Nên xác định rõ mục tiêu chung giữa doanh nghiệp và tổ chức phát triển bởi vì các tổ chức phát triển luôn tìm kiếm các doanh nghiệp cùng định hướng với họ", cũng theo ý kiến Bà Charlotte Reypens.
Tại Việt Nam, mặc dù mô hình hợp tác giữa các tổ chức phát triển và doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST còn khá mới, song đã có những điển hình thành công, một trong số đó là HEKATE - công ty tiên phong trong lĩnh vực Chatbots hỗ trợ trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Chia sẻ tại hội thảo "Giải pháp thu hút nguồn lực quốc tế và hỗ trợ hội nhập quốc tế cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo" về sáng kiến Chatbot và sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc Việt Nam (UNDP Việt Nam), Bà Nguyễn Thị Trâm Anh – Giám đốc vận hành HEKATE cho biết sáng kiến ứng dụng trí tuệ nhân tạo thông qua nền tảng Chatbot nhằm tăng cường tiếp cận thông tin cho người dân về dịch vụ công tại Đà Nẵng một cách chính xác và kịp thời đã giúp người dân tiết kiệm chi phí, hiệu quả và chính xác hơn khi tiếp cận đến các nguồn thông tin chính thống.
Bà Phạm Kiều Oanh – Nhà sáng lập và giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) cho biết 15-20% startup có tiềm năng tạo dựng giá trị cho cộng đồng trong bối cảnh trào lưu khởi nghiệp đang phát triển, các cuộc thi khởi nghiệp ngày càng được mở rộng. Bà nhận thấy các tổ chức phát triển hiện nay cần chào đón các mô hình đổi mới sáng tạo. Trong khi đó, các tổ chức phát triển giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có thêm các mối quan hệ hợp tác để cùng giải quyết các vấn đề xã hội.
Tuy nhiên bà cũng chỉ ra thách thức ở đây là các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST chưa xác định rõ mục tiêu tạo tác động của mình nên các tổ chức phát triển khó xác định được hình hình thức hỗ trợ hợp lý cho doanh nghiệp.
Bà Hà Thị Quỳnh Nga – Trưởng bộ phận Đối tác chiến lược Care International cho biết tổ chức luôn có mong muốn tìm kiếm giải pháp mới và lâu dài đến từ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST nhằm hỗ trợ nhóm người yếu thế trong xã hội.
Cụ thể, bà đưa ra hai điển hình về việc hợp tác với ứng dụng jupviec.vn nhằm kết nối người giúp việc là những phụ nữ di cư nông thôn để tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, tiếp cận dịch vụ tài chính chính thống cho đối tượng này và hợp tác với Canal Circle - tổ chức tín dụng vi mô ở nông thôn. "Doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có thể đem đến những giải pháp mà chúng tôi chưa từng nghĩ đến, giúp chúng tôi tiếp cận nhiều khách hàng với quy mô rộng lớn. JupViec giúp Care tiếp cận 3000 người lao động, trong khi 5 năm Care làm thủ công mới tiếp cận được 100 người", bà khẳng định.
Về phía Care International, bà Nga cho biết, khi hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, các tổ chức thường gặp phải các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ và bảo mật thông tin. "Đây là vấn đề hết sức phổ biến vì một mặt các tổ chức phát triển chưa có nhiều hiểu biết về kinh doanh, còn doanh nghiệp khởi nghiệp lại mới, do vậy nằm ngoài sự hiểu biết của mọi người".
Đứng từ góc độ Nhà nước, ông Từ Minh Hiệu - Phó trưởng phòng Khởi nghiệp, Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết nhà nước đóng vai trò "vừa gây dựng, vừa tham gia" trong quá trình hợp tác giữa các tổ chức phát triển và doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, cụ thể thông qua việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn lực quốc tế để giải quyết các bài toán xã hội như vấn đề môi trường, bình đẳng giới. Trong thời gian tới, Đề án 844 sẽ hướng đến hình thành mạng lưới các tổ chức phát triển (INGO/ NGO) trong VIEN - Mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.