Startup được kỳ vọng đưa Nhật Bản trở lại đường đua chất bán dẫn: Muốn đầu tư 35 tỷ USD vào năm 2027, cạnh tranh với TSMC để làm chip 2 nanomet
Tokyo một lần nữa muốn tìm ra ứng cử viên sáng giá để ‘ghi điểm’ trong bảng xếp hạng sản xuất chất bán dẫn.
- 05-07-2023Dùng sắt làm pin, startup này có gì đặc biệt khiến Bill Gates rót vốn đầu tư
- 04-07-2023Người đàn ông 400 tỷ USD của ông Biden: Chuyên tìm kiếm các 'startup xanh' để cho vay tiền, đến cả Ford cũng phải gõ cửa nhờ trợ giúp
- 29-06-2023Cách startup thời trang ‘đáng sợ nhất thời đại’ xử lý khủng hoảng: Cho KOLs thăm trung tâm công nghệ cao, trực tiếp gặp công nhân nhà máy
Giờ rảnh rỗi hiếm hoi, Atsuyoshi Koike, vị kỹ sư người Nhật 71 tuổi, sẽ chọn đeo đai bảo vệ để chơi bóng đá - bộ môn thể thao ông vô cùng ưu thích.
Không những thế, Koike còn đang chơi một ‘trận đấu’ khác cho Nhật Bản - một ‘trận đấu’ trị giá hàng chục tỷ USD đầu tư khi mà Tokyo một lần nữa muốn tìm ra ứng cử viên sáng giá để ‘ghi điểm’ trong bảng xếp hạng sản xuất chất bán dẫn.
Ông Atsuyoshi Koike hiện đang đứng đầu một công ty khởi nghiệp có tên Rapidus, dự định đầu tư khoảng 35 tỷ USD vào năm 2027 nhằm xây dựng một nhà máy tại miền bắc Nhật Bản chuyên sản xuất chip 2 nanomet - loại chip tiên tiến nhất hiện nay.
Gặp Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo vào đầu năm nay để bàn về kế hoạch, Koike khẳng định đây là một canh bạc mạo hiểm, dù cho phía Nhật Bản nhận được sự ủng hộ từ Washington.
Thời kỳ huy hoàng của Nhật Bản diễn ra vào cuối những năm 1980. Nước này khi đó chiếm khoảng 50% ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, lớn mạnh đến nỗi Mỹ phải nỗ lực chỉ để giành một thị phần nhỏ. Cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật Bản có tựa đề “Nhật Bản có thể nói không” gợi ý rằng Tokyo có thể tận dụng ưu thế của mình trong lĩnh vực bán dẫn.
Ngày nay, IBM, công ty đầu tiên công bố công nghệ chip 2 nanomet vào năm 2021, đang cung cấp cẩm nang sản xuất cho Rapidus, qua đó biến đây trở thành đối tác trung tâm trong kế hoạch của Koike.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, từ mức đỉnh cao hơn 3 thập kỷ trước, thị phần Nhật Bản trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã giảm xuống chỉ còn dưới 10%. Trong lĩnh vực sản xuất, hầu hết sản lượng của Nhật Bản chỉ bao gồm chip bộ nhớ và đồ họa cung cấp năng lượng cho các sản phẩm như iPhone, máy trò chơi điện tử và chatbot AI.
Dẫu vậy, nước này vẫn đi đầu một số lĩnh vực nhỏ trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn như hóa chất sử dụng trong sản xuất chip. Một quỹ đầu tư do chính phủ hỗ trợ vào tháng 6 đã đề xuất chi hơn 6 tỷ USD mua lại một trong những nhà sản xuất hóa chất có tên JSR.
Theo WSJ, Rapidus đặt mục tiêu đưa Nhật Bản trở lại ngoạn mục bằng cách đẩy mạnh xây dựng trên hòn đảo phía bắc Hokkaido. Rapidus cho biết họ muốn bắt đầu sản xuất thử nghiệm vào năm 2025 và sản xuất quy mô lớn vào năm 2027. Khoảng 6.000 công nhân đang được huy động để xây dựng nhà máy.
Nhiều người cho rằng tham vọng của Rapidus quá lớn. Chính bản thân ông Koike cũng không biết mình sẽ huy động 35 tỷ USD từ đâu. Một số công ty Nhật Bản bao gồm tập đoàn Sony và Toyota đã đầu tư một khoản tiền nhỏ giúp Rapidus. Số khác cho biết sẽ không bỏ ra một số tiền lớn.
Dẫu vậy, ông Koike vẫn tin rằng Rapidus sẽ thu hút được thêm dòng vốn đầu tư sau khi đạt các cột mốc quan trọng. Kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng cũng có thể diễn ra, nhưng chỉ khi công ty tung ra được sản phẩm cho thị trường.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản dự định sẽ hỗ trợ Rapidus, đồng thời đặt mục tiêu giúp ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản đạt doanh thu khoảng 100 tỷ USD vào năm 2030, gấp ba lần năm 2020.
Dẫu vậy, ngay cả khi đã hút được dòng vốn đầu tư, Rapidus vẫn phải cạnh tranh với TSMC và Samsung của Hàn Quốc. Cả hai đều được dự đoán sẽ có thể sản xuất loạt chip 2 nanomet vào năm 2025.
“Sẽ là một thách thức lớn đối với Rapidus để có thể sản xuất chip 2 nanomet”, Jui-Lin Yang, giám đốc tư vấn tại Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp Đài Loan, nói.
Theo: WSJ
Nhịp sống thị trường