MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Startup miền Trung “hừng hực” đam mê với đặc sản quê hương, bị 4/5 Shark từ chối đầu tư và cú chốt hạ màn với shark Thái

13-08-2024 - 06:57 AM | Doanh nghiệp

Xuất hiện tại Shark Tank mùa 7 tập ba, startup miền Trung bán các sản phẩm bánh tráng làm từ gạo Bình Định chia sẻ niềm đam mê mang đặc sản Việt Nam ra thế giới.

Nguyễn Hữu Vinh, CEO và founder bánh tráng Sachi cùng với cổ đông đã lên sóng để chia sẻ về sản phẩm bánh tráng thương hiệu Sachi. Theo lời giới thiệu từ anh, toàn bộ hệ thống dây chuyền được chính founder Sachi tự nghiên cứu và thiết kế.

Startup miền Trung “hừng hực” đam mê với đặc sản quê hương, bị 4/5 Shark từ chối đầu tư và cú chốt hạ màn với shark Thái- Ảnh 1.

Các Shark thử sản phẩm bánh tráng Sachi

Trong quá khứ, anh chia sẻ sản phẩm bánh tráng của Sachi từng không được khách hàng đón nhận do bánh tráng quá giòn, bao bì đóng gói không được đẹp.

Tuy nhiên, Sachi đã cải thiện bằng cách cho ra các sản phẩm bánh tráng sản xuất từ cây lúa và cây dừa. Ngoài ra, Sachi còn xây dựng nhà máy rộng 20 nghìn mét vuông đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện, bánh tráng Sachi được nghiên cứu để đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao.

Ngoài ra, Sachi đã có đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ, Canada và Đài Loan, có mặt tại các nhà hàng ở bảy tỉnh miền Trung.

Chia sẻ về kế hoạch tài chính, năm 2022 doanh thu Sachi là 15 tỷ đồng, 2023 đạt 24 tỷ đồng. Sang năm nay, con số này dự kiến lên tới 50 tỷ đồng và sang năm sau là 70 tỷ đồng.

Tới năm 2029, doanh thu Sachi sẽ dự kiến đạt được 250 tỷ đồng. Hiện, Sachi đang định giá nhà máy là 50 tỷ đồng, gấp 3 lần sổ sách. EBITDA đạt 3,3 tỷ đồng/năm.

Vì thế, Sachi tới chương trình Shark Tank để kêu gọi vốn 10 tỷ đồng cho 10% cổ phần.

Để đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài, Sachi đang thông qua đơn vị ở Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ, Canada.

Startup miền Trung “hừng hực” đam mê với đặc sản quê hương, bị 4/5 Shark từ chối đầu tư và cú chốt hạ màn với shark Thái- Ảnh 2.

Founder Sachi và cổ đông

Vào gian hàng online của Sachi, Shark Minh lập tức đặt nghi vấn: "Tôi ghé qua trang web của Sachi thì thấy có rất nhiều mặt hàng đã hết hàng. Vậy Sachi quản lý chuỗi cung ứng thế nào khi có tới 40-50% mặt hàng đang hết hàng?"

Founder Sachi giải thích chiến lược Sachi sẽ kết hợp với các nhà phân phối và các đối tác bán hàng online để cùng quảng cáo hình ảnh sản phẩm, đạt được lợi nhuận.

Tuy nhiên, shark Bình khẳng định Sachi chưa thực sự xúc tiến các kênh bán hàng trực tuyến. Trong khi đó, website cũng phục vụ mục đích có ai quan tâm tới mặt hàng của startup để phân phối, trong khi Sachi chưa thực sự đầu tư.

Vì doanh thu từ kênh online chỉ chiếm 5% doanh số nên hiện tại Sachi chưa có nhân lực mà chỉ bán trên các kênh thương mại điện tử, founder Sachi chia sẻ.

Startup miền Trung “hừng hực” đam mê với đặc sản quê hương, bị 4/5 Shark từ chối đầu tư và cú chốt hạ màn với shark Thái- Ảnh 3.

Sản phẩm bánh gạo Sachi

Ở các đại lý và điểm bán, Sachi tự mình thực hiện và có đại lý phân phối ở miền Trung. Trong đó, 60% sản phẩm Sachi tự phân phối trên kênh GT (phân phối truyền thống).

Với lợi nhuận sau thuế 16%, tháng 6 vừa qua Sachi đạt doanh thu 24 tỷ đồng. CEO Sachi kỳ vọng lợi nhuận năm nay sẽ giảm do là năm đầu tiên nhà máy mới được hình thành và phát triển.

Tuy nhiên, shark Minh phản biện rằng điều này không hợp lý vì nếu xây nhà máy mới thì phải giúp tăng năng suất, hiệu quả nhà máy. Nếu hạch toán đúng thì chi phí sản xuất sẽ phải giảm đi hoặc ít nhất phải bằng chi phí hiện tại.

"Không thể được, khó lắm", shark Hưng lắc đầu khi nghe tới con số lợi nhuận sau thuế 16%.

Sau khi phân tích giá vốn sản phẩm là 60% (tất cả chi phí trong sản phẩm chỉ trừ chi phí bán hàng ra), 25% là chi phí quản lý, marketing thì lợi nhuận còn lại chỉ là 10%, shark Bình đã đánh giá lợi nhuận của startup này quá mỏng.

Shark Hưng nhận thấy khi Sachi chưa định vị là nhà sản xuất hay phát triển sản phẩm thì rất khó có sự đột phá khi đâu cũng là mục tiêu mũi nhọn. Vì thế, shark Hưng từ chối đầu tư.

Tới shark Minh, nhận thấy đây là sản phẩm ngon và có tính địa phương cao nhưng shark cho rằng để tiếp cận thị trường đại chúng thì cần nhiều thứ hơn thế, vì sản phẩm này dễ bị cạnh tranh.

"Từ quy mô nhỏ, gia đình các bạn đã phát triển lên đến một nhà máy lớn như này thì có thể thấy đc sự nỗ lực của các bạn trên hành trình này rất đáng khen ngợi. Chặng đường có lẽ còn dài, xa và còn nhiều vất vả. Chúc các bạn có nhiều dũng khí và niềm tin để đi tiếp trên con đường sắp tới", shark Minh từ chối đầu tư.

Shark Bình cùng chung quan điểm khi cho rằng: "Tôi nghĩ nếu xoay trục chiến lược của Sachi từ phân phối truyền thống sang các dòng hàng phù hợp hoàn toàn với kênh D2C (Bán lẻ trực tiếp) là thế mạnh cốt lõi của tôi thì mới có thể giúp các bạn chuyển đổi", vì thế shark Bình cũng từ chối đầu tư

Bên cạnh đó, shark Phi Vân cho rằng startup chỉ cần xây dựng năng lực cốt lõi về bán hàng và marketing tốt hơn là có thể phát triển rất tốt ở Việt Nam trước khi xuất khẩu.

"Các bạn có thể tập trung vào kênh D2C vì các bạn đang phân phối khá là cục bộ ở miền Trung. Các kênh D2C rất tiềm năng nhưng các bạn chưa đủ lực vào, đó là điều các bạn nên tập trung lúc này" – shark Vân từ chối deal, đồng thời gợi ý một số đối tác để đưa sản phẩm của startup ra thị trường.

Chia sẻ tham vọng gia công tất cả sản phẩm Sachi mang lúa gạo của quê hương Việt Nam, CEO Sachi nói rằng được truyền cảm hứng bởi hành động thiện nguyện của shark Hưng bằng hành động xây cầu ở Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định và bài hát "Việt Nam ơi" của shark Minh.

Tuy nhận được lời từ chối của 4/5 shark, shark Thái đã đề xuất startup 15 tỷ đồng, trong đó 5 tỷ đồng cho 10% cổ phần (bằng giá trị sổ sách) và 10 tỷ đồng vốn vay trong thời hạn 1-2 năm.

Sau thời gian bàn luận, founder Sachi khẳng định vẫn tiếp tục phấn đấu và phát triển đưa sản phẩm quê hương phát triển theo kế hoạch đề ra nên founder Sachi đã từ chối offer từ shark Thái.


Theo Thanh Huyền

Đời sống pháp luật

Từ Khóa:
Trở lên trên