MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự cô đơn quá mức - Nguyên nhân của vụ thảm sát kinh hoàng tại Nhật mới đây?

27-07-2016 - 13:52 PM | Sống

Phần lớn các vụ giết người đều có thủ phạm là những người quá cô đơn, gặp khó khăn trong giao tiếp với người khác.

Thời gian gần đây, báo chí Nhật liên tiếp đưa tin về một dịch vụ mới rất được nhiều người Nhật tin dùng. Đó là nhiều người đàn ông trung niên được tuyển chỉ để ngồi lắng nghe chuyện của khách hàng. Khách hàng của họ muốn chia sẻ câu chuyện của mình nhưng lại không bao giờ muốn tâm sự với bạn bè hay người thân.

Khi ai đó cần dịch vụ, người đó có thể đăng ký thuê một ossan, người đàn ông tuổi từ 45 đến 55 với giá 1.000 yên/giờ. Công việc của người đó chỉ đơn giản là ngồi lắng nghe khách hàng và đưa ra những lời chia sẻ nếu cảm thấy cần.

Ông Nishimoto Fujiwara là người đã nghĩ ra dịch vụ này cách đây 4 năm, và nay ông đã có khoảng 60 người cùng chung hội với mình. Theo nhiều chuyên gia tâm lý, việc hội này phát triển cho thấy sự cô đơn của rất nhiều người trong xã hội Nhật ngày một lớn hơn và họ cảm thấy khó hòa nhập với cuộc sống xung quanh. Sự cô đơn qua mức cũng được cho là một phần nguyên nhân của vụ thảm sát tại Nhật mới đây.

Sau vụ việc cầm dao cứa cổ chết 19 người tại một cơ sở chăm sóc người tàn tật, các chuyên gia pháp lý Nhật khẳng định rất khó để xác định được động cơ thực sự của kẻ gây án.

Trong những thông tin có được đến hiện tại, kẻ sát nhân từng có nhiều mâu thuẫn với quản lý ở đây, đồng thời hắn luôn có tâm lý thù ghét người khuyết tật. Chỉ trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ, hắn đã cứa cổ chết 19 người và khiến 25 người khác trọng thương tại chính nơi mà hắn từng làm việc.

“Có thể anh ta có vấn đề tâm lý, không thể kiểm soát được sự giận dữ. Phần lớn chúng ta đều kiểm soát được bản thân bởi chúng ta biết rằng chúng ta sẽ bị bắt hoặc cảm thấy sợ hãi khi làm tổn thương người khác, thế nhưng những người đó không như vậy. Họ hoàn toàn biết mình đang làm gì và chấp nhận các hình phạt đó”, giáo sư tâm lý học hình sự tại đại học Surugadai, ông Kenji Omata, nhận xét.

Ông cho rằng người đó đã gặp phải một cú sốc gì đó khá lớn trong thời gian gần đây khiến tâm lý càng diễn biến bất thường.

Vào tháng 2/2016, tức là sau khi bị đuổi việc, hắn từng đến nhà ở của một chính trị gia địa phương cùng với một lá thư đề nghị cho người khuyết tật được hưởng cái chết êm ái. Sau khi lá thư này bị từ chối hắn vẫn không ngừng lại.

Hắn tiếp tục gửi thư đến một cơ quan địa phương khác với những lời đe dọa kinh khủng hơn, ví như việc hắn nói hắn có thể giết chết khoảng 470 người khuyết tật và làm cho người khuyết tật “sạch bóng” khỏi thế giới này. Khi mà tất cả những lá thư và thỉnh cầu này bị người ta lờ đi, hắn đã trở nên hung hãn và muốn chứng tỏ bản thân mình nhiều hơn.

Rõ ràng người đó biết anh ta đang làm gì, anh ta cũng nói rằng anh ta hiểu việc đang làm và anh ta cư xử hoàn toàn bình thường khi đến đồn cảnh sát trình diện sau khi gây ra vụ thảm sát.

Giáo sư Oshima phân tích thêm, thủ phạm mới bị cho thôi việc vào tháng 2/2016, và việc bất ngờ bị hạ thấp vị thế trong xã hội có thể khiến hắn chịu một cú sốc tâm lý lớn, muốn trút hận lên ai đó. Trong những trường hợp như vậy, gia đình, bạn bè và người thân cần ở bên cạnh để giúp người đó bình ổn về tâm lý, tình trạng cô đơn thái quá có thể dẫn đến điều này.

Dù ở Nhật không hề hiếm những vụ giết nhiều người hàng loạt nhưng theo xếp hạng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Nhật là một trong 4 nước có tỷ lệ giết người tính theo tỷ lệ dân số thấp nhất thế giới, tức là chỉ 0,3% trên 100 nghìn dân. Những nước có mức xếp hạng ngang với Nhật bao gồm Iceland, Anh, Đan Mạch. Tỷ lệ giết người giảm dần đều trong những năm gần đây.

Còn theo số liệu của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật, số lượng các vụ bạo lực, giết người tại Nhật đã giảm trong những năm gần đây dù số lượng người nước ngoài gia tăng. Nếu như vào năm 2010, có 7.625 trường hợp thì đến năm 2014, con số này chỉ còn là 6.453.

Phần lớn các vụ giết người đều có thủ phạm là những người quá cô đơn, gặp khó khăn trong giao tiếp với người khác.

Có thể kể đến một vài trường hợp giết người gần đây cũng có nguyên nhân từ việc cô đơn thái quá. Tại tỉnh Saitama, một người đàn ông Peru 30 tuổi làm việc trong một nhà máy thực phẩm địa phương đã đột nhập 3 ngôi nhà và đâm chết 6 người. Những người đồng nghiệp của anh này cho biết anh thường thích sống một mình và hiếm khi giao tiếp với người khác, kể cả trong giờ nghỉ hay khi đi ra ngoài cùng đồng nghiệp.

Tháng 6/2008, Tomohiro Kato, 25 tuổi, đã bị bắt vì giết chết 7 người và làm bị thương 10 người khác. Anh ta thuê một chiếc xe tải và dùng nó để đâm vào đám đông tại quận Akihabara nổi tiếng với hàng điện tử. Sau khi đâm xong, anh ta nhẩy ra khỏi xe và cầm dao đâm toán loạn.

Trước đó anh từng cho thấy hiện tượng tâm lý bất thường khi hàng ngày đều đến bảng tin đính những mẩu tin nhắn của mình lên đó. Trong các cuộc điều tra, cảnh sát cho biết anh ta cảm thấy mình bị xã hội ruồng bỏ và chỉ có khi đăng những mẩu tin lên bảng tin thì anh cảm thấy được mọi người quan tâm.

Theo Ngọc Thanh

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên