Sự lạc quan trên thị trường ngoại tệ
Thời gian qua các chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ, điều hành CSTT của NHNN đặc biệt là chính sách về tỷ giá linh hoạt cùng với cán cân thương mại tích cực đã hỗ trợ cho việc giảm giá của USD.
- 15-10-2017Linh hoạt “rã đông”, ngoại tệ dồn dập chảy
- 06-10-2017Kiểm soát chặt cho vay bằng ngoại tệ
- 22-09-2017Kiểm soát tín dụng ngoại tệ: Ngân hàng nào bị ảnh hưởng nhiều nhất?
Liên tiếp những thông tin tích cực đối với thị trường ngoại tệ xuất hiện trong tuần qua. Đó là dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã đạt 45 tỷ USD, tăng thêm 6 tỷ USD so với cuối năm 2016. Nhìn lại quá khứ, nếu như tháng 6/2008, Việt Nam tích trữ được 20,7 tỷ USD, đến tháng 1/2011, quy mô dự trữ ngoại tệ giảm mạnh xuống còn khoảng 12,58 tỷ USD, thì đến cuối 2012, con số này gia tăng trở lại, đạt khoảng 22-23 tỷ USD. Do đó, con số 45 tỷ USD được xem là kỷ lục cho đến thời điểm này.
Bên cạnh đó, trong tuần cũng có ba ngày liền tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) do NHNN công bố giảm liên tục. Tỷ giá trung tâm ngày 11/10 được NHNN công bố ở mức 22.459 đồng/USD, giảm tiếp 8 đồng so với ngày hôm trước, sang ngày 12/10 tỷ giá trung tâm giảm tiếp 6 đồng, được NHNN công bố ở mức 22.453 đồng/USD. Tỷ giá trần mà các NHTM áp dụng là 23.127 đồng/USD và tỷ giá sàn là 21.779 đồng/USD. Vietcombank niêm yết giá USD ở mức mua vào 22.685 đồng/USD, bán ra 22.755 đồng/USD, giảm 5 đồng ở cả hai chiều mua vào - bán ra so với ngày trước đó. Và ngày cuối tuần (13/10) tỷ giá không thay đổi khi NHNN công bố tỷ giá trung tâm của VND và USD ở mức 22.453 đồng/USD.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân của những đợt giảm giá trên được cho rằng, có tác động từ cả quốc tế và trong nước. Trên thị trường thế giới, do căng thẳng Mỹ-Triều tăng, giới đầu tư lạc quan với kinh tế Anh và NH Trung ương châu Âu được kỳ vọng sẽ thắt chặt tiền tệ, khiến đồng USD tiếp tục giảm giá. Còn trong nước, thời gian qua các chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ, điều hành CSTT của NHNN đặc biệt là chính sách về tỷ giá linh hoạt cùng với cán cân thương mại tích cực đã hỗ trợ cho việc giảm giá của USD.
Theo các chuyên gia tài chính - NH, diễn biến tích cực trên thị trường cũng là kết quả của sự kiên định trong công tác điều hành. Đó là chính sách tỷ giá linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và các biến động từ thế giới. Đơn cử như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hai lần tăng lãi suất với tổng cộng 0,5%; các chính sách mới của Tổng thống Mỹ và diễn biến bầu cử Tổng thống ở Pháp… Trên cơ sở theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, NHNN đã điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt; đồng thời kết hợp chủ động điều tiết thanh khoản VND hợp lý để hỗ trợ ổn định tỷ giá.
Chính sách lãi suất tiền gửi USD nhiều thời điểm cũng chịu áp lực nhưng NHNN kiên định mục tiêu. Và chính sách này được xem như một trong các giải pháp hỗ trợ tích cực nhằm ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ, giảm tình trạng đô la hóa. Thực tế cho thấy, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, quy định trần lãi suất huy động USD 0%/năm đã hỗ trợ tích cực cho ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Các TCTD đã mua ròng một lượng ngoại tệ lớn từ cá nhân và DN. Bên cạnh đó, nhập siêu thu hẹp trong những tháng gần đây, thậm chí Việt Nam đã chuyển sang xuất siêu 328 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp, kiều hối tăng… đều là những điều kiện thuận lợi để NHNN mua vào ngoại tệ.
Thị trường ngoại tệ được dự báo sẽ tiếp tục theo xu hướng tích cực và trong thông tin về hoạt động NH 9 tháng đầu năm mà NHNN mới công bố thì với công cụ tỷ giá trung tâm, cơ quan này tiếp tục được điều hành linh hoạt bám sát diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT, đồng thời kết hợp chủ động và linh hoạt điều tiết thanh khoản tiền VND hợp lý, theo dõi sát diễn biến thanh khoản thị trường và trạng thái ngoại tệ của hệ thống để điều chỉnh tỷ giá trung tâm phù hợp, đúng thời điểm, qua đó góp phần giữ ổn định thị trường ngoại tệ.
NHNN khẳng định tiếp tục tham chiếu diễn biến thị trường ngoại tệ liên NH, thị trường quốc tế, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ, cán cân thanh toán, chính sách điều hành tỷ giá sẽ tiếp tục linh hoạt và phù hợp với mục tiêu CSTT, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đặt ra từ đầu năm.
Thời báo ngân hàng