Sứ mệnh doanh nghiệp tư nhân lớn trước “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”
Các doanh nghiệp tư nhân lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế.
Hội nghị Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp tư nhân lớn (DNTN) diễn ra hôm nay (21/9) là một sự kiện đặc biệt trong bối cảnh đặc biệt, khi chúng ta chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, đó là Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như lời của Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu.
Đây là hội nghị đầu tiên của Thường trực Chính phủ với đại diện các tập đoàn tư nhân lớn nhằm tháo gỡ khó khăn, phát huy vai trò tiên phong, chủ động tham gia đầu tư các dự án lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được đặt lên hàng đầu.
Sự kiện diễn ra ngay sau khi cơn bão Yagi đã gây thiệt hại ước tính ban đầu tới gần 50.000 tỷ đồng. Con số này có thể sẽ tăng lên tới đây, khi có thêm người dân và DN báo cáo chi tiết hơn với chính quyền về thiệt hại của họ. Đây là một cú giáng kinh tế xã hội vì cơn bão Yagi và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa, vốn chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước. Khu vực này có nhiều tỉnh là trung tâm công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, là các động lực tăng trưởng của đất nước.
Trước hoàn cảnh đó, nhiều tập đoàn tư nhân đã công bố ngay các gói hỗ trợ rất lớn. Điển hình nhất là VinGroup công bố tài trợ 250 tỷ đồng cho hoạt động cứu trợ khẩn cấp như dựng lại khoảng 2.000 ngôi nhà bị sập đổ. Các ngân hàng như SHB, VIB, MBBank, SeABank mỗi đơn vị ủng hộ 2 tỷ đồng. Nhiều tập đoàn tư nhân khác cũng đang tính toán, cân đối các gói hỗ trợ trước hoàn cảnh thiên tai có quy mô rộng khắp này. Chung tay cùng Nhà nước, rõ ràng các DNTN đang thực hiện rất tốt vai trò trách nhiệm xã hội.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Trong đó đã xuất hiện một lực lượng DNTN lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị DN, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Tuy đã xuất hiện đội ngũ DN vừa và lớn nhưng lực lượng này chưa thực sự dẫn dắt được nền kinh tế như kỳ vọng. Tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn… còn thấp, chưa có các dự án quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Quá trình phát triển của đội ngũ doanh nhân nước ta còn non trẻ so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chưa tích lũy được nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh. Quy mô DN trong nền kinh tế phần lớn là nhỏ và vừa, chưa có công nghệ gốc, chưa đủ tiềm lực để số hóa và xanh hóa hoạt động kinh doanh. Tỷ trọng DN tham gia vào lĩnh vực sản xuất chế biến còn hạn chế.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của một số DNTN lớn đạt khoảng 70 tỷ USD. Như vậy, tổng tài sản của các tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam chỉ tương đương tài sản của Tập đoàn Infosys, Ấn Độ. Đó là chưa kể nếu so sánh với các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực bất động sản, khoa học, công nghệ, ô tô… của các nền kinh tế khác.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), 80% lợi nhuận toàn cầu được tạo ra bởi 10% DN lớn nhất, các DN lớn bình quân đóng góp đến 1/3 kim ngạch xuất khẩu, một nửa tốc độ tăng xuất khẩu của quốc gia. Với thị trường 100 triệu dân và đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam, các DNTN có không gian lớn để phát triển và Việt Nam cũng đầy khát khao muốn có các tập đoàn tên tuổi lớn, có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế chứ không chỉ trong nước.
Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP xác định 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong đó nhiều nhiệm vụ cần có sự tham gia chủ đạo, chung tay của các DN lớn như: Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục); đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia.
Triển khai Quy hoạch điện VIII, thực hiện hiệu quả Tuyên bố về chuyển đổi than sang năng lượng sạch; thu hút đầu tư các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi và phát triển hydrogen tại Việt Nam. Phát triển, phổ cập hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp nền tảng và công nghệ mới nổi (chip bán dẫn...).
Để thực hiện được vai trò tiên phong, dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; làm chủ chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các DN lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho DNNVV ở những lĩnh vực khác.
Với tiềm lực tài chính, năng lực nghiên cứu và phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, bề dày kinh nghiệm và thương hiệu lâu đời, đã đến lúc đặt lên vai DN lớn những sứ mệnh lớn lao hơn. Bên cạnh hoạt động kinh doanh nhằm mục tiêu đem lại doanh thu lợi nhuận, các DN lớn cần tham gia cùng với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn đầu tư vào các lĩnh vực mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch theo xu hướng phát triển xanh, tuần hoàn, bền vững, như xe điện, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo AI, nông nghiệp chất lượng cao và phát thải thấp… , tham gia vào các dự án lớn của đất nước như đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đường sắt đô thị, Đường cao tốc Vientiane - Hà Nội; Đường sắt Vientiane - Vũng Áng, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi,…
Các DN lớn cần phát huy vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tiên phong trong hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả; tiên phong khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước; tiên phong trong nghiên cứu, thực hiện chính sách đột phá phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với làm tốt an sinh xã hội; tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh trong phát triển doanh nghiệp. Các DN lớn cần phát huy vai trò “doanh nghiệp dẫn đầu”, chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, định hướng, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các DNNVV tham gia làm nhà thầu phụ cùng phát triển theo chuỗi giá trị.
Trong thời gian tới, hy vọng các DN tiếp tục phát huy niềm tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử, sức mạnh nội sinh, tự lực, tự cường; chủ động nắm bắt thời cơ, có phương án thích ứng với những biến động trong tương lai; đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; đổi mới mô hình hướng tới kinh doanh xanh và bền vững; chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, đạo đức kinh doanh, văn hóa DN; xây dựng uy tín và thương hiệu của DN Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế.
vov.vn