MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự thật: Càng nhảy việc, càng nghèo - Đại đa số những lần nhảy việc không mang lại sự biến đổi về chất, ngược lại chỉ khiến bạn hao tâm khổ tứ

04-07-2020 - 15:21 PM | Sống

Sự thật nghiệt ngã nhưng không nhiều người dám thừa nhận!

Khi làm một công việc nào đó khoảng 1 đến 2 năm, chúng ta thường bắt đầu cảm thấy nhàm chán hoặc gặp phải nút thắt cổ chai. Phàn nàn công việc với nội dung đa phần là: lương thấp, tăng ca nhiều, không có tiềm lực, sếp không nhạy bén…

Và rồi lại bắt đầu gửi gắm hy vọng vào công cuộc nhảy việc. Dù hôm nay tâm trạng không tốt nhưng vẫn muốn nhảy đến chốn mới, đánh cược số phận.

Nhưng những năm gần đây, tôi phát hiện ra rằng, đại đa số những lần nhảy việc thực ra không mang lại sự biến đổi về chất, mà ngược lại chỉ khiến bạn hao tâm khổ tứ. Rất nhiều người chạy theo "thử thách", để rồi sức cùng lực kiệt, mất đi ưu thế vốn có.

Sự thật: Càng nhảy việc, càng nghèo - Đại đa số những lần nhảy việc không mang lại sự biến đổi về chất, ngược lại chỉ khiến bạn hao tâm khổ tứ - Ảnh 1.

01

Anh bạn đồng nghiệp cũ của tôi có đứa em trai 25 tuổi, CV sáng giá. Tuần trước anh bạn tôi giới thiệu nó cho phòng nhân sự công ty để hẹn phỏng vấn.

Nhưng sau mấy vòng phỏng vấn mà vẫn chưa thấy kết quả. Hỏi phòng nhân sự mới biết, nguyên nhân là ở lý do nhảy việc của nó.

Hôm phỏng vấn, giám đốc bộ phận hỏi nó tại sao lại nghỉ việc ở công ty cũ?

Nó trả lời rằng giá trị quan của nó và sếp cũ không giống nhau, nó không được trọng dụng, nên nếu tiếp tục cống hiến cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Giám đốc bộ phận lại hỏi tiếp nó về kế hoạch, dự định trong những năm tiếp theo?

Nó đáp: Tôi hy vọng có thể lên tới chức giám đốc trong vòng một năm, tôi mong muốn có cơ hội được thể hiện giá trị cá nhân.

Thế nhưng khi nhân sự hỏi nó thế nào là thể hiện giá trị cá nhân thì nó lắp ba lắp bắp, ba câu sáu điều vòng vo nói về công ty cũ tồn tại quá nhiều bất cập, tầm nhìn của sếp cũ không đủ lớn….

Nói thẳng ra là ở công ty cũ nó tự nhận mình là người có biểu hiện tốt, nhưng không được cất nhắc.

Dĩ nhiên điều này là hợp tình hợp lý, giống như những gì nó nói, hy vọng được nhanh chóng thăng chức, tăng lương, theo đuổi sự phát triển đa dạng. Nhưng sự theo đuổi đó chẳng qua chỉ là được người ta độ vàng, nó không phải là sự lựa chọn chủ động mà là sự trốn tránh bị động.

Giống như xuất phát điểm của rất nhiều người khi nhảy việc đó là:

Bất mãn với sếp, cho rằng tầm nhìn của sếp hạn hẹp, tác phong làm việc không phù hợp với mong muốn;

Bất mãn với công ty, cho rằng không học hỏi được gì, nên phải sớm tìm đến chỗ mới;

Bất mãn với ngành nghề, cho rằng đó là ngành nghề đang lụi tàn, nên sớm chuyển ngành nghề để tránh tổn thất.

Bạn cho rằng đó là theo đuổi sự phát triển, nhưng trên thực tế đó lại là "lường biếng".

Gặp phải vấn đề liền muốn từ bỏ để bắt đầu lại, không muốn gặm xương cứng, không muốn đi đường khó, chỉ muốn lợi dụng nhảy việc để nhấn nút "Restart", thử vận may.

"Công việc sau, có thể sẽ tốt hơn"…

Nhưng chân tướng lại là, công việc tiếp theo, bạn vẫn gặp phải vấn đề tương tự, bởi bạn đã bị nhầm lẫn:

Không phải cứ nhảy việc mới có được công việc tốt hơn, có sức cạnh tranh hơn. Mà là bạn phải rèn rũa sức cạnh tranh của mình trước thì mới có được một công việc tốt hơn.

Sự thật: Càng nhảy việc, càng nghèo - Đại đa số những lần nhảy việc không mang lại sự biến đổi về chất, ngược lại chỉ khiến bạn hao tâm khổ tứ - Ảnh 2.

02

Tôi thường nghe nhiều người nói, công việc bây giờ quá tẻ nhạt và vụn vặt, toàn là những việc chẳng đâu vào đâu, không nhảy việc chẳng nhẽ đợi để mình biến thành những chiếc đinh vít rẻ mạt sao?

Nhưng bạn có biết không:

1, Bất cứ một công việc nào, giai đoạn đầu cũng đều không thể tránh khỏi việc lặp lại nhàm chán và vụn vặt.

2, Làm cùng một việc và làm việc bằng một phương pháp giống nhau là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Muốn đánh giá phi hành gia có kinh nghiệm phong phú hay không, phải xem họ đã bay bao nhiêu tiếng; Muốn đánh giá lập trình viên có kinh nghiệm phong phú hay không, phải xem họ đã lập được bao nhiêu dòng mã.

Làm gì có cương vị công việc nào mà không cần tới một số lượng tích lũy nhất định đâu?

Đối với người bình thường mà nói, không có sự gia cố trong biến đổi về lượng sẽ không thể có được sự biến đổi về chất.

Công ty trước của tôi có một chị trợ lý hành chính. Làm việc chưa đầy 3 tháng liền đề nghị xin chuyển vị trí công tác.

Chị ấy nói: Công việc hàng ngày vụn vặt, không có tính chuyên nghiệp. Nào là ghi chép nội dung cuộc họp, trình ký, đặt cơm văn phòng…đều là những nhiệm vụ không thể rèn giũa bản thân. Tôi mong muốn có được vị trí công việc có nhiều không gian phát huy giá trị hơn.

Nếu như không thể điều chuyển vị trí công tác, chị ấy có ý định sẽ nghỉ việc.

Khi bắt đầu tiếp xúc với những sự vật mới, chúng ta đều phải trải qua quá trình lặp lại không ngừng nghỉ. Đây là quá trình nhàm chán và vô vị nhất, nhưng lại giúp chúng ta tạo dựng nền móng vững chãi nhất.

Chỉ khi bạn làm được việc gì đó một cách thành thục, nhận được sự tín nhiệm của đồng nghiệp và cấp trên thì mới có thể đảm nhiệm được những nhiệm vụ cao cấp hơn, chuyên nghiệp hơn.

Nếu như lúc này, bạn không thể kìm chế, vội vàng ra đi, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là những công việc tương tự như vậy là thôi.

Nhảy việc từ công ty A sang công ty B, trợ lý vẫn là trợ lý, sơ cấp vẫn là sơ cấp.

Do vậy, nếu bạn muốn nghỉ việc, ít nhất cũng phải là trình độ hiện tại đã có sự biến đổi tương đối lớn, sức cạnh tranh có sự đột phá về chất hơn so với vị trí công việc ban đầu.

Nếu không, dù tăng thêm đước chút tiền lương, nhưng chẳng bao lâu sau vẫn sẽ lại rơi vào trạng thái vô vị và nhàm chán.

Sự thật: Càng nhảy việc, càng nghèo - Đại đa số những lần nhảy việc không mang lại sự biến đổi về chất, ngược lại chỉ khiến bạn hao tâm khổ tứ - Ảnh 3.

03

Không ít người nhảy việc là vì cho rằng công việc hiện tại không có tương lai, ngành nghề hiện tại không có tiềm lực. Vội vàng tìm cho mình những cơ hội mới còn nóng bỏng tay.

Nếu như thực sự kịp thời nhảy việc, thay đổi đường chạy đối với những ngành nghề sắp lụi tàn, đích thị là thượng sách.

Thế nhưng phát triển nghề nghiệp của đại đa số chúng ta còn xa mới đạt tới mức độ bị hạn chế bởi những "nút thắt cổ chai" ngành nghề.

So với những xu thế lớn mà những người bình thường như chúng ta khó lòng nắm bắt, thứ mà thực sự mang lại cơ hội cho mọi người, mang lại những sự biến đổi lớn từ những kẽ hở đó chính là những xu thế nhỏ xung quanh chúng ta.

3 năm trước, tôi có quen một anh giám đốc phát triển dự án nhảy việc từ công ty thương mại điện tử sang công ty tài chính online. Sếp cũ ra sức níu kéo, hứa sẽ chia hoa hồng nhưng anh ấy vẫn dứt khoát ra đi, kiên quyết cho rằng ngành tài chính online mới là ngành có nhiều không gian lợi nhuận hơn.

Nhưng chẳng bao lâu sau, không gian lợi nhuận tài chính online thu hẹp, anh ấy lại ngại không dám quay về công ty cũ. Nên sau đó, đảm nhận vị trí quản lý kỹ thuật cho một công ty nhỏ, mức lương thấp hơn 20% so với công việc trước đó.

Cá nhân phát triển, dù ở đâu cũng cần phải cày sâu cuốc bẫm. "Chạy theo luồng gió mới, chẳng thà trở về với bản chất".

Đối với doanh nghiệp mà nói, có những thứ đã bỏ lỡ coi như đã bỏ lỡ, kinh doanh vốn không phải là chạy nước rút 100m, không phải là ai xuất phải trước là sẽ về đích trước. Những người bình thường như chúng ta đây cũng vậy.

Một là cơ hội không ngừng chuyển dịch, chúng ta vốn không thể đuổi kịp. Hai là cơ hội mới khác với cơ hội tốt. Bạn cho rằng đó là pho-mát nhưng có khi lại là cạm bẫy.

Thay vì theo đuổi cái mới, chạy theo sự thay đổi, chi bằng xem xét những công ty, những ngành nghề có không gian phát triển nhất định, để tiếp tục tích lũy ưu thế có lợi.

Sự thật: Càng nhảy việc, càng nghèo - Đại đa số những lần nhảy việc không mang lại sự biến đổi về chất, ngược lại chỉ khiến bạn hao tâm khổ tứ - Ảnh 4.

04

Dĩ nhiên tôi hiểu, rất nhiều người coi nhảy việc là bộ gia tốc, thậm chí coi việc thường xuyên nhảy việc là một kiểu đường tắt.

Bản thân nhảy việc vốn không có vấn đề gì. Nhưng nếu nhảy việc với xuất phát điểm là muốn thành công ngay lập tức, sẽ chỉ khiến bạn ngày càng mất kiên nhẫn để làm những việc thiết thực hơn.

Giống như những đầu sách hay khóa học "cấp tốc" phổ biến trên mạng. Nào là "7 ngày trở thành chuyên gia đầu tư", "14 ngày từ 0 đến cao thủ"…

Nhiều người thường hỏi: 30 ngày thực sự có thể nắm bắt hết cách phát triển một loại ngôn ngữ từ sơ cấp đến cao cấp, xong rồi ngồi hưởng hương chục triệu sao?

Dĩ nhiên là không rồi. Bắt đầu từ con số 0 mà có thể nắm rõ ngữ pháp cơ bản trong 30 ngày, tạo vài trang web html là quá tuyệt rồi. Tôi lập mã cả 4 năm trời mà còn không dám nói hai chữ "tinh thông".

Thứ thực sự có hiệu quả luôn là những thứ cơ bản nhất.

Bởi vậy, nếu quan sát kỹ bạn sẽ thấy những doanh nghiệp ưu tú họ sẽ không liên tục thay đổi trọng tâm nghiệp vụ. Họ chỉ chuyên tâm và xoay quanh một trọng tâm nghiệp vụ duy nhất. Bước đầu tiên phải đứng thật vững rồi mới đi tiếp bước thứ hai.

Những người giỏi thực sự, họ sẽ không liên tục thay đổi đường đua. Bởi họ biết rằng, muốn có được chút thành tựu trong một lĩnh vực nào đó thì tiền đề phải là cày sâu cuốc bẫm, kiên nhẫn chờ đợi và trầm ổn vững vàng.

Giống như những gì mà Charlie Munger đã từng nói: "Hãy kiên trì không làm việc ngốc, chứ không phải nỗ lực trở thành một người vô cùng thông minh, dần dần bạn sẽ có được ưu thế phi phàm".

Đừng đánh giá quá cao tiềm năng mà sự biến đổi mang lại, cũng đừng đánh giá quá thấp chiều sâu tiềm lực của những công việc hiện có.

Hy vọng thứ mà chúng ta có được sau những bước ngoặt là sự bất ngờ, chứ không phải là sự sợ hại. Trong bất cứ công việc bình thường nào, cũng nên bớt chút nóng vội và thêm chút kiên nhẫn.

Theo Ngọc Thủy

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên