Sự thực về "trái phiếu 3 không", nhìn nhận sao cho đúng?
Theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thời gian qua có nhiều quan điểm đề cập đến “trái phiếu 3 không”, và cách gọi này có phần... phản cảm.
- 23-05-2022Nhà đầu tư, trái chủ nên ứng phó thế nào trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
- 23-05-2022Kiểm soát rủi ro trái phiếu doanh nghiệp nhưng không can thiệp hành chính vào thị trường
- 22-05-2022Nợ xấu ở cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp “xanh vỏ, đỏ lòng”
Bắt đúng “bệnh”
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc nhìn nhận đúng vai trò của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tại thời điểm hiện nay, càng cần hơn là bắt đúng “bệnh” để đưa ra kiến nghị, giải pháp phù hợp giúp thị trường phát triển lành mạnh, trở thành kênh dẫn vốn trung dài hạn cho nền kinh tế.
Theo chuyên gia, thời gian qua có nhiều quan điểm đề cập đến “trái phiếu 3 không” nghe rất phản cảm (ảnh: Tuổi Trẻ)
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, thời gian qua có nhiều quan điểm đề cập đến “trái phiếu 3 không” (không xếp hạng tín nhiệm , không bảo lãnh thanh toán, không tài sản bảo đảm), điều này nghe rất phản cảm. Bởi thực tế, đúng là có những trường hợp không có tài sản đảm bảo, nhưng chỉ chiếm khoảng 18%, còn lại là có tài sản đảm bảo nhưng ở dưới hình thức khác như cổ phiếu, tài sản hình thành trong tương lai, hoặc có thể là một phần những tài sản khác.
Về vấn đề này, đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính thuộc Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường có tài sản đảm bảo theo con số thống kê là 45%, còn 9 tháng đầu năm 2021, 48% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo. Trong số này, các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán là những đối tượng thường phát hành không có tài sản đảm bảo vì năng lực tài chính của họ rất tốt, họ có thể chứng minh với nhà đầu tư về tình hình hoạt động của mình. Còn đối tượng có tài sản đảm bảo nhiều nhất lại thuộc về khối doanh nghiệp bất động sản, thường là các tài sản hình thành trong tương lai từ dự án, hoặc chính là cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản đó.
Như vậy có thể thấy, các tiêu chí đặt ra không phản ánh hết thực chất của một trái phiếu được phát hành, mà còn phụ thuộc và chất lượng nhà phát hành, những thông tin công bố trung thực trên thị trường.
Nhìn nhận ở một góc độ khác, Thạc sỹ Nguyễn Anh Vũ, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM tại một hội thảo cũng cho rằng, có nhiều điều còn đáng lo ngại hơn cả "3 không", bởi nguyên tắc cho vay nói chung và đầu tư trái phiếu nói riêng, thì tài sản bảo đảm không phải yếu tố duy nhất hay quan tọng hàng đầu để xem xét mua trái phiếu. Quan trọng nhất là đánh giá được tình hình tài chính, hoạt động của doanh nghiệp.
“Tôi lo ngại ngoài "3 không" thì còn có cái "không" thứ 4, thứ 5 khác, như không có năng lực tài chính tốt, dòng tiền, phương án kinh doanh không khả thi, dòng vốn không đúng mục đích… Những điều này đôi khi còn đáng lo hơn việc không có tài sản bảo đảm.
Năm 2021, phát hành trái phiếu doanh nghiệp bằng cả giai đoạn 2011-2018, trong đó 95% là phát hành riêng lẻ, 5% phát hành ra công chúng. Tôi băn khoăn số lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng đột biến, mà năng lực phân phối, bán trái phiếu của doanh nghiệp, ngân hàng vẫn rất tốt. Pháp luật hiện nay quy định điều kiện phát hành riêng lẻ luôn thấp hơn phát hành công chúng. Trước kia, nhà đầu tư cá nhân không quan tâm nhiều đến kênh trái phiếu doanh nghiệp mà chỉ quan tâm kênh cổ phiếu thôi. Vấn đề ở chỗ là tại sao doanh nghiệp lại phát hành riêng lẻ nhiều như vậy? Trong khi nhà đầu tư cá nhân mua chỉ chiếm chưa đến 9% lượng trái phiếu phát hành.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân do chúng ta nới rộng định nghĩa nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không chỉ tổ chức mà còn doanh nghiệp khác, nhà đầu tư cá nhân sở hữu danh mục đầu tư cổ phiếu. Do vậy, nhà đầu tư phải có trách nhiệm cao trong phân tích đánh giá rủi ro của bên phát hành”, ông Nguyễn Anh Vũ nhấn mạnh.
Tăng cường minh bạch thông tin
Khuyến nghị các giải pháp giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định, TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, cơ quan quản lý cần nâng cao mức độ công khai hóa, minh bạch hóa đối với các chủ thể phát hành. Do tình trạng thông tin bất đối xứng, bên phát hành có thể che giấu những thông tin bất lợi, khiến người mua không đánh giá được hết các rủi ro của doanh nghiệp, cũng như của trái phiếu.
Nhà đầu tư phải có trách nhiệm cao trong phân tích đánh giá rủi ro của bên phát hành
Mặc dù, việc nâng cao mức độ công bố thông tin là cần thiết, nhưng cũng cần có lộ trình cụ thể, rõ ràng, hợp lý, đồng thời tính tới tốc độ huy động và nhu cầu vốn của nền kinh tế. Việc nâng cao các chuẩn mực quá nhanh có thể khiến nhiều doanh nghiệp chưa kịp đáp ứng, ảnh hưởng đến khả năng phát triển. Tuy nhiên, nếu các yêu cầu về công bố thông tin không được nâng cao, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và nếu tích tụ lâu ngày có thể dẫn đến đổ vỡ.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần ban hành các quy định về an toàn tài chính đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Các quy định về an toàn tài chính cần ban hành sớm, tránh trường hợp khi phần lớn các doanh nghiệp phát hành trái phiếu rơi vào tình trạng nợ quá nhiều rồi mới ban hành các quy định. Lúc đó, việc hạ tỷ trọng đòn bẩy tài chính có thể dẫn đến những đổ vỡ như trường hợp Evergrande của Trung Quốc.
“Nhằm giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng trong việc mua hay bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp, cần tạo ra nhiều sản phẩm để từ đó thu hút các nhà đầu tư cá nhân tham gia trên cơ sở đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro. Để thu hút các đối tượng này tham gia thị trường, nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát được rủi ro, sự phát triển của các sản phẩm tài chính vừa có mức lãi suất hấp dẫn, vừa có mức độ rủi ro hợp lý đóng vai trò rất quan trọng. Nếu các tổ chức tài chính có thể gom các trái phiếu đơn lẻ của nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau để tổng hợp thành một trái phiếu duy nhất, tức là trái phiếu tổng hợp, thì mức độ rủi ro sẽ giảm đi rất nhiều, trong khi lợi tức vẫn hấp dẫn.
Tuy nhiên, muốn phát triển các sản phẩm trên, điều kiện tiên quyết là các cơ quan quản lý phải có cái nhìn thông thoáng, theo kịp được những diễn biến trên thị trường để ban hành các quy định quản lý phù hợp, kịp thời, tránh tình trạng không quản được thì cấm. Chẳng hạn như các hạn chế tham gia mua trái phiếu phát hành riêng lẻ đối với nhà đầu tư cá nhân, mặc dù có thể hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư, nhưng cũng cản trở sự tham gia của họ nói riêng và sự phát triển của thị trường nói chung”, TS. Nguyễn Đức Độ phân tích.
Vị chuyên gia khuyến nghị thêm, việc đưa các trái phiếu doanh nghiệp lên sàn giao dịch cũng là một giải pháp nhằm phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Các sàn giao dịch sẽ khiến trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn nhờ tính thanh khoản cao, các nhà đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong các quyết định mua, bán hay nắm giữ trái phiếu. Hơn nữa, trong trường hợp có biến cố đối với trái phiếu, các thiệt hại có thể được san sẻ cho nhiều người.
Diễn đàn doanh nghiệp