MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sửa đổi Nghị định 20: Ba năm chờ đợi, doanh nghiệp kỳ vọng sửa tận gốc

05-04-2020 - 14:27 PM | Doanh nghiệp

Nhiều luận điểm khẳng định việc hồi tố số thuế đã nộp là hoàn toàn cần thiết và không có vướng mắc nào đã được chỉ ra.

Trong tình hình dịch bệnh tác động đáng kể lên hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đang kỳ vọng rất lớn vào các gói hỗ trợ trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng mà Chính phủ dự kiến triển khai.

Bên cạnh đó, một giải pháp gỡ khó khác được chờ đợi từ lâu cũng đang dần hoàn tất là sửa đổi Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP liên quan đến khống chế trần lãi vay hợp lệ được khấu trừ. Nhưng dự thảo sửa đổi vẫn còn một khúc mắc lớn liên quan đến việc hồi tố cho số thuế đã nộp (do những bất cập của quy định cũ) cho năm tài chính 2017 và 2018.

Tại nhiều văn bản đã đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ trước đây, các Hiệp hội, các doanh nghiệp đã đưa ra những kiến nghị khẳng định việc áp dụng hồi tố là hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật, thông lệ và bảo đảm lợi ích của các doanh nghiệp bị chịu ảnh hưởng bởi những bất cập trước đây.

Nhiều luận điểm khẳng định việc hồi tố là hoàn toàn cần thiết và không có vướng mắc nào đã được chỉ ra như:

Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì việc xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 20 - cho rằng việc hồi tố cần được cân nhắc. Tuy nhiên, việc cân nhắc nay đã được Bộ Tư pháp cho ý kiến: "việc hồi tố hay không hồi tố đối với trường hợp này đều không có vướng mắc về mặt pháp lý mà chủ yếu phụ thuộc vào quan điểm chính sách của Nhà nước ta" tại công văn số 891/BTP-PLDSKT ngày 13/03/2020 của Bộ Tư pháp.

Bên cạnh đó, đa số thành viên Chính phủ đã đồng ý cho phép hồi tố xử lý đối với các năm 2017, 2018 và cho phép chuyển chi phí lãi vay không được được trừ sang các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng không quá 5 năm.

Việc hồi tố với nội dung tương tự cũng đã có tiền lệ khi vào năm 2014 Chính phủ và Bộ tài chính cũng đã ban hành Nghị định 91/2014/NĐ-CP và Thông tư 151/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 91/2014/NĐ-CP. Theo đó, Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp hồi tố áp dụng chuyển đổi ưu đãi do chấm dứt ưu đãi theo điều kiện xuất khẩu do cam kết WTO cho các năm trước đó (từ năm 2007 - đối với hoạt động dệt, may và từ năm 2012 – đối với hoạt động khác) và khoản thuế chênh lệnh do áp dụng qui đinh này được Bộ tài chính hướng dẫn là khoản thuế nộp thừa và được hoàn lại hoặc bù trừ với nghĩa vụ thuế của các năm sau.

Hướng dẫn này của Bộ Tài chính tại thời điểm đó hoàn toàn phù hợp với Luật Quản lý thuế (và hiện nay, các quy định này tại Luật Quản lý thuế không có gì thay đổi so với trước đó). Bên cạnh đó, Ngân sách Nhà nước giai đoạn 2007 – 2014 đã được Kiểm toán Nhà nước xác nhận và Quốc hội phê chuẩn thông qua nhưng Bộ Tài chính vẫn quy định cho xử lý khoản chênh lệch lệch này được hoàn lại hoặc bù trù. Thậm chí Bộ Tài chính còn cho phép điều chỉnh cả đối với các trường hợp doanh nghiệp đã hoặc chưa được kiểm tra, thanh tra thuế.

Năm 2016, Bộ Tài chính có công văn 4769/BTC-TCT ngày 07/04/2016 về việc chính sách thuế với hoạt động đầu tư thường xuyên. Bằng công văn hành chính để giải thích luật về khái niệm đầu tư thường xuyên, Bộ Tài chính vẫn cho phép các doanh nghiệp bị chịu tác động từ năm 2009 đến năm 2013 được phép kê khai điều chỉnh và được bù trừ với số thuế phải nộp của kỳ thuế tiếp theo hoặc được hoàn lại số đã nộp thừa theo quy định

Như vậy, không áp dụng hồi tố năm 2017, 2018 mà Bộ Tài chính đưa ra với lý do NSNN đã được Kiểm toán Nhà nước xác nhận, nay nếu tính lại thì phải sử dụng NSNN để hoàn thuế hay việc không vận dụng được Luật Quản lý thuế để hoàn nộp thừa trong trường hợp này là hoàn toàn không nhất quán trong việc xây dựng chính sách pháp luật.

Khi áp dụng hồi tố năm 2017, 2018 thực chất là việc thay đổi về "mặt số học" trong xác định nghĩa vụ quyết toán thuế TNDN khi nâng tỷ lệ khấu trừ chi phí lãi vay từ 20% EBITDA lên 30% EBITDA và xác định lại cách tính EBITDA của tất cả các doanh nghiệp bị chịu tác động.

Toàn bộ số liệu này đã được thể hiện rõ ràng trên tờ khai và khi tờ khai đã nộp trực tuyến thì Cơ quan thuế hoàn toàn có thể giám sát, quản lý và xác định được tuyệt đối số liệu tác động.

Với cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp thì Người nộp thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những sai phạm khi bị Cơ quan nhà nước phát hiện. Và với hơn 1.000 doanh nghiệp bị tác động cần phải điều chỉnh thì đây không phải là số lượng quá lớn để Cơ quan Thuế có thể giám sát được.

Do đó, không thể có chuyện xin-cho hay phức tạp trong quản lý thuế hay chỉ tác động đến lợi ích của một số doanh nghiệp như Bộ Tài chính đã nêu ra. Đến khó khăn trong tính toán cho áp dụng công văn số 4769/BTC-TCT như nêu trên, Bộ Tài chính vẫn cho hướng dẫn áp dụng hồi tố đối với nhóm bị chịu tác động.

Trước đây khi ban hành Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20, Cơ quan soạn thảo đánh giá tác động mang tính định tính và chưa có số liệu đánh giá cụ thể về số lượng doanh nghiệp bị chịu tác động, số thu dự kiến có được khi ban hành quy định này. Chỉ khi có phản ứng từ phía các doanh nghiệp chịu tác động sau khi ban hành thì Cơ quan soạn thảo mới có được những số liệu tác động tăng/giảm đến số thu NSNN.

Cuối cùng, khi so sánh chính sách kết chuyển chi phí lãi vay không được khấu trừ giữa doanh nghiệp liên kết và doanh nghiệp độc lập thì theo quy định về thuế TNDN các doanh nghiệp độc lập dường như có lợi hơn khi lãi vay không vượt ngưỡng 150% sẽ được kết chuyển 5 năm tiếp theo nếu hoạt động kinh doanh không có lãi.

Trong khi đó các doanh nghiệp liên kết đã vừa bị khống chế về chi phí lãi vay, vừa không được kết chuyển số chi phí lãi vay trong 5 năm tiếp theo. Điều này dẫn đến việc không công bằng trong cùng chính sách kết chuyển chi phí lãi vay trong điều kiện hoạt động kinh doanh không có lãi giữa doanh nghiệp độc lập và doanh nghiệp liên kết.

Sửa đổi Nghị định 20: Ba năm chờ đợi, doanh nghiệp kỳ vọng sửa tận gốc - Ảnh 2.

Trương Lương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên