Sửa Luật Nhà ở, đất đai giúp thị trường bất động sản phục hồi?
Các chuyên gia và doanh nghiệp kỳ vọng, tới đây khi Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cuối 2023 sớm được thông qua và có hiệu lực sẽ tạo nền tảng, thúc đẩy thị trường hồi phục và phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo điều hành kịp thời, quyết liệt về công tác rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, trong đó có việc ban hành Nghị quyết số 33 (ngày 11/3/2023) với các nhóm giải pháp hết sức cụ thể.
Về mặt thể chế, pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực chỉ đạo các bộ, ngành trong đó có Bộ Xây dựng triển khai xây dựng, hoàn thiện để trình Quốc hội dự thảo Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản; Luật Tổ chức tín dụng; Luật Đấu thầu.
Chính phủ cũng bổ sung, sửa đổi, ban hành một loạt các Nghị định tháo gỡ khó khăn về lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính như: Nghị định 08 (ngày 5/3/2023) của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; Nghị định số 10 (ngày 3/4/2023) của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 35 (ngày 20/6/2023) sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nhìn chung hệ thống pháp luật cơ bản được hoàn thiện với nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn và đồng bộ với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện, hành lang pháp lý thông thoáng cho các dự án bất động sản.
Ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam - cho biết, các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đang được điều tiết tốt. Chính phủ cùng Thủ tướng đã ban hành nhiều chỉ đạo giải quyết với biện pháp rất quyết liệt, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường và doanh nghiệp bất động sản như Nghị định 08, Nghị quyết 33, Quyết định 388, Nghị định 10.
Theo ông Khương, Luật Đất đai 2023, nếu được áp dụng đúng tiến độ sẽ có hiệu lực trong nửa cuối năm sau, từ đó giải quyết các nút thắt trong phê duyệt dự án tại các khu dân cư mới, giúp nguồn cung nhà ở phục hồi giai đoạn 2024 - 2025. "Dự kiến trong 12 tháng tới, bất động sản bắt đầu đón nhận những thay đổi tích cực vì các chính sách mới sau một thời gian sẽ bắt đầu phát huy hiệu quả đến thị trường", ông Khương nhấn mạnh.
Trong báo cáo mới phát hành, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam kỳ vọng khi Quốc hội xem xét sửa đổi luật đất đai, luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản cuối 2023, sớm được thông qua và có hiệu lực, sẽ tạo nền tảng và thúc đẩy thị trường hồi phục trở lại.
Mirae Asset cho biết, theo các chu kỳ tăng giảm của thị trường bất động sản trong quá khứ, thì khoảng cách giữa các thời điểm đầu chu kỳ thường từ 6-7 năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19 và các chính sách kiểm soát trái phiếu doanh nghiệp cũng như tăng lãi suất, khoảng cách giữa các chu kỳ có thể kéo dài hơn so với các diễn biến trong quá khứ.
Bên cạnh đó, các đợt sóng bất động sản trước đây đều đi kèm thay đổi về chính sách, do đó Mirae Asset kỳ vọng khi Quốc hội xem xét sửa đổi luật đất đai, luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản cuối 2023, sớm được thông qua và có hiệu lực, sẽ tạo nền tảng và thúc đẩy thị trường hồi phục.
Theo TS. Đoàn Văn Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, để hồi phục và phát triển thị trường bất động sản, Việt Nam cần khai thác tối ưu các sân chơi quốc tế; Chính phủ cần nới lỏng chính sách, cho phép người nước ngoài là đối tượng sử dụng đất, tạo điều kiện cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở, bất động sản du lịch theo quy định của pháp luật Việt Nam. Điều này sẽ góp phần tạo thêm thanh khoản cho thị trường bất động sản trong bối cảnh trầm lắng.
Tiền Phong