Sửa Luật Phòng, chống rửa tiền: Cần bổ sung tài sản ảo, tiền ảo vào luật
Việt Nam là một trong những thị trường lớn của tài sản ảo, tiền ảo, nhưng các hoạt động này vẫn nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật
Xoay quanh Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền, chuyên gia cho rằng, Việt Nam là một trong những thị trường lớn của tài sản ảo, tiền ảo, việc bổ sung đối tượng này vào luật là hết sức cần thiết…
- 11-09-2022Hướng dẫn các bước cập nhật thông tin về CMND/CCCD của tài khoản VssID
- 11-09-2022Cảnh giác để tránh 'sập bẫy' lừa đảo trên mạng xã hội
- 11-09-2022Bát nháo thị trường tích xanh Facebook
Theo báo cáo của hãng nghiên cứu Chainalysis, năm 2021, tội phạm mạng đã rửa 8,6 tỷ USD tiền mã hóa , tăng 30% so với năm 2020. Lũy kế từ năm 2017, tổng số “tiền bẩn” được hô biến thành “tiền sạch” thông qua tiền mã hóa lên tới 33 tỷ USD, phần lớn diễn ra trên các sàn giao dịch tập trung. Chainalysis cũng cho rằng, con số này không hề bất ngờ nếu xét tới tốc độ tăng trưởng của cả các hoạt động tiền mã hóa phi pháp lẫn hợp pháp trong năm qua.
Hình thức rửa tiền bằng tiền điện tử cũng tuân thủ quy trình ba giai đoạn tương tự rửa tiền bằng tiền mặt: sắp xếp, phân tán và quy tụ. Các khoản tiền bất hợp pháp được đưa vào hệ thống tài chính thông qua các trung gian như tổ chức tài chính, sàn giao dịch, cửa hàng, sòng bạc, mọi người có thể dùng tiền pháp định hoặc tiền mã hóa để mua tiền mã hóa trên các sàn giao dịch trực tuyến. Tội phạm thường sử dụng những sàn ít tuân thủ quy định phòng chống tiền mã hóa để phục vụ cho mục đích của chúng…
Thực tế, thời gian vừa qua, cơ quan chức năng cũng liên tiếp phát hiện, triệt xóa những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều có sử dụng tiền ảo. Tuy nhiên, hiện Nhà nước chưa công nhận tiền ảo, các hoạt động này vẫn nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền cũng chưa quy định vấn đề này.
Và thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách về Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) vừa qua, các đại biểu tham dự đều thống nhất, Việt Nam là một trong những thị trường lớn của tài sản ảo, tiền ảo, nhưng các hoạt động này vẫn nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật. Do đó, việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là hết sức cần thiết…
Theo các chuyên gia, rửa tiền là loại hình tội phạm không mới nhưng để hình thành các khái niệm đầy đủ về loại tội phạm này còn nhiều hạn chế, trong đó, việc xác định nguồn gốc tài sản là rất khó khăn và chỉ khi xảy ra sự việc gây hậu quả nghiêm trọng, các cơ quan chức năng mới nắm bắt, xử lý trong tình trạng thiếu và yếu cơ sở pháp lý. Do đó, việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào luật là hết sức cần thiết, không chỉ đáp ứng các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền trên thế giới mà còn nhằm đảm bảo an ninh tài chính trong nước, không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền tham nhũng, khủng bố.
Do đó, việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là hết sức cần thiết - Ảnh minh họa: Internet
Góp ý xây dựng Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật cần bao quát đầy đủ các lĩnh vực nhạy cảm, nhất là đối với các tổ chức cung cấp bộ tài sản ảo, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay, cho vay dựa trên nền tảng của công nghệ.
Bổ sung các đối tượng báo cáo của luật là những công ty viễn thông đang cung cấp dịch vụ mobile money; xác định rõ các định nghĩa về mối quan hệ về ngân hàng đại lý giữa các ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng, quan hệ đối tác giữa các ngân hàng cũng như các khái niệm về công nghệ mới, khác với công nghệ đang sử dụng về phòng, chống rửa tiền; quy định về phong tỏa tài sản tạm thời với đối tượng bị tố giác gian lận để bảo đảm ngăn chặn tẩu tán tài sản.
Đối với kinh doanh bất động sản xuất hiện hình thức mua bán, thổi giá và có kẽ hở để tội phạm, quan chức tham nhũng rửa tiền, cần phải có điều khoản giao cho Chính phủ hướng dẫn để có điều chỉnh phù hợp với từng thời kỳ có dấu hiệu đáng ngờ, vì các dấu hiệu này sẽ ngày càng nhiều hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Góp ý tại hội nghị, đối với vấn đề lợi dụng tiền ảo để rửa tiền, tài trợ khủng bố, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) nêu rõ, hiện nay Nhà nước chưa công nhận tiền ảo, tuy nhiên, Việt Nam là một trong những thị trường chơi tiền ảo rất lớn, là một trong mười nước tham gia đông. Đây là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu đã trở thành kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng rửa tiền.
Thời gian gần đây, liên tiếp những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo, tuy nhiên, các hoạt động này vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng, tiền ảo và tài sản ảo vẫn “lọt lưới” do các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền chưa quy định về vấn đề này.
“Do đó, việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào Dự thảo Luật là hết sức cần thiết, không chỉ đáp ứng các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền trên thế giới mà còn nhằm đảm bảo an ninh tài chính trong nước, không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền tham nhũng, khủng bố”, đại biểu Dương Văn Phước đề xuất.
Ghi nhận những ý kiến góp ý Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Thị Hồng cho biết, trước mắt Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm trình Chính phủ Dự thảo quy định về ngăn chặn rửa tiền qua tiền ảo, Bitcoin. Sau đó cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền theo hướng quy định rõ định nghĩa về tài sản bảo đảm phù hợp, thống nhất với Bộ luật Dân sự và các luật liên quan.
Diễn đàn Doanh nghiệp