MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sửa Luật Thuế - Hài hòa lợi ích

Thuế thu nhập cá nhân là công cụ điều tiết giảm bớt thu nhập của những cá nhân có thu nhập cao và phân phối lại cho những cá nhân có thu nhập thấp. Tuy nhiên, Luật Thuế TNCN hiện đang lộ ra nhiều bất cập, cần sớm sửa đổi thế nào cho phù hợp?

Cùng với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là sắc thuế trực thu. Ở các nước tiên tiến, hai sắc thuế này là nguồn thu chủ yếu của ngân sách quốc gia. Ở Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thuế, thuế TNCN chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách, đứng sau số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Hơn 2/3 số thu thuế TNCN là đến từ nguồn thu nhập tiền lương, tiền công của các cá nhân chịu thuế.

Thuế TNCN đã được hơn 180 nước trên thế giới áp dụng. Hầu hết tất cả các quốc gia đều áp dụng nguyên tắc những cá nhân có mức thu nhập tiền lương, tiền công cao hơn thì bị đánh thuế cao hơn, với khung thuế suất thuế TNCN lũy tiến. Đây cũng là nguyên tắc mà Luật Thuế TNCN của Việt Nam đang áp dụng.

Luật Thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam được áp dụng từ năm 2007, trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Từ đó tới nay, Việt Nam chúng ta áp dụng biểu thuế suất 7 bậc từ 5% đến 35% cho người làm công ăn lương. Sau một số lần điều chỉnh, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế áp dụng hiện nay là 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Với biểu thuế này, thu nhập chịu thuế chỉ ở mức 80 triệu đồng/tháng, các cá nhân có thu nhập cao đã phải đóng thuế ở mức thuế suất cao nhất là 35%.

Sửa Luật Thuế - Hài hòa lợi ích - Ảnh 1.

Nhiều người không hài lòng với mức đóng thuế TNCN cho khoản tăng thêm.

Từ đầu năm 2023, Bộ Tư pháp đã thông tin, qua kết quả rà soát của các bộ, ngành cho thấy, Luật Thuế thu nhập cá nhân có 22 điều cần phải sửa đổi, bổ sung, trong đó tập trung vào thu nhập chịu thuế; cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp đối với một số khoản thu nhập, thuế suất, mức giảm trừ gia cảnh. Đặc biệt từ 1/7/2023, lương cơ sở đã tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng, gíá cả một số mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng cao thì Thuế thu nhập cá nhân càng bộc lộ nhiều bất cập…

Mặt khác, ngưỡng phải nộp thuế và mức giảm trừ gia cảnh được áp dụng cho mọi cá nhân sống ở những vùng miền khác nhau nên gây ra cảm giác "bị thiệt" cho người lao động sống ở khu vực đô thị có chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Sau khi trừ thuế, trừ đi các chi phí sinh hoạt tối thiểu, số tiền còn lại của người lao động ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh ít hơn nhiều so với người lao động có cùng mức thu nhập nhưng sống ở nông thôn, miền núi hoặc các đô thị khác có chi phí sinh hoạt rẻ hơn.

Cùng với đó, biểu thuế lũy tiến từng phần 7 bậc, cách nhau 5% mỗi bậc cũng khiến người sử dụng lao động mất đi lợi thế sử dụng tiền lương để khuyến khích người lao động làm việc. Một cá nhân được giao thêm việc để tăng thu nhập nhưng lương tăng cũng đồng nghĩa với việc họ phải chuyển sang nộp thuế ở bậc thuế suất cao hơn. Người lao động sau khi trừ thuế nhận về số tiền không tương xứng với trách nhiệm và khối lượng công việc được giao, triệt tiêu động lực phấn đấu tăng thu nhập của người lao động.

Xu hướng mục tiêu của các chính sách mới về thuế là bên cạnh việc bảo đảm nguồn thu ngân sách Nhà nước, thuế TNCN còn thực hiện tái phân phối thu nhập, giảm các hành vi trốn, tránh thuế, tạo động lực để người dân tăng thu nhập, từ đó tăng sức tiêu thụ hàng hóa hoặc nâng cao tiết kiệm, thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dù không giống nhau, song trong những năm gần đây, ở nhiều nước trên thế giới ghi nhận một số xu hướng chung trong điều chỉnh chính sách thuế TNCN như tăng ngưỡng thu nhập tính thuế; tăng mức giảm trừ gia cảnh; áp dụng biểu thuế suất lũy tiến với thu nhập từ tiền lương, tiền công; tăng thuế suất với thu nhập cao, giảm thuế suất với thu nhập thấp… nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo cũng như đảm bảo chức năng phân phối thu nhập của hệ thống thuế.

Việc nghiên cứu nâng mức ngưỡng phải nộp thuế thu nhập cá nhân và tăng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với tốc độ trượt giá hoặc thiết kế các mức giảm trừ gia cảnh khác nhau như mức lương tối thiểu vùng, cùng với đó là việc điều chỉnh chỉ còn 3 hoặc 4 bậc thuế, thay cho 7 bậc như hiện nay và giãn khoảng cách thu nhập chịu thuế giữa các bậc thuế không chỉ giúp cho việc kê khai nộp thuế của cá nhân dễ dàng hơn mà còn đảm bảo tính công bằng trong điều tiết thu nhập của người nộp thuế.

Là một sắc thuế trực thu, người nộp thuế trực tiếp "móc tiền" từ túi của mình nộp vào ngân sách, việc thiết kế một sắc thuế TNCN phù hợp đảm bảo hài hòa lợi ích của người nộp thuế với lợi ích của quốc gia mới có thể giúp người có thu nhập cao vui vẻ, tự nguyện thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của công dân với ngân sách Nhà nước. Chậm sửa luật sẽ khiến người người nộp thuế bị "thiệt" lâu hơn và không khuyến khích được cá nhân làm giàu hợp pháp. Mà dân có giàu thì nước mới mạnh.

Theo Thu Trang

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên