MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Đừng để người dân chưa giàu đã khó

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần cấp thiết thay đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân càng sớm càng tốt để phù hợp với biến động thực tế, để người nộp thuế đỡ chật vật hơn trong cuộc sống.

Thu nhập chưa đủ trang trải cuộc sống vẫn phải nộp thuế

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, năm 2022, số thu từ thuế thu nhập cá nhân trên cả nước đạt 166.733 tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 138% dự toán), vượt thu tới 48.658 tỷ đồng. Chưa kể, trong 10 năm qua, số thu thuế thu nhập cá nhân đã tăng gấp 3,6 lần, đạt mức kỷ lục vào năm 2022, trong khi đó, cuộc sống của người nộp thuế vẫn đối diện với nhiều khó khăn, nhất là khi giá cả của không ít mặt hàng liên tục “leo thang” thời gian qua.

Chị Nguyễn Thanh Mai (trú tại Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bức xúc so sánh, 10 năm qua, lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/người/tháng, tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh chỉ tăng có 1 lần.

Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Đừng để người dân chưa giàu đã khó - Ảnh 1.

Giá cả của không ít mặt hàng liên tục “leo thang” thời gian qua

“Mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc hiện chỉ 4,4 triệu đồng/tháng cũng không thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho 1 người ở thành phố lớn. Một bữa ăn bình thường 50.000 đồng, ngày 3 bữa là 150.000 đồng, tháng 30 ngày đã 4,5 triệu đồng. Nếu thêm tiền học cho trẻ, các chi tiêu đi lại, ốm đau… thì sẽ không thấm vào đâu”, chị Mai nói.

Anh Hoàng Trung Hiếu, (trú tại Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, cách tính thuế TNCN hiện nay bất hợp lý trong việc cào bằng mức giảm trừ gia cảnh, trong khi lương tối thiểu phân chia theo vùng thì lẽ ra mức giảm trừ gia cảnh cũng phải phân chia theo vùng tương ứng. Bởi vì, mức sống ở những vùng khác nhau có sự chênh lệch; như ở vùng quê, số tiền 11 triệu đồng/tháng thì tạm đủ chi phí, nhưng ở các thành phố lớn như Hà Nội thì không đủ chi phí cơ bản.

“Mức giảm trừ gia cảnh chưa phù hợp với tình hình giá cả tăng và mặt bằng thu nhập khác nhau ở các vùng, miền. Vùng núi, nông thôn vẫn có mức giảm trừ gia cảnh như thành thị là không hợp lý. Cần nâng mức giảm trừ gia cảnh ở thành phố và đô thị lớn, như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng…”, anh Hiếu nêu ý kiến.

Cần điều chỉnh sát thực tế

Trước thực tế hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, cần cấp thiết thay đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân càng sớm càng tốt để phù hợp với biến động thực tế, để người nộp thuế đỡ chật vật hơn trong cuộc sống.

Tại Dự thảo tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Luật thuế thu nhập cá nhân đã được đề xuất sửa đổi. Đặc biệt, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của dư luận trong đề xuất sửa đổi Luật lần này là việc có thể nghiên cứu để giảm số bậc tính thuế thu nhập cá nhân với người làm công ăn lương từ 7 xuống còn 5 bậc.

Cụ thể, theo Bộ Tư pháp, khoản 2 điều 22 của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc với các mức thuế suất từ 5% đến 35%. Qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm từ 7 bậc xuống 5 bậc thuế; cùng với việc xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Thực hiện theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế…

Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Đừng để người dân chưa giàu đã khó - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Luật Thuế thu nhập cá nhân phải được sửa toàn diện. Nếu chỉ nâng mức giảm trừ gia cảnh mà các bậc thuế, thuế suất vẫn giữ như hiện hành thì mới chỉ điều chỉnh rất ít cho những người chưa đến ngưỡng nộp thuế. Trong khi những người đang nộp thuế hiện nay thì không được điều chỉnh đáng kể. Hay nếu chúng ta chỉ giảm từ 7 bậc xuống còn 5 bậc nhưng thuế suất cao nhất vẫn để mức 35% thì tỷ lệ điều tiết vẫn cao hơn hiện nay.

Bà Cúc cho rằng, mức thuế suất cao nhất chỉ nên ở mức 25 - 27% hoặc cùng lắm 28 - 30% là hợp lý. Nhưng điều quan trọng hơn, là phải giãn khoảng cách giữa các bậc thuế, hiệu quả điều tiết sẽ thấy rõ.

“Ngay cả khi giữ mức thuế suất cao nhất tới 35%, song phạm vi áp dụng là người có thu nhập tới 300 triệu đồng/tháng trở lên thì không tác động gì nhiều vì rất ít người đạt ngưỡng thu nhập này. Tương tự, một người có thu nhập 40 triệu đồng, theo quy định hiện hành, phải nộp thuế thu nhập cá nhân là 1,65 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu giãn bậc thuế theo hướng người có thu nhập từ 5 - 20 triệu đồng vẫn chịu thuế suất 5%, thì người có thu nhập 40 triệu đồng chỉ phải nộp 900.000 đồng, giảm gần 50% số thuế phải đóng so với hiện nay”, bà Cúc lấy ví dụ.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính nhấn mạnh, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi lạm phát tăng 20% là quá cứng nhắc. Theo ông Thịnh, không thể điều hành thuế theo lạm phát, vì mỗi năm, mức sống, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng phải tăng lên. Thực tế, từ 1/7/2013 đến nay, đời sống của người dân cũng đã nâng lên rất nhiều, nhu cầu về vật chất và tinh thần cao hơn nhiều.

“Nhu cầu của người dân tăng dần, từ ăn no mặc ấm sang ăn ngon mặc đẹp rồi đi du lịch, vui chơi và mỗi năm một khác, tại sao lại cố định giảm trừ gia cảnh theo lạm phát? Các nước khác tiến tới giảm dần mức Thuế TNCN để hỗ trợ người dân, khuyến khích người dân lao động sáng tạo, nâng cao thu nhập. Cần phải thay đổi tư duy, xây dựng chính sách thuế hợp lý để khuyến khích người lao động sáng tạo”, ông Thịnh kiến nghị./.

Theo Diệp Diệp

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên