Sửa Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp: Cởi nút thắt, khơi kênh dẫn vốn
Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho biết, năm 2023, sẽ có khoảng 309.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, riêng trái phiếu bất động sản cần đáo hạn là 119.000 tỷ đồng. Trước bối cảnh thị trường trái phiếu đang gặp nhiều bế tắc, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 65/2022 với nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp.
- 20-02-2023Phan Vũ Group - Doanh nghiệp duy nhất phát hành trái phiếu từ đầu năm đến nay, hoạt động ra sao?
- 20-02-2023Phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam: Một số tồn tại cần khắc phục
- 20-02-2023Thêm một công ty bất động sản xin “dời hẹn” trả lãi cho lô trái phiếu 1.000 tỷ
Hoãn lùi nhiều quy định thắt chặt
Dự thảo đề xuất sẽ ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định tại Nghị định số 65 đến hết ngày 31/12/2023, bao gồm: quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân (chưa nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp); quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đến hết ngày 31/12/2023; rút ngắn thời gian phân phối trái phiếu từng đợt phát hành.
Dự thảo sửa đổi NĐ 65 nếu được thông qua sẽ góp phần gỡ khó cho TPDN (ảnh minh họa)
Việc ngưng thời gian thực hiện quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đến hết năm 2023 nhằm giúp doanh nghiệp duy trì nhu cầu mua TPDN của nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính (nhưng chưa đáp ứng được điều kiện của Nghị định 65/2022/NĐ-CP).
Bộ Tài chính trình Chính phủ lấy ý kiến thành viên Chính phủ theo 2 phương án. Phương án 1: ngưng thực hiện quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân đến hết 31/12/2023 và từ 1/1/2024 tiếp tục thực hiện quy định này. Phương án 2: tiếp tục thực hiện quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân theo Nghị định 65.
Sau khi nhận ý kiến góp ý từ nhiều bộ, ngành, Bộ Tài chính trình Chính phủ nghiêng về phương án 1 nhằm giúp doanh nghiệp khó khăn trước mắt về thanh khoản và thanh toán các trái phiếu đến hạn năm 2023-2024.
Với xếp hạng tín nhiệm, theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong khi thực hiện xếp hạng tín nhiệm phải mất một khoảng thời gian nhất định và tăng thêm chi phí phát hành của doanh nghiệp. Ngoài ra, thị trường hiện nay mới có 2 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm được cấp phép. Bộ Tài chính vẫn khuyến khích doanh nghiệp chủ động tự nguyện thực hiện xếp hạng tín nhiệm. Đối với trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng, vẫn thực hiện theo lộ trình (tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP), phải xếp hạng tín nhiệm từ ngày 01/1/2023.
Việc hoãn quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu mỗi đợt từ 90 ngày xuống 30 ngày cũng với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp có thêm thời gian cân đối, huy động nguồn lực để thanh toán nghĩa vụ trả nợ.
Cú hích lớn
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, những quy định do Bộ Tài chính đề xuất được nhanh chóng có hiệu lực sẽ mang lại tác động tích cực cho thị trường trái phiếu, lĩnh vực bất động sản và cả nền kinh tế. Cụ thể, theo ông đề xuất giãn thời gian thực hiện đối với quy định yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm và xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng một năm sẽ tạo điều kiện nhà đầu tư không chuyên hiện nay tiếp tục đầu tư, vừa giúp nhà phát hành mới có khả năng phát hành mà không bị vi phạm quy định.
“Hiện nay, nhiều nhà đầu tư dưới chuẩn đang mua TPDN riêng lẻ. Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 đề xuất lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp tạo điều kiện để nhà đầu tư dưới chuẩn tiếp tục được mua trái phiếu mới để doanh nghiệp đảo nợ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cần có giải pháp vừa bảo đảm thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà phát hành, vừa hướng tới hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư”, ông Thịnh kiến nghị.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, dự thảo sửa đổi Nghị định 65 nếu được Chính phủ thông qua sớm sẽ là giải pháp kịp thời, để trái phiếu tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng cho thị trường. Trong đó, hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, phát triển theo hướng an toàn, ổn định, bền vững. Đồng thời, có lợi cho sự phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững của cả hệ thống tín dụng.
Tiền phong