Sữa Quốc tế lột xác từ khi về tay Blue Point và Bản Việt: 6 tháng lãi trước thuế hơn 500 tỷ, gấp 3,3 lần cùng kỳ năm trước
Kết quả kinh doanh của Sữa Quốc tế thực sự lột xác sau khi nhóm cổ đông mới đa phần là các nhà đầu tư tài chính tham gia vào quản trị công ty.
CTCP Sữa Quốc tế (IDP) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng vượt trội so với ngành.
Cụ thể, doanh thu quý này của IDP đạt 1.395 tỷ đồng, tăng 25% cùng kỳ năm trước, luỹ kế 6 tháng đạt 2.657 tỷ đồng, tăng 39,4%.
Biên lợi nhuận quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021 của IDP đạt trên 39% trong khi cùng kỳ 2020 chỉ đạt trên 36%.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế quý 2/2021 của IDP đạt 281 tỷ đồng, tăng 146% cùng kỳ năm trước, luỹ kế 6 tháng đạt 506 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ 2020.
Lợi nhuận sau thuế quý 2/2021 đạt 228 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ 2020, luỹ kế 6 tháng đạt 506 tỷ đồng, tăng gần 170% cùng kỳ 2020.
Kết quả kinh doanh của Sữa Quốc tế thực sự lột xác sau khi nhóm cổ đông mới đa phần là các nhà đầu tư tài chính tham gia vào quản trị công ty.
Được thành lập năm 2004, IDP có hai nhà máy đặt tại Chương Mỹ và nhà máy sữa Ba Vì đặt tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì. Dòng sản phẩm chủ đạo của công ty đưa ra thị trường mang thương hiệu "Ba Vì" bao gồm: sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa chua ăn Ba Vì. Sau này, IDP phát triển mạnh thương hiệu LIF (love in farm), Kun, (dòng sản phẩm cho trẻ em) và Ba Vì.
Năm 2014, IDP có 2 nhà đầu tư lớn là VinaCapital và Daiwa, hai nhà đầu tư này nắm giữ 70% vốn của công ty.
Năm 2020 là một năm chuyển mình của IDP khi ông Trần Bảo Minh thôi làm Chủ tịch HĐQT, hai quỹ đầu tư thuộc VinaCapital và Daiwa bán hết vốn.
Ông Tô Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) lên làm Chủ tịch IDP, lúc này IDP cũng có thêm cổ đông mới là Blue Point và Lothamilk trong đó CTCP Chứng khoán Bản Việt (15% VĐL), CTCP Lothamilk (10,18% VĐL) và CTCP Blue Point (60,56% VĐL).
Ngoài ra, IDP còn một nữ cổ đông lớn khác là bà Đặng Phạm Minh Loan với tỉ lệ sở hữu 5% vốn điều lệ. Bà Loan là Phó Tổng Giám đốc điều hành của Vina Capital, hiện đang đảm nhiệm cương vị Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của IDP.
Một điểm đáng chú ý là cổ đông nắm giữ 50% vốn của Blue Point là ông Đoàn Minh Thiện hiện đang là kế toán trưởng của Chứng khoán Bản Việt - đơn vị sở hữu 15% cổ phần IDP.
Phó Tổng giám đốc VCSC ông Đinh Quang Hoàn, hiện giữ chức Chủ tịch LothaMilk, công ty đang nắm hơn 10% của IDP đã từng chia sẻ, IDP sẽ trở thành công ty tỷ USD vào năm 2022, và khoản đầu tư 440 tỷ của Bản Việt vào IDP là khoản sinh lời đáng kể vì IDP "đã có sự chuyển biến ngoạn mục". ROE (Return on Equity – lợi nhuận trên vốn) của IDP trong năm 2020 lên tới 63%, cao nhất trong số các công ty sữa đang giao dịch trên sàn. Tỷ lệ cổ tức ở mức cao, IDP vừa chi trả cổ tức 50% bằng tiền mặt cho cổ đông vào tháng 6 vừa qua.
IDP đặt mục tiêu 3 năm tới sẽ nằm trong top 4 công ty sữa Việt Nam, đồng thời rút ngắn khoảng cách với doanh nghiệp ở vị trí số 3. Mặc dù quy mô của IDP khá nhỏ so với các ông lớn sữa trên thị trường, tuy nhiên kết quả của IDP đang làm ngạc nhiên toàn bộ giới đầu tư.
Sản phẩm sữa KUN, sản phẩm cho trẻ em của IDP đã tăng hiện diện mạnh trong thời gian qua khi sử dụng hình ảnh của Quang Hải để quảng cáo. Tuy nhiên thời gian vừa qua, KUN cũng gặp không ít rắc rối khi một đại diện thương hiệu của công ty là Thơ Nguyễn bị phụ huynh phản đối vì đăng các clip trên Youtube với nội dung phản cảm.
Thơ Nguyễn là một trong hai gương mặt đại diện của KUN bị phụ huynh tẩy chay
Doanh Nghiệp Tiếp Thị