Sức ép lên kim cương Nga
Cứ 3 viên kim cương thô được giao dịch trên thế giới, có 1 viên xuất xứ từ Nga.
- 13-11-2023Nga chiếm 1/3 sản lượng kim cương thế giới
- 08-11-2023Viên kim cương xanh lam cực hiếm được bán với giá hơn 1 nghìn tỷ đồng
- 27-10-2023G7 chuẩn bị công bố lệnh cấm kim cương của Nga
Doanh thu từ việc xuất khẩu kim cương đã mang về khoảng 4 tỷ USD cho nền kinh tế xứ bạch dương trong năm 2022. Đây cũng là mặt hàng mà phương Tây đang muốn áp đặt lệnh cấm vận trong vòng trừng phạt thứ 12 vào nền kinh tế Nga.
Tuy nhiên trong tuyên bố mới nhất tuần qua, nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vẫn chưa đạt được đồng thuận về biện pháp trừng phạt ngành kim cương của Nga.
Kể từ sau xung đột tại Ukraine, các đại lý kim cương ở Antwerp, Bỉ - một trong những trung tâm giao dịch kim cương lớn của thế giới, đã được yêu cầu tẩy chay những viên đá quý có nguồn gốc từ Nga. Hiện nay Antwerp đã không còn nhập khẩu trực tiếp kim cương từ Nga. Điều này được xem sẽ làm giảm vai trò của trung tâm này trên thị trường kim cương thế giới.
Chỉ vài tuần sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra vào tháng 2/2022, các công ty kim cương ở Antwerp, Bỉ bắt đầu nhận được điện thoại từ các khách hàng quốc tế yêu cầu họ tránh sử dụng đá quý từ Nga.
Đó không phải là điều dễ dàng đối với nhà buôn kim cương như ông Thierry Tugendhaft, khi một nửa số kim cương thô doanh nghiệp ông nhập khẩu đến từ Nga do chất lượng cao. Séc ép buộc họ phải chuyển hướng và lấy kim cương từ nơi khác sau 6 tuần.
Đến nay, việc nhập khẩu kim cương thô của Nga đã bị Mỹ, Anh, Canada và New Zealand cấm. (Ảnh minh họa - Ảnh: WSJ)
"Hiện 80% kim cương thô của chúng tôi đến từ Canada, số còn lại được nhập từ châu Phi như Lesotho, Nam Phi và Botswana", ông Thierry Tugendhaft, đại lý buôn kim cương tại Antwerp, Bỉ, cho biết.
Hiện các nước phương Tây muốn chính thức tẩy chay kim cương Nga bằng một lệnh cấm chính thức. Tuy nhiên ông Tugendhaft cho rằng lệnh cấm sẽ không mang lại nhiều tác dụng.
"Phần lớn thế giới không quan tâm nhiều đến lệnh cấm đó. Trung Quốc, Ấn Độ - những nước tiêu thụ kim cương lớn, sẽ không tham gia trừng phạt này. Giá kim cương Nga đang thấp so với thị trường. Đó chính là lý do", ông Thierry Tugendhaft nhận định.
Các hãng kim hoàn lớn của phương Tây từ Tiffany & Co đến Cartier đều muốn tránh hoạt động buôn bán kim cương của Nga. Tuy nhiên trở ngại lớn nhất là làm thế nào để truy tìm nguồn gốc của những viên đá này.
Đến nay, việc nhập khẩu kim cương thô của Nga đã bị Mỹ, Anh, Canada và New Zealand cấm. Tuy nhiên, Washington cho phép mua đá quý được khai thác ở Nga nhưng xử lý ở một nước thứ 3.
Trong khi đó, Nga đang chuyển hướng bán kim cương sang các thị trường thay thế gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, UAE, Armenia và Belarus.
"Một khi một viên kim cương thô được đánh bóng, rất khó để xác định nguồn gốc của những viên kim cương đó. Về cơ bản, dòng chảy kim cương sẽ không đi qua Antwerp nữa. Hoạt động thương mại lớn này sẽ chỉ di chuyển đến Dubai và từ Dubai đến Ấn Độ hoặc trực tiếp đến Ấn Độ. Thị trường kim cương Antwerp sẽ trở nên kém thanh khoản hơn", Giáo sư Koen Vandenbempt, Đại học Antwerp, Bỉ, cho hay.
Giới buôn đá quý cũng nhận định, lệnh cấm hoàn toàn của phương Tây đối với kim cương Nga không chỉ gây tốn kém cho ngành, mà còn có thể mất thêm một năm nữa để thực hiện toàn diện.
VTV