Sức ép lớn với nông sản Việt
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định về biểu thuế nhập khẩu hàng hóa thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2016 - 2018. Trong đó, từ năm 2018 hàng trăm mặt hàng, đặc biệt rau quả Trung Quốc sẽ “đổ bộ” vào Việt Nam với thuế suất 0%. Điều này cũng gián tiếp tạo nên sức ép lên thị trường nông nghiệp trong nước trong bối cảnh hoa quả nhập ngoại sẽ “thống trị” thị trường.
- 26-11-2016Không để thương lái “làm giá” nông sản
- 26-11-2016Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng đạt 29,1 tỷ USD
- 23-11-2016Tăng tốc cho thị trường nông sản
Thịt, hoa quả Trung Quốc “rộng cửa” vào Việt Nam
Từ năm 2018, những mặt hàng như rau, củ, quả, cá, tôm, mực, cacao, bột, thịt và các phụ phẩm của thịt sau giết mổ như thịt trâu, bò và gia cầm sống… sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu từ 15% như hiện nay về 0%.
Tuy nhiên, hiện rau quả TQ đã được bày bán tràn ngập tại các khu chợ dân sinh và chợ đầu mối hằng ngày. Trong khi sản phẩm rau quả nội địa lâu nay vẫn có nhược điểm là tính mùa vụ, sản lượng trồi sụt, giá lên xuống thất thường và đặc biệt là chất lượng, mẫu mã không đồng đều, thì các mặt hàng rau - củ - quả TQ lại “đẹp mã” và có nguồn cung, giá cả ổn định.
Cụ thể tại chợ Trần Quốc Hoàn (Cầu Giấy, Hà Nội), hành khô TQ có giá 15.000 đồng/kg trong khi hành VN cao gấp hơn 3 lần là 50.000 đồng/kg. Ngoài ra, các mặt hàng rau củ TQ khác như: Khoai tây từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, hành tây 7.000 - 10.000 đồng/kg, tỏi 8.000 đồng/lạng, cà chua 15.000 đồng/kg, cà rốt 20.000 đồng/kg… rẻ hơn nhiều lần nếu mua trong siêu thị. So sánh giá tại chợ, chân gà TQ là 65.000 đồng/kg thì chân gà VN là 90.000 đồng/kg, còn nếu mua trong siêu thị thì hơn 100.000 đồng/kg. Theo số liệu từ Bộ NNPTNT, đến hết tháng 10, trong 400.000 tấn trái cây nhập khẩu, VN nhập từ TQ lên đến… 120.000 tấn.
Bày tỏ lo ngại trước thông tin thịt và hoa quả từ TQ sẽ được miễn thuế khi vào VN, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn VN - cho biết: “Từ trước tới nay, rau quả trong nước đã chịu sự cạnh tranh gay gắt bởi hàng TQ có ưu thế giá rẻ, mẫu mã bắt mắt. Nếu thuế về 0%, giá rau củ quả của TQ sẽ rẻ hơn nữa, hàng VN khó cạnh tranh hơn. Hàng nhập ngoại đa phần đều sử dụng chất bảo quản, ra chợ có tiểu thương kinh doanh một tháng rau vẫn tươi xanh như không. Còn rau an toàn chúng tôi vận chuyển xe lạnh từ Sơn La về Hà Nội sáng bày ra chiều đã héo rũ vì không sử dụng hóa chất ngâm bảo quản”.
Cần kiểm soát chất lượng ngay từ biên giới
Trước nhiều cảnh báo của các cơ quan truyền thông về vấn đề VSATTP không đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng hiện đang cẩn trọng hơn khi chọn mua các thực phẩm, rau, củ quả từ TQ. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều mặt hàng rau, củ, quả TQ đang tìm đủ cách đội lốt hàng Việt để dễ bề tiêu thụ như vụ: Cam TQ giả cam Cao Phong, nho tàu bán dưới mác nho Ninh Thuận, táo TQ đội lốt táo Hà Giang… càng khiến người tiêu dùng hoang mang.
Ông Phạm Văn Toàn - Phó Chánh Thanh tra Bộ KHCN - cho biết: “Với xu hướng thương mại hóa toàn cầu hiện nay, việc hàng hóa từ nước này sang nước khác là điều tất yếu, trong đó có cả việc hàng VN sang TQ. Để xử lý một cách hài hòa, cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý bằng việc xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp để đảm bảo các yêu cầu về VSATTP, hay nói cách khác là dựng ra một hàng rào kỹ thuật để tăng cường kiểm tra giám sát. Bộ KHCN có trách nhiệm xem xét quy chuẩn đề ra có phù hợp hay không để cùng phối hợp với Bộ NNPTNT thực hiện”.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội - cho rằng, cần đảm bảo khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào ngay từ biên giới. Đối với mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thịt và rau quả, cần đầu tư quản lý thật chặt theo một chuỗi từ khâu nhập khẩu đến tiêu thụ, chứ nếu chỉ kiểm tra sau khi hàng hóa đã đi vào chuỗi bán lẻ thì chẳng khác nào “thả gà ra đuổi”.
Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, việc cạnh tranh là không thể tránh khỏi nhưng vấn đề quan trọng nhất là các cơ quan quản lý cần quyết liệt kiểm tra vấn đề VSATTP để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, chưa áp thuế suất 0% mà rau, củ, quả của Trung Quốc đã có giá rẻ, tràn ngập các chợ. Liệu trong thời gian tới, nông sản của Trung Quốc có “làm mưa làm gió” khiến sức tiêu thụ của nông sản Việt ngày càng khó?
* Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) - khẳng định: Do có chung đường biên giới với Việt Nam, nên hầu hết “mùa nào thức nấy” rau, quả, thịt gia súc, gia cầm, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Trung Quốc đều có mặt tại Việt Nam, góp thêm nguồn cung cho thị trường. Tất cả các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trước khi xuất khẩu vào Việt Nam đều được kiểm dịch thực vật, kiểm tra an toàn thực phẩm. Những lô hàng có tồn dư hóa chất, không đạt yêu cầu lập tức bị trả lại.
* Ông Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết: Trước đây, khi rộ lên thông tin hoa quả nhập khẩu có chứa chất độc, có thể lưu giữ hằng năm, chúng tôi đã mở các đợt thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm từ cửa khẩu, đến các đại lý... Sau khi xét nghiệm, tất cả những chỉ số hóa chất phát hiện được đều nằm trong hạn mức cho phép.
Lao động