Sức ép tăng lãi suất sẽ lớn dần trong nửa cuối năm
Trong quý 1, áp lực tăng lãi suất xuất hiện cục bộ tại các ngân hàng nhỏ. Lãi suất được CTCK VCBS dự báo ổn định trong quý 2 nhưng áp lực tăng sẽ lớn dần trong nửa cuối năm 2017.
- 03-05-2017Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục neo cao
- 01-05-2017Đủ kiểu cộng thêm lãi suất
- 28-04-2017NHNN quy định lãi suất cho vay nông nghiệp công nghệ cao thấp hơn từ 0,5 - 1,5%/năm
- 18-04-2017Thiếu vốn trung dài hạn khiến áp lực tăng lãi suất rất lớn
Trong quý 1, lãi suất huy động ghi nhận mức tăng cục bộ khoảng vài chục điểm cơ bản ở các kỳ hạn tại một số ngân hàng vừa và nhỏ. Tuy nhiên, khi xét chung cả hệ thống, mặt bằng lãi suất huy động không có nhiều thay đổi so với đầu năm, trần lãi suất huy động 5,5% cho các kỳ hạn dưới 6 tháng được đảm bảo, phổ biến trong khoảng 4,3% - 5,5%/năm. Lãi suất huy động từ 6 tháng đến dưới 12 tháng trong khoảng 5,3% - 7%/năm, từ 12 tháng trở lên trong khoảng 6,5% - 8%/năm.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay khá ổn định, phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6%-7%/năm đối với ngắn hạn và 9%-10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay từ 4%-5%/năm.
Theo phân tích của VCBS, áp lực tăng lãi suất huy động cục bộ tại một số ngân hàng có thể đến từ các nguyên nhân một số ngân hàng trong giai đoạn gần đây liên tục phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao làm gia tăng đáng kể áp lực cạnh tranh huy động nhằm mục đích tăng vốn và đáp ứng các tỷ lệ an toàn. Bên cạnh đó, đối với các ngân hàng này, áp lực còn đến từ việc thiếu hụt thanh khoản. Cùng lúc lãi suất liên ngân hàng luôn được giữ ở mức cao khiến các ngân hàng này gặp khó khăn với việc tiếp cận nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng.
Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng tốt hơn cùng kỳ (tính đến 30/03 đạt 4,03% ytd, cao hơn đáng kể con số 1,79% của cùng kỳ 2016 ), cũng được xem là một trong số nguyên nhân khiến nhu cầu huy động tăng trưởng.
Xét trên các yếu tố: áp lực tăng lãi suất huy động chỉ đang diễn ra cục bộ tại các một số ngân hàng; tình trạng thiếu hụt thanh khoản không diễn ra tại các gân hàng lớn và NHNN vẫn còn dư địa để điều tiết thị trường và đảm bảo định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh thị trường ngoại hối dần bình ổn trở lại sau lần tăng lãi suất gần nhất của FED vào tháng 3, VCBS cho rằng mặt bằng lãi suất được dự báo sẽ tưởng đối ổn định và ít biến động trong quý 2.
"Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2017, rủi ro từ tỷ giá nhiều khả năng nóng trở lại và sức ép lên lãi suất sẽ lớn dần trong nửa cuối năm", chuyên gia của VCBS nhận định.
Cách đây không lâu, chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến “Đường đi của lãi suất năm 2017” do báo Tri Thức trẻ phối hợp cùng CafeF tổ chức, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính nhận định dù có hay không có thêm sức ép, thì lãi suất tại Việt Nam hiện nay đã ở mức cao và tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Lãi suất thực của Việt Nam tương đối cao, tính toán của WB cho lãi vay thực năm 2015 cỡ 7,3%, năm 1996 là năm cao nhất trong 10 năm trở lại là 10,49%, năm 1997 trước suy thoái là 7,3%...
Theo đó, TS. Độ cho rằng, NHNN sẽ bằng mọi giá giữ cho lãi suất ít nhất là không tăng trên diện rộng. Làm thế nào vẫn là câu chuyện tương đối dài nhưng nhiệm vụ sẽ là giữ cho lãi suất không tăng.
"Cá nhân tôi có niềm tin rằng lãi suất sẽ không tăng mạnh trong năm nay, thậm chí cả trong năm sau, vì nếu nó tăng sẽ gây nên rất nhiều hệ luỵ tiêu cực cho nền kinh tế và Chính phủ sẽ không để điều này xảy ra. Vì vậy, việc gửi tiền kỳ hạn ngắn và đợi đáo hạn với lãi suất cao hơn chưa chắc đã phải là ý hay", ông Độ nêu quan điểm.
Còn theo quan điểm của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, NHNN cần 4 biện pháp để ổn định lãi suất, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Một là đẩy nhanh và mạnh quá trình tái cơ cấu NH yếu kém và tiến trình xử lý nợ xấu. Hai là cần tìm biện pháp tăng cường huy động vốn từ dân cư để đưa vào sản xuất kinh doanh, kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức không quá nóng. Ba là theo dõi chặt chẽ biến cố bên trong, bên ngoài (Mỹ, Trung Quốc) để có ứng phó kịp thời và bốn là không chủ quan với lạm phát.