Sức mạnh Trung Quốc lấn lướt Moscow ở 'sân sau' Nga: Cạnh tranh hay hợp tác trong SCO để chống phương Tây?
Nỗ lực đưa SCO thành đối trọng với phương Tây đã làm dấy lên lo ngại sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh có thể ảnh hưởng tới chương trình nghị sự của Moscow tại Trung Á.
- Nga và Trung Quốc không phải lúc nào cũng đồng quan điểm về vai trò của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
- Hai nước đang cùng nhau xây dựng tổ chức này như một lực lượng chống lại "bá quyền" của phương Tây.
- Xuất hiện những lo ngại về sự thống trị kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Á.
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), các nhà quan sát kỳ vọng Nga sẽ tập trung nhiều hơn vào hợp tác hơn là cạnh tranh với Trung Quốc, do có những lo ngại an ninh chung ở vùng trung tâm lục địa Á - Âu và sự chuyển dịch kinh tế về phía đông của Moscow sau khi xung đột với Ukraine bùng phát.
Xây dựng SCO như một lực lượng chống lại "bá quyền" phương Tây
Hội nghị thượng đỉnh thường niên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra vào tuần qua tại Kazakhstan có sự tham dự của lãnh đạo hai nước Nga, Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng gặp nhau bên lề sự kiện, đây là cuộc hội đàm trực tiếp thứ năm của họ trong năm nay.
Quan hệ song phương đã bước vào "thời kỳ hoàng kim" được xây dựng trên "các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi", ông Putin nói với ông Tập trong cuộc gặp hôm 3/7 khi ca ngợi tầm quan trọng ngày càng tăng của SCO.
"[SCO] đã khẳng định vững chắc là một trong những trụ cột chính của trật tự thế giới đa cực, công bằng", ông Putin nói.
Zeno Leoni - giảng viên khoa nghiên cứu quốc phòng của đại học King's College London - cho biết, mặc dù Nga và Trung Quốc không phải lúc nào cũng đồng quan điểm về vai trò của SCO, nhưng họ đang hợp tác cùng nhau để xây dựng tổ chức này như một lực lượng chống lại "bá quyền" của phương Tây.
"Bắc Kinh và Moscow có xu hướng vừa cạnh tranh vừa hợp tác, ở các cấp độ khác nhau… sự thống nhất trong SCO hiện là ưu tiên hàng đầu, vì vậy về mặt này họ hợp tác", Leoni nói.
"Trung Quốc và Nga đang dần dần hướng tới một khối Á - Âu, mặc dù việc này sẽ không thể đạt được mức độ hội nhập như ở phương Tây."
Ông Leoni cho biết, Trung Quốc và Nga cũng sẽ tận dụng SCO để duy trì tầm ảnh hưởng ở Trung Á, điều này rất quan trọng đối với cả hai.
Theo SCMP, được chính thức thành lập vào năm 2001 bởi Trung Quốc, Nga và 4 quốc gia thuộc Liên Xô cũ (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan), mục đích ban đầu của SCO là giải quyết các vấn đề biên giới ở Trung Á sau sự sụp đổ của Liên Xô.
Nhưng kể từ đó, chức năng của tổ chức này đã mở rộng ra ngoài các vấn đề an ninh sang an ninh chuỗi công nghiệp, hợp tác kinh tế và trao đổi người với người. SCO hiện gồm 10 thành viên này đa phần cũng do Bắc Kinh dẫn dắt, trong đó Trung Á là mắt xích chính trong "Sáng kiến Vành đai và Con đường" xuyên lục địa của Trung Quốc.
Chức chủ tịch luân phiên hàng năm của SCO đã được chuyển giao cho Trung Quốc sau hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Astana của Kazakhstan - nơi Belarus được kết nạp làm thành viên thứ 10.
Ngoài các thành viên Trung Á là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, SCO còn có Ấn Độ, Iran và Pakistan.
Wan Qingsong - Phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Nga thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông (Trung Quốc) - cho biết, hội nghị thượng đỉnh năm 2024 đã "củng cố khả năng của SCO trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu lớn cũng như khả năng của tổ chức này để đối phó với những thay đổi địa chính trị toàn cầu, đặc biệt là tại lục địa Á-Âu".
"Nhưng tất nhiên, [Trung Quốc] sẽ cần tăng cường phối hợp với Nga trong những lĩnh vực này", Wan nói.
Wan nói thêm rằng, nếu có những khác biệt về ưu tiên, "chẳng hạn như sự tập trung của Nga vào an ninh và sự chú trọng của Trung Quốc vào phát triển", thì những mối lo ngại này "ngày càng đan xen và cần được cả hai nước kiểm soát cẩn thận".
"Chúng ta có thể thấy rằng hai bên đã không đưa những khác biệt của mình vào chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh SCO", Wan nói.
Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc có thể "gây xích mích" với Nga trong SCO
"Sức mạnh áp đảo của Trung Quốc [có thể] làm suy yếu kế hoạch của Nga về việc thành lập Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU) ", Leoni tại King's College nói, đề cập đến những nỗ lực của Moscow nhằm tạo ra một thị trường chung giống như Liên minh châu Âu (EU).
Những lo ngại bao gồm sự thống trị kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Á - nơi từ lâu được coi là "sân sau" của Nga. Vào năm ngoái, Trung Quốc đã vượt qua Nga để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Kazakhstan. Còn vào năm 2022, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Tajikistan gần như toàn bộ đến từ Trung Quốc, theo ước tính chính thức của Mỹ.
Nhưng theo Wang Yiwei - giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, một nước Nga bị phương Tây trừng phạt đang điều chỉnh chiến lược của mình để tránh cạnh tranh với Trung Quốc khi Nga ngày càng phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc.
"Nga đang ngày càng hướng tới phương Đông về mặt kinh tế và muốn tận dụng ảnh hưởng của Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của mình [trong khu vực]", Wang nói.
Trong tín hiệu mới nhất về sự thay đổi thái độ của Nga, hồi tháng 4, Phó Thủ tướng Nga Alexey Overchuk cho biết hai nước đang tìm cách cải thiện kết nối giữa "Sáng kiến Vành đai và Con đường" của Trung Quốc và EEU do Moscow dẫn dắt.
Tuy nhiên, theo SCMP, sự gần gũi của Nga với hai nước láng giềng của Trung Quốc là Triều Tiên và Ấn Độ đã gây sự chú ý.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh SCO ở Astana nhưng sẽ tới Moscow trong tuần này để nêu bật các ưu tiên trong khu vực.
Và tháng trước, Tổng thống Putin đã trở thành nhà lãnh đạo Nga đầu tiên đến thăm Triều Tiên sau 24 năm. Ông cũng ký một hiệp ước với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, trong đó có cam kết hỗ trợ lẫn nhau nếu một trong hai nước bị tấn công.
Nhưng ông Zeno Leoni bác bỏ ý kiến cho rằng các động thái của Tổng thống Putin có thể nhằm vào Trung Quốc. "Điều đó sẽ không liền lạc và đi ngược lại các xu hướng gần đây, chẳng hạn như sự phát triển mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn giữa Moscow và Bắc Kinh."
Đời sống pháp luật