“Sưu cao thuế nặng” với vận động viên Mỹ giành huy chương Olympic
Các vận động viên Mỹ giành huy chương Olympic sẽ phải nộp thuế cả tiểu bang lẫn liên bang...
- 30-07-2016Dính nghi án trốn thuế, Facebook bị buộc nộp phạt 5 tỷ USD
- 06-07-2016Rộ tin Lionel Messi bị kết án 21 tháng tù vì trốn thuế
- 20-06-2016Microsoft ký thỏa thuận ngầm, né khoản thuế hơn 100 triệu bảng tại Anh Quốc
Khi ở dưới nước, “kình ngư” người Mỹ Michael Phelps là người nhanh nhất. Tuy nhiên, dù anh có bơi nhanh đến đâu, thì anh cũng không thể “thoát” được thuế vụ Mỹ.
Theo trang CNN Money, các vận động viên Mỹ giành huy chương Olympic, trong đó có Phelps, sẽ phải nộp thuế cả tiểu bang lẫn liên bang đối với khoản tiền thưởng mà họ nhận được.
Ủy ban Olympic Mỹ (USOC) thưởng 25.000 USD cho mỗi tấm huy chương vàng, 15.000 USD cho mỗi tấm huy chương bạc, và 10.000 USD cho mỗi tấm huy chương đồng.
Không chỉ nộp thuế đối với tiền thưởng, mỗi vận động viên Mỹ giành huy chương tại Thế vận hội còn phải nộp thuế đối với giá trị của chính tấm huy chương mà họ nhận được. Các tấm huy chương vàng và bạc được làm chủ yếu từ bạc, còn huy chương đồng sử dụng vật liệu chính là đồng.
Những tấm huy chương của Olympic Rio năm nay thuộc hàng lớn nhất và nặng nhất từ trước đến nay, mỗi tấm chứa khoảng 500 gram bạc hoặc đồng. Giá trị của tấm huy chương vàng khoảng 564 USD, huy chương bạc khoảng 305 USD. Riêng huy chương đồng có giá trị không đáng kể nên sẽ không bị đánh thuế.
Thuế không phải là gánh nặng duy nhất đối với các vận động viên Olympic của Mỹ. Theo CNN Money, nhiều vận động viên Thế vận hội đến từ nền kinh tế lớn nhất thế giới có cuộc sống khá chật vật.
Mỹ là một trong số những số ít những quốc gia không có ngân sách chính phủ dành cho vận động viên Olympic. Chỉ có một vài vận động viên may mắn nhận được những hợp đồng tài trợ lớn, còn lại đa số phải phụ thuộc vào khoản lương ít ỏi từ USOC, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp địa phương, hoặc thu nhập phụ từ việc làm thêm.
Theo một dự thảo luật liên bang của Mỹ, giá trị huy chương và tiền thưởng của các vận động viên Olympic và Paralympic sẽ không phải đóng thuế thu nhập. Dự luật này đã được Thượng viện Mỹ thông qua vào tháng trước và đang được Hạ viện xem xét. Khi chính thức thành luật, quy định này sẽ có hiệu lực đối với các khoản thu nhập từ ngày 1/1/2016 đến 1/1/2021.
Bang California cũng đang xem xét một dự thảo luật tương tự.
Tuy nhiên, giáo sư về thuế Steven Gill tại Đại học San Diego không cho rằng quy định như vậy sẽ đem đến sự thay đổi cho các vận động viên Olympic và Paralympic của Mỹ. Lý do mà ông Gill đưa ra là USOC có thể tìm cách giảm tiền thưởng của các vận động viên.
Ông Gill nói, cho dù không phải đóng thuế, thì số tiền thưởng mà vận động viên Mỹ nhận được cũng chỉ bằng một phần nhỏ sự hỗ trợ tài chính mà vận động viên của các quốc gia khác có được.
“Giảm thuế không thể giải quyết được thực tế là các vận động viên Olympic Mỹ được trả quá thấp. Đây chỉ là một giải pháp ngắn hạn mà thôi”, ông Bill nói.
Vị giáo sư cũng nhấn mạnh việc các cá nhân người Mỹ giành được các giải thưởng danh giá khác đều phải đóng thuế thu nhập, chẳng hạn các nhà khoa học giành giải Nobel. Tuy nhiên, giá trị của giải Nobel lớn hơn nhiều, vào khoảng 1 triệu USD.
VnEconomy