Suýt ly hôn vì chuyện học của con, bà mẹ TP.HCM vẫn kiên quyết: Không "nhẫn tâm", đừng đòi quả ngọt
Thành quả của con hiện tại khiến chị Phương cảm thấy những "đấu tranh" của mình nhiều năm qua là vô cùng đúng đắn.
- 13-04-2024Cho con học lớp tiền tiểu học trên mạng, nhiều phụ huynh tiền mất tật mang
- 12-04-2024Cậu bé bẽn lẽn lên truyền hình hứa học giỏi 17 năm sau đã là “chủ tịch”, xây biệt phủ to đùng và nổi tiếng cả nước
- 12-04-2024Bài văn "Tôi chỉ mang giày Nike" của học sinh tiểu học gây bão: Giáo viên đọc xong im lặng, phụ huynh đỏ mặt
Năm con học lớp 2, chị Diễm Phương (Quận 8, TP.HCM) bắt đầu tìm lớp cho con gái học tiếng Anh, tiếng Việt và Toán tư duy. Ngoài giờ học ở trường, các buổi học ngoại khóa, bé Miêu sẽ có 4 buổi học thêm.
Chị Phương tích cực tham gia "Hội luyện thi vào lớp 6" và một số nhóm khác để hỏi kinh nghiệm cho con ôn luyện, rồi "chạy đôn chạy đáo" tìm trung tâm dạy tiếng Anh, dạy thêm các kỹ năng cho con. Mục đích của chị Phương là để con có cơ hội "chen" một suất vào lớp 6 một trường cấp 2 đình đám của thành phố.
Chị Phương tìm hiểu: Nội dung đề thi vào trường 100% bằng tiếng Anh, 45 phút trắc trắc nghiệm và 45 phút tự luận, tích hợp kiến thức nhiều môn với cấu trúc: Toán; Ngôn ngữ; Khoa học, Lịch sử & Địa lý. Các môn như Khoa học, Lịch sử & Địa lý bà mẹ này cho rằng có thể từ từ ôn ở giai đoạn luyện đề, nhưng nền tảng tiếng Việt, tiếng Anh hay Toán tư duy thì không thể đợi "nước đến chân mới nhảy".
Chồng giờ giấc không ổn định, thế là suốt những năm từ lớp 2 đến lớp 5, một mẹ một con chị Phương cứ chiều chiều sau giờ học lại cùng nhau di chuyển từ quận này sang quận khác để học đủ thứ. Có những thời điểm mệt mỏi, bà mẹ này lại tự nhủ bản thân cố gắng lên.
Đặc biệt, năm con học lớp 3, vợ chồng chị Phương mâu thuẫn cao độ, suýt làm đơn ly hôn. Chồng chị xót con học ngày học đêm, góp ý vợ mãi không xong nên nặng lời. Chị thì kiên định phải học mới thành tài, không áp lực không có kim cương.
"Muốn vào trường này, trước tiên phải thực sự giỏi tiếng Anh, Toán, hầu như các bạn ở đây rất giỏi tiếng Anh. Phải học từ bây giờ, không đầu tư từ sớm đến cuối cấp mới chạy đi ôn thì là quá trễ, vì giờ kiến thức thi cử rất rộng và khó. Bài khảo sát bằng tiếng Anh của trường có kiến thức ở tất cả các môn từ Toán, tiếng Việt, Sử, Địa, Khoa học, đời sống hằng ngày nên phải cho con học hết", chị Phương cho hay.
Ngoài "tất bật" cho con học thêm, đến giai đoạn con học lớp 4, chị còn cho con làm thêm các đề thi, các bài tập ở các Fanpage. Ngoài ra, bà mẹ này không tiếc tiền chi cho con tham gia các lớp học cách phản xạ, cách làm bài thi trắc nghiệm, kiến thức xã hội khác.
Theo quan điểm của chị, bắt con học nhưng không có nghĩa là con chỉ biết mỗi việc học hay ép con bằng mọi cách phải thi đậu. Chị dành thời gian cho con ra ngoài chơi, đi du lịch... Việc rèn luyện cho con, nếu không đỗ vào trường mong muốn cũng không bỏ phí. Đây là một nền tảng để con bứt phá sau này.
Và những nỗ lực đó quả thực mang lại kết quả. Năm đó, con chị Phương thi đỗ vào trường với điểm số khá cao. Con có khoảng thời gian học cấp 2 đầy màu sắc và hào hứng với những giờ học thuyết trình, tham gia hàng loạt câu lạc bộ yêu thích. Khả năng tiếng Anh của con ngày càng nâng cao. Kiến thức xã hội của con khá rộng, đa dạng, từ âm nhạc đến mỹ thuật, ẩm thực, và rất nhiều lĩnh vực hàn lâm khác.
Sắp tới, chị Phương định hướng cho con vào cấp 3 trường chuyên, sau đó "săn" học bổng du học. Hiện, bà mẹ này đang khuyến khích con tham gia hoạt động ngoại khóa, tăng cường thực hiện các dự án cho cộng đồng và làm công tác tình nguyện.
Thời đại 4.0, không thể giữ mãi quan điểm "tới đâu hay tới đó"
Mỗi năm, gần sát thời gian thi vào các trường chất lượng cao ở Hà Nội hay TP.HCM, việc phụ huynh hay học sinh than thở về áp lực luyện thi cho con không còn hiếm. Các con vừa phải học và ôn rất nhiều bài vở trên lớp năm cuối cấp kèm theo lịch ôn tập dày đặc căng thẳng. Bố mẹ cũng mệt mỏi không kém.
Chị Phương chia sẻ, từ thực tế này nên chị luôn ủng hộ việc rèn con sớm, cho con học sớm để con có thời gian tiếp xúc đủ dài để ngấm. Một bà mẹ khác cũng cho biết, bé nhà mình năm nay lên lớp 6, đã đỗ trường THCS Archimedes, Trường THCS Nam Trung Yên, học bổng DGS, TH School, Trường Phổ thông Liên cấp Olympia. Nhưng từ khi con đi học tới nay gần như không có khái niệm ôn thi.
"Khái niệm "cho con có tuổi thơ" có nhiều cách hiểu. Cho con học sớm, học vui, thi cử không có áp lực, vẫn đỗ (thậm chí HB cao), có thời gian enjoy các hoạt động con thích cũng là 1 trải nghiệm tuổi thơ tốt cho con", phụ huynh này nói.
Theo chị Phương, thời đại 4.0, định hướng cha mẹ dành cho con cũng cần thay đổi. Nếu như ngày trước, con cứ "tằng tằng" từ cấp 1 lên cấp 2, cấp 2 lên cấp 3 theo tuyến, rồi đỗ đại học, ra trường xin việc làm thì bây giờ, việc lựa chọn môi trường học cho con ra sao cần được lên kế hoạch từ sớm. Có những người bạn của chị Phương viết đơn "giành" suất học cho con ở trường nước ngoài từ khi con... mới sinh. Đó không phải là áp đặt, tạo áp lực, mà là tầm nhìn xa.
Trước đó, chuyện con lớp 1, mẹ xin định hướng thi đỗ lớp 10 chuyên cũng từng gây chú ý. Trong phần bình luận, hàng loạt cư dân mạng bày tỏ sự "choáng váng" và áp lực thay cho đứa trẻ trước mục tiêu của bà mẹ.
Trên thực tế, chuyện phụ huynh lên lộ trình sớm cho con để cấp 1, cấp 2, cấp 3 vào các trường như mong muốn không phải là hiếm. Ngày trước, trẻ em đến tuổi đi học mầm non, hết mầm non thì lên tiểu học. Thế nhưng ngày nay, phụ huynh có hằng hà sa số lựa chọn: Trường công hay trường tư, nên chọn chất lượng cao, hệ song ngữ, hệ quốc tế hay trường tiêu chuẩn quốc tế... Tùy định hướng của gia đình, mỗi nhà sẽ có lộ trình phù hợp nhất.
Mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp, chuyện phụ huynh xếp hàng thâu đêm suốt sáng giành suất vào lớp 1 trường tốt cho con luôn là đề tài được nhiều người đem ra mổ xẻ. Nhưng năm này qua năm khác, tình trạng này không thay đổi, bởi 1 lý do quan trọng: Để con được tắm mình trong môi trường học hành chất lượng ngay từ bước đệm đầu tiên, bỏ thời gian công sức một đôi ngày với phụ huynh là "không thành vấn đề".
Việc phụ huynh có nguyện vọng cho con thi vào trường chuyên, lớp chọn hay những trường chất lượng cao có tiếng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Điều này xuất phát từ chính nhu cầu của phụ huynh bởi bất kỳ cha mẹ nào cũng mong con được học tập, phát triển trong môi trường tốt nhất. Hạt giống đã tốt nhưng nếu không được gieo vào mảnh đất tốt thì cũng chưa chắc phát triển được.
Tuy nhiên, dù định hướng cho con ra sao, thì cha mẹ cũng nên nương theo năng lực và tính cách của con. Nếu chỉ vì mục đích vào trường chuyên cấp 2 mà ngay từ hè lớp 1 các cháu đã gần như không còn kì nghỉ hè, trong năm phải học thêm... áp lực, căng thẳng thì nên xem lại.
"Tuổi thơ ngoài việc trang bị kiến thức, rất cần vui chơi, trải nghiệm, thể thao, kĩ năng... và tôi từng gặp nhiều bạn nhỏ học trường chuyên như vậy sau này không chỉ ở cấp 3 mà còn cả ở đại học, đi làm. Phải nói nhiều bạn kiến thức rất ổn, nhưng hành vi, kĩ năng thật đáng lo, nhất là nếu không khéo sự ngạo nghễ học chuyên những năm đầu đời trở thành lực cản cho sự phát triển sau này.
Mỗi lựa chọn đều có giá trị, mỗi phụ huynh đều có những cách lựa chọn khác nhau để giúp con thành công. Nhưng nếu phải đánh đổi cả 1 tuổi thơ để giành 1 vé vào học chuyên thì cũng đáng để xem lại", một thầy giáo nói.
Phụ nữ mới