Tắc Kênh đào Suez sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam ra sao?
"Cùng với tình trạng giá cước tàu biển tăng cao do tác động của dịch COVID-19, sự cố này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực châu Âu" - Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải thông tin.
- 28-03-2021Điểm danh các dự án FDI "khủng" trong quý 1/2021
- 28-03-2021Kiều hối giúp phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh
- 28-03-2021Thủ tướng giao ACV đầu tư Dự án mở rộng cảng hàng không Điện Biên hơn 1.500 tỷ đồng
Các đội trục vớt đã được huy động để nâng con tàu container Ever Given, nhưng quá trình đã kéo dài sang ngày thứ tư. Các doanh nghiệp ở châu Á và châu Âu đang đứng trước rủi ro chi phí vận chuyển hàng hóa sẽ tăng cao và tình trạng thiếu container vận chuyển ngày càng trầm trọng.
Jack Yang, nhà sáng lập Công ty Xuất nhập khẩu Yiwu Jin-Jack, chuyên bán các mặt hàng như ô dù và đồ trang sức từ Nghĩa Ô, miền đông Trung Quốc, cho biết một số khách hàng của ông hiện đang cân nhắc gửi hàng hóa bằng đường sắt đến Tây Ban Nha và Đức thay vì chờ đợi hết tắc kênh.
Những nhà sản xuất khác có thể sẽ buộc phải chuyển hàng qua đường hàng không. Nhưng đường sắt hoặc vận tải hàng không không phải là những lựa chọn thay thế khả thi trong nhiều trường hợp, vì khối lượng hàng hóa hoặc vấn đề chi phí.
Tim Huxley, Chủ tịch TNHH Vận chuyển Mandarin (Hong Kong) cho biết: "Để hình dung ra mức độ nghiêm trọng, tôi sẽ ví dụ. Nếu bạn đặt toàn bộ 20.000 container của Ever Given trên máy bay, bạn cần tới 2.500 chuyên cơ vận tải hàng không Boeing 747. Kết quả là, nó sẽ làm trì hoãn các chuyến hàng của nhiều mặt hàng tiêu dùng và sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người".
Ông Yang cho biết chi phí vận chuyển một thùng container 40 feet từ Trung Quốc đến Hamburg, Đức, vào khoảng 2.000 USD trước khi đại dịch xảy ra. Nó đã tăng hơn gấp ba lần lên hơn 7.400 USD trong những tháng gần đây. Giá gửi container qua đường sắt hiện nay là khoảng 8.100 USD. Ông dự đoán rằng giá cước vận tải đường sắt cũng có thể tăng lên nếu nhiều người mua chuyển hướng từ đường biển sang đường sắt.
"Nếu chúng tôi đưa ra quyết định chuyển sang phương thức vận tải khác ngay bây giờ và bỗng nhiên tình hình khá hơn trong vài ngày tới, có khi còn tốn kém và mất thời gian hơn" - giám đốc điều hành một công ty hậu cần quốc tế chuyên về hóa chất, có hàng nằm trong số các thùng chứa bị mắc kẹt trên Ever Given cho hay.
"Làm thì dở mà không làm cũng dở" - anh ta nói.
Kể từ năm ngoái, Covid-19 đã gây ra sự chậm trễ lớn trong vận tải hàng hải, khiến các container bị mắc kẹt trên biển hoặc tại các cảng. Nhu cầu tăng đột biến đối với các loại hàng hóa khiến các nhà xuất khẩu Trung Quốc phải tranh giành để tìm các container rỗng.
Theo Leth Agencies, một nhà cung cấp dịch vụ vận tải, lượng tàu đang chờ ở hai đầu Kênh đào Suez hôm thứ 6 đã tăng lên 237 chiếc, tăng từ 156 chiếc vào ngày hôm trước. Điều này có thể sẽ có tác động trực tiếp đến thương mại Á-Âu, làm trì hoãn các chuyến ra khơi trong tương lai và gây căng thẳng hơn cho ngành vận tải.
Chiếm tới 13% thương mại hàng hải toàn cầu, Kênh đào Suez là tuyến đường vận chuyển trực tiếp và nhanh nhất giữa châu Á và châu Âu. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển các mặt hàng như dầu và ngũ cốc và hàng hóa đóng trong container, cả máy móc, phụ tùng ô tô, quần áo và đồ nội thất.
Daniel Harlid, Phó chủ tịch tại Moody's cho biết: "Chúng tôi cho rằng các nhà cung cấp sản xuất, ô tô châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì họ vận hành chuỗi cung ứng Just in Time. "Điều này có nghĩa là họ không dự trữ các bộ phận và chỉ có đủ trong tay trong một thời gian ngắn."
Ông nói thêm rằng ngay cả khi tình hình được giải quyết trong vòng 48 giờ tới, tắc nghẽn cảng và chuỗi cung ứng nghiên trọng hơn nữa vẫn là không thể tránh khỏi.
Johannes Schlingmeier, Giám đốc điều hành của Container xChange, một sàn giao dịch và cho thuê container có trụ sở tại Đức cho biết: "Về cơ bản mọi thứ đi đến châu Âu từ châu Á đều đi qua kênh đào Suez.
Ông Schlingmeier cho biết thêm rằng tình trạng thiếu container sẽ tăng 25% nếu mất hai tuần để giải quyết hoàn toàn tình trạng tắc nghẽn.
Giá trung bình để gửi một container 40 feet từ Trung Quốc đến châu Âu đã tăng gấp 10 lần trong ba tháng qua. Ông nói: "Giá đã tăng hơn nữa trong vài ngày qua. "Chúng tôi dự đoán giá cước sẽ tăng, và lượng container sẽ cực kỳ thiếu hụt trong vòng 6-8 tuần tới".
Envision AESC Japan Ltd., công ty xuất khẩu pin lithium-ion sang châu Âu qua kênh đào Suez, hiện chưa bị ảnh hưởng bởi sự cố tắc nghẽn kênh đào. Tuy nhiên, họ cũng bày tỏ lo ngại về những tác động có thể xảy ra nếu tình hình kéo dài trong vài tuần.
Nếu điều đó xảy ra, phát ngôn viên Daisuke Fukushima của Envision AESC cho biết công ty sẽ cần xem xét phương án thay thế để vận chuyển pin cho xe điện lắp ráp tại Anh, qua Mũi Hảo Vọng, cực nam của lục địa châu Phi. Ông Fukushima nói: "Việc giao hàng sẽ trì hoãn vài tuần. Và chắc chắn sẽ tốn nhiều tiền hơn, vì con tàu phải đi xa hơn."
Việt Nam không nằm ngoài vùng ảnh hưởng
Theo The Wall Street Journal, nguồn cung robusta của châu Âu - loại hạt cần thiết cho cà phê hòa tan - phần lớn đến từ Đông Nam Á, trong đó Việt Nam chiếm gần một phần tư lượng cà phê nhập khẩu của EU, theo Eurostat. Nhưng với kênh đào Suez hiện đang tạm thời đóng cửa, các thương nhân sẽ cần tìm một con đường mới để những hạt cà phê này đến được các cảng cà phê châu Âu như Antwerp, Barcelona và Trieste.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong trường hợp việc giải phóng tàu Ever Given kéo dài, nếu các tàu đi vòng qua Mũi Hảo Vọng (mũi đất ở rìa phía Nam của bán đảo Cape, cách thành phố Cape Town) sẽ khiến hành trình từ châu Á tới châu Âu kéo dài thêm 2 tuần, làm chi phí gia tăng đáng kể.
Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu với kim ngạch 43,7 tỷ USD, và nhập khẩu từ thị trường này 18,5 tỷ USD. 2 tháng đầu năm 2021, con số xuất khẩu là 7,5 tỷ USD, và nhập khẩu 3,1 tỷ USD, tương ứng với tốc độ tăng trưởng 18% và 12%.
"Cùng với tình trạng giá cước tàu biển tăng cao do tác động của dịch COVID-19, sự cố này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực châu Âu. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào tiến độ giải phóng tàu Ever Given nói trên", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá.
Hiện, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập theo dõi sát tiến độ giải phóng tàu Ever Given để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, nếu tình trạng tắc nghẽn tại kênh đào Suez tiếp diễn sẽ ảnh hưởng tới vận tải của toàn thế giới. "Các tàu chở hàng xuất khẩu sang châu Âu và bờ Đông Mỹ đã phải đi vòng qua châu Phi. Việc này sẽ làm tăng giá cước và kéo dài thời gian vận tải thêm đáng kể", đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết.
Công ty Cổ phần dịch vụ Xuân Thịnh, kinh doanh mặt hàng xăng, dầu cho biết, sự cố tại kênh đào Suez làm chậm các đơn hàng dầu từ nhà cung cấp về Việt Nam từ 3-4 ngày nay khiến doanh nghiệp này không có hàng hoá trả cho các đại lý.
Được biết, dự kiến kênh đào sẽ được thông vào đầu tuần tới khi có thuỷ triều lớn.