MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tắc tiền sử dụng đất: “Không một cơ quan nào chịu trách nhiệm, đẩy doanh nghiệp vào thế lòng vòng, không lối thoát”

11-09-2020 - 17:47 PM | Bất động sản

“Nếu có doanh nghiệp sẽ lập tức đóng. Để làm gì? Để đủ điều kiện cấp sổ cho cư dân nhưng không một cơ quan nào chịu trách nhiệm, đẩy doanh nghiệp vào thế lòng vòng, không lối thoát”, lãnh đạo Hưng Thịnh chia sẻ.

Ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, doanh nghiệp hiện có 13 dự án với gần 9.000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng.

Ông Dũng đề cập, tất cả các dự án này đã thực hiện xây dựng đúng theo giấy phép, thẩm duyệt, nghiệm thu đưa vào theo đúng quy định; đã nộp đầy đủ hồ sơ lên Sở TNMT để xem xét cấp sổ, cơ quan kiểm tra liên ngành xác định dự án đủ điều kiện cấp sổ. Nhưng một mấu chốt quan trọng nhất, đó là tắc tiền sử dụng đất, cụ thể là có hay không việc nộp tiền sử dụng đất bổ sung cho các dự án.

"Hệ lụy có lẽ ai cũng biết ảnh hưởng nghiêm trọng tới mức nào với doanh nghiệp khi không thực hiện được việc cấp sổ cho cư dân. Mong ban quản trị, cư dân đồng hành hiểu cho doanh nghiệp cũng là nạn nhân trong vấn đề này. Bởi hệ lụy đó đổ lên doanh nghiệp, chịu sự bội tín với cam kết của mình với khách hàng", ông Dũng nói.

Vị này cho biết, thậm chí có dự án ở quận Thủ Đức là Lavita Garden, doanh nghiệp đề nghị thẩm định từ 2015, sau 4 tờ trình về giá đất lên Hội đồng thẩm định TP vẫn không được thông qua. Cuối cùng, doanh nghiệp đành xin nộp với tờ trình giá đất cao nhất, đã nộp nhưng đến nay vẫn chưa ra quyết định đóng tiền sử dụng đất. Tương tự, dự án Richmond ở quận Bình Thạnh cũng không xác định được giá đất, dù có căn cứ tờ trình của sở, cuối cùng doanh nghiệp xin tạm nộp 50% để có cơ chế tiếp theo thực hiện dự án.

"Như vậy 2 dự án này doanh nghiệp đã nộp tiền sử dụng đất nhưng đến nay vẫn chờ quyết định cuối cùng đưa ra giá trị tiền sử dụng đất phải nộp", ông Dũng cho biết.

Các dự án còn lại của Hưng Thịnh nằm trong trường hợp nộp tiền sử dụng đất bổ sung, do trong quá trình thực hiện dự án phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch kiến trúc (được cơ quan có thẩm quyền cho phép điều chỉnh). Dù doanh nghiệp thực hiện đúng nội dung cho phép, tiền sử dụng đất đã đóng đủ nhưng vì dự án điều chỉnh quy hoạch nên việc có phát sinh bổ sung tiền sử dụng đất bổ sung hay không, đến nay doanh nghiệp bế tắc. Không có cơ quan thẩm quyền nào chịu trách nhiệm để xác định cho doanh nghiệp có phải đóng tiền sử dụng đất bổ sung hay không.

"Nếu có doanh nghiệp sẽ lập tức đóng. Để làm gì? Để đủ điều kiện cấp sổ cho cư dân nhưng không một cơ quan nào chịu trách nhiệm, đẩy doanh nghiệp vào thế lòng vòng, không lối thoát", ông Dũng chia sẻ.

Xác định tiền sử dụng đất bổ sung, nhiều lần doanh nghiệp đề nghị lên cơ quan có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp ký quỹ một khoản tiền với dự án cụ thể để được cấp sổ. Doanh nghiệp đóng ký quỹ, thực hiện nghiêm túc, ưu tiên cấp sổ cho cư dân. Tuy nhiên doanh nghiệp không nhận được câu trả lời được phép hay không. Doanh nghiệp tha thiết đến mức trình bày dự án cụ thể lên Sở TNMT, UBND TP những cũng không được giải quyết.

Theo ông Dũng, thậm chí kể cả dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung mà doanh nghiệp vẫn còn bị "hành".

Cụ thể dự án tại quận Bình Tân, theo Thông tư 76 năm 2014, hướng dẫn Nghị định 45, với trường hợp đã tính và nộp đủ tiền sử dụng đất theo chính sách thu tiền sử dụng đất mà giá đất được xác định không căn cứ vào chỉ tiêu quy hoạch trước 2014. Theo đó, dự án không nằm trong trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất bổ sung, nhưng vẫn không giải quyết cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị đề nghị phải xác định đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính (hỏi Sở Tài chính), Sở Tài chính hỏi Cục thuế, chi cục thuế…

"Tất cả điều đó doanh nghiệp đã làm và tiếp tục nộp hồ sơ ra Sở Tài nguyên Môi trường để xin xác nhận, đề nghị ra văn bản được cấp sổ và sở vẫn hứa hẹn tiếp. Doanh nghiệp mong có hướng xử lý để tháo gỡ", lãnh đạo tập đoàn Hưng Thịnh nêu.

Cái "cớ’ để không giải quyết

Dự án ở quận 12 mà Hưng Thịnh là nhà đầu tư thứ cấp, doanh nghiệp đã hoàn thành tiền sử đất, nhưng trong quá trình xử lý hồ sơ thì sở TNMT làm thất lạc 5 sổ. Doanh nghiệp mong muốn sở lập biên bản về việc này, thực hiện đăng báo, theo đó sở có quyết định hủy 5 sổ và cấp sổ cho cư dân. Nhưng sở lòng vòng không giải quyết, doanh nghiệp phải tự đăng báo và sở không công nhận kết quả đăng báo. Hiện sở hứa ngày 23/9 (tức 30 ngày sau khi đăng báo) sẽ thực hiện ban hành quyết định đủ điều kiện cấp sổ cho cư dân. Phía doanh nghiệp mong sở quan tâm việc này.

Những trường hợp còn lại là tranh chấp nên không cấp sổ. Lãnh đạo Hưng Thịnh nêu, ở đây là các dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đủ điều kiện cấp sổ. Cụ thể, đại diện Hưng Thịnh cho biết là đơn vị giải cứu nhiều dự án khó khăn giai đoạn 2006-2007, ít nhiều gặp vấn đề tranh chấp. Tuy nhiên, tranh chấp có xảy ra giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp hay bên thứ 3 nào đó là một quan hệ khác do tòa án thụ lý.

Hoặc trường hợp dự án chưa hoàn thành xây dựng toàn bộ theo phê duyệt. Theo hướng dẫn của Bộ TNMT ở văn bản 2470, tạo cơ chế cho UBND TP cũng như các tỉnh thành xem xét cấp sổ cho các phần đã nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Nhưng hiện nay, nếu có hạng mục chưa hoàn thành làm "cớ" cho việc không cấp sổ, doanh nghiệp không được giải quyết.

Cụ thể, dự án ở Tân Phú. Thậm chí ban quản trị, cư dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương tha thiết yêu cầu sở ban ngành xem xét cấp sổ cho cư dân vì dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đã được nghiệm thu tầng hầm, từ tầng 3 trở lên, khu công cộng. Những phần tranh chấp có thể nằm ở đó nhưng phần còn lại giải quyết cấp sổ cho cư dân. Nhưng qua nhiều buổi làm việc đến nay doanh nghiệp vẫn không có động thái xem xét giải quyết cho cư dân.

Kiến nghị chính quyền vào cuộc

Ông Dũng cho rằng, tất cả những điều bất cập trên dẫn đến hệ lụy gây tâm lý hoang mang, bức xúc cho cư dân nhà chung cư. Một số cư dân, ban quản trị đã khiếu nại, khiếu kiện lên chủ đầu tư. Thậm chí sắp tới họ sẽ khởi kiện cả cơ quan hành chính, cơ quan thẩm quyền của thành phố nếu như không tiếp tục xem xét tháo gỡ giải quyết. Vì khi ban quản trị, cư dân thấu hiểu, thấy rằng không nằm ở chủ đầu tư.

Việc không cấp sổ cho cư dân còn ảnh hưởng tới vấn đề an ninh trật tự xã hội. Các dự án mỗi lần cư dân bức xúc căng băng rôn là chính quyền, công an phải vào cuộc thuyết phục cư dân để tháo xuống, nan giải cho doanh nghiệp, chính quyền.

Bên cạnh đó là việc doanh nghiệp không thu được 5% giá trị hợp đồng, hay việc cư dân có tài sản nhưng không vay mượn được, họ cần sổ để giao dịch, mua bán, phát triển kinh tế. Nhà nước cũng thất thu ngân sách.

Ông Dũng nêu, các tỉnh thành lân cận chỉ mất 3-4 tháng là hoàn thành thủ tục thẩm định. Vậy tại sao TP.HCM mất 3-5 năm mà chưa hoàn thành được quy trình cho một dự án về đóng tiền sử dụng đất?

"Dù như thế nào thì trách nhiệm vẫn nằm ở cơ quan thẩm quyền xem xét trách nhiệm tháo gỡ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp tha thiết mong các cấp chính quyền vào cuộc", ông Dũng chia sẻ.

Theo đó, lãnh đạo Hưng Thịnh kiến nghị các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm tới các vấn đề tắc nghẽn hiện nay. UBND TP cần có sự cải tổ thủ tục hành chính, ban hành chi tiết khung, cơ chế thẩm định giá, xác định tiền sử dụng đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động thực hiện việc này. Doanh nghiệp nhìn vào có thể thấy được ngay nghĩa vụ của mình, không còn phải chờ đợi lâu dài.

Theo Huyền Trâm

Bizlive

Trở lên trên