Tái cấu trúc thị trường bất động sản
Giới chuyên gia và các doanh nghiệp đều kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ sớm vượt qua khó khăn
- 26-12-2022Phân khúc bất động sản nào đang “ngộp” trên thị trường?
- 26-12-2022Người trong cuộc nói về thời điểm thị trường bất động sản hồi phục
- 25-12-2022Một phân khúc bất động sản đang đi ngược xu hướng bán tháo, cắt lỗ của thị trường
Thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) như Novaland, Phát Đạt, Đầu tư LDG, Nam Long… khi đối mặt với hàng loạt khó khăn về thị trường, vốn, trái phiếu đã chủ động tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy, giảm giá sản phẩm, bán bớt tài sản để mua lại trái phiếu trước hạn… nhằm đưa công ty về trạng thái an toàn nhất có thể. Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn việc này sẽ khiến thị trường BĐS khó tăng mạnh nhưng về dài hạn sẽ giúp thị trường lành mạnh, ổn định hơn nhiều.
Sẽ sớm thoát khỏi suy thoái
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Khôi nhận định chưa bao giờ thị trường BĐS Việt Nam gặp khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, việc các DN đã chủ động vượt khó, tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy, điều chỉnh chiến lược, hướng mục tiêu vào phân khúc có nhu cầu thực của người dân… đã mang tới kỳ vọng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, phân khúc BĐS công nghiệp vẫn là một điểm sáng, tạo niềm tin và sự tăng trưởng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Đặc biệt, với sự quyết liệt, kịp thời của Thủ tướng Chính phủ thông qua việc ban hành Quyết định số 1435/QĐ-TTg thành lập tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường và triển khai thực hiện dự án BĐS cho địa phương, DN, Công điện 1164/CĐ-TTg tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở…, chắc chắn thời gian sớm nhất thị trường sẽ tạo ra những thay đổi căn bản để phục hồi và phát triển.
Giới kinh doanh nhận định thị trường bất động sản sẽ vượt qua khó khăn vào đầu năm 2023 và bắt đầu hồi phục vào cuối năm Ảnh: TẤN THẠNH
Tuy vậy, theo ông Khôi, triển vọng thị trường BĐS trong năm 2023 phụ thuộc vào sự quyết liệt và tính năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành và chính quyền các địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường phục hồi và phát triển lành mạnh.
Hiệp hội BĐS Việt Nam dự báo quý I/2023, thị trường sẽ thoát khỏi tình trạng suy thoái nhưng vẫn còn trầm lắng, do trùng vào thời điểm Tết Nguyên đán 2023. Nguồn cung thị trường vẫn hạn chế do quá trình chuẩn bị và triển khai các thủ tục pháp lý dự án cần thêm thời gian.
Bước sang quý II, quý III/2023, thị trường BĐS sẽ dần phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý; triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan cùng với đà tăng trưởng của các hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dùng; sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; sự đa dạng của các nguồn lực tài chính...; cùng với việc các vướng mắc trên dần được tháo gỡ.
Vẫn là thị trường tiềm năng
Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng "ánh sáng" của thị trường và các DN BĐS có thể xuất hiện vào cuối năm 2023. Còn trước mắt, thị trường có sớm ổn định hay không phụ thuộc vào việc sớm xử lý các yếu tố quan trọng về vướng mắc pháp lý của dự án, dòng tiền, tái cấu trúc của DN. "Năm 2023, đầu tư công sẽ được đẩy mạnh, đó là chất xúc tác quan trọng cho thị trường BĐS sớm hồi phục. Đầu tư công có thể không đạt kế hoạch 700.000 tỉ đồng nhưng chắc chắn sẽ nhanh hơn năm nay vì chúng ta có dự án rồi, có kế hoạch rồi, quan trọng là chúng ta dám làm, bộ máy dám hoạt động" - chuyên gia này đặt vấn đề.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực, trong bối cảnh khó khăn, DN BĐS cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận chương trình phục hồi, nhất là các chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, chung cư cũ... Đồng thời, phải có phương án cụ thể, khả thi đối với trái phiếu DN đáo hạn 2023-2024; đa dạng hóa nguồn vốn (tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư…).
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group, cho rằng thị trường BĐS đang tạm lắng và có thể phải tới sau nửa năm 2023 mới khởi sắc trở lại. Nhưng xét tổng thể, BĐS vẫn là thị trường rất tiềm năng.
"Dù thị trường có gặp khó khăn thì việc đầu tư cho lĩnh vực xây dựng, BĐS cũng không thể dừng lại. Vì BĐS có vị thế cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, là yếu tố then chốt cho sự phát triển của xã hội và động lực cho nhiều ngành khác. Chính vì vậy, Chính phủ đã có các cuộc họp với những chỉ đạo sâu sát, để có sự điều tiết phù hợp, tránh sự đổ vỡ cho thị trường này. Với tư cách là chủ đầu tư, người kinh doanh BĐS nhiều năm, tôi cho rằng đây chỉ là đợt điều chỉnh nhỏ của thị trường địa ốc. Sự thay đổi về cơ cấu, giá thành sản phẩm sẽ đưa đến giá trị gần gũi hơn đối với người tiêu dùng, là cơ hội tốt cho sự phát triển bền vững của thị trường BĐS Việt Nam trong thời gian tới, cụ thể là từ 5-10 năm tới chứ không chỉ năm 2023" - ông Phạm Thanh Hưng nhấn mạnh.
Người lao động