MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Bẫy” trả góp tiêu dùng

30-07-2013 - 13:58 PM | Tài chính - ngân hàng

Với một bộ hồ sơ đơn giản, vài cuộc điện thoại thẩm định, người có nhu cầu mua hàng trả góp sẽ được giải quyết nhanh chóng. Tuy nhiên, để thỏa mãn nhu cầu, họ phải “gánh” lãi suất cho vay hơn 30%/năm.

Điều gì khiến người tiêu dùng (NTD) phải chịu một giá mua “cắt cổ” đến như vậy?

LÃI SUẤT CHO VAY “KHỦNG”!

Thời kinh tế suy giảm, bán hàng trả góp được xem như là một phương thức hữu hiệu để giải phóng hàng tồn kho, thu hồi vốn của các nhà sản xuất. Để thực hiện được điều này, mối liên kết giữa các Cty tài chính, ngân hàng, đơn vị bán hàng và NTD đã hình thành và hoạt động trong suốt một thời gian dài. Không yêu cầu tài sản thế chấp, thẩm định khả năng trả nợ nên phương thức cho vay trả góp của một số Cty tài chính tại Đà Nẵng đã thu hút khá nhiều khách hàng tiêu dùng, đặc biệt là nhu cầu mua xe máy và một số hàng hóa thiết yếu khác.

Trong vai một khách hàng, chúng tôi đến một cửa hàng xe máy T.T trên đường P.C.T (Đà Nẵng), nhân viên giới thiệu phương thức trả góp của một ngân hàng M. (có trụ sở trên đường L.D). Trường hợp mua xe SH (125) giá 69,2 triệu đồng (bao biển), nếu trả trước 29,2 triệu đồng, khách hàng phải trả đều mỗi tháng là 2,46 triệu đồng trong 24 tháng. Nếu như vậy, với số vốn bỏ ra thấp, chỉ cần CMND và hộ khẩu, chấp nhận trả góp, NTD có thể sở hữu một tài sản như ý. Thế nhưng, khi tính lại, tổng lãi phải trả trong 24 tháng sau khi trừ nợ gốc 40 triệu là 19,04 triệu đồng, tương đương mức LS 23,8%/năm.

Người tiêu dùng phải cẩn thận với lãi suất trả góp tiêu dùng.

Quá “hãi” với LS cao chót vót, một vài khách hàng tìm đến Cty TNHH MTV tài chính V (cũng trên đường P.C.T). Cty này được xem là đơn vị đã từng tài trợ cho khách hàng trong một thời gian dài khoảng 5 năm. Tại đây, nếu với số vốn trả trước ban đầu là 25,1 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 30% cho nhu cầu 1 chiếc SH như trên, NTD phải trả 3,676 triệu đồng/tháng trong suốt 18 tháng. Điều này có nghĩa, trong khoảng thời gian đó, khách hàng trả tổng cộng là 66,168 triệu đồng (trong đó, gốc 44,1 triệu đồng, lãi 22,068 triệu đồng). Hay nói cách khác, LS cho vay của Cty này lên đến 33,36%/năm!

Cạnh tranh không kém, tại cửa hàng xe máy H.N trên đường Hoàng Diệu, một nhân viên (cộng tác viên) của NHTM V. có trụ sở tại đường P.C.T cho biết, với 30 triệu đồng, khách hàng mua xe máy (giá trị 70 triệu đồng) sẽ trả góp 2,685 triệu đồng trong vòng 24 tháng. Điều này đồng nghĩa, khách phải trả lãi tới 24,44 triệu đồng trên số vốn gốc là 40 triệu đồng. Tính sơ bộ, LS cho vay trả góp của NH này lên đến 30,55%/năm.

CÁC CTY TÀI CHÍNH NÓI GÌ?

Thật ra, cho dù LS cao ngất ngưởng trên dưới 30%/năm, các Cty tài chính không hề bị điều chỉnh bởi các văn bản pháp lý hiện hành của NHNN. Nếu tuân theo Bộ luật Dân sự, rõ ràng đây chỉ là sự thỏa thuận giữa bên cho vay và người đi vay. Nhằm khỏa lấp cho LS vay “đắt đỏ”, một nhân viên của một Cty tài chính ngụy biện: “Anh thấy đấy! Thủ tục của tụi em đơn giản, chỉ cần CMND, hộ khẩu và hóa đơn tiền điện (hoặc nước, điện thoại), nếu là công nhân viên cần có hợp đồng lao động, bảng lương, thời gian xét duyệt nhanh trong vòng 30 phút, không như bên NH vừa phức tạp, vừa lâu...”.

Lý giải cho cách làm này, lãnh đạo của một Cty tài chính cho biết, họ phải áp dụng LS cao vì chi phí huy động vốn rất lớn. Khác với NHTM khác, những Cty này không được huy động LS 7-8% từ dân cư, họ phải vay lại từ các NH trong và ngoài nước. Chi phí “đầu vào” nhiều khi lên trên 20%/năm, để có lãi, họ buộc phải áp dụng LS trên mức này. Là đơn vị chuyên cho vay tiêu dùng, với khoản vay không lớn (20-40 triệu đồng), hồ sơ đơn giản, không có bảo đảm tài sản nên các Cty tài chính gặp rất nhiều rủi ro. Nguy cơ mất vốn, mạng lưới rộng lớn, đội ngũ thu hồi nợ khá cồng kềnh đã khiến cho LS cho vay của các điểm giao dịch này vượt nhiều lần so với mặt bằng LS của các NHTM trên địa bàn.

Và như thế, do cần tiền gấp, ngại đến NH, nhiều người dân, hộ kinh doanh nhỏ đã tìm đến dịch vụ cho vay tiêu dùng của các Cty bảo hiểm, tài chính… để mua sắm hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, họ đã không quan tâm đến yếu tố LS khi các Cty này đã khéo chia đều tổng số tiền phải trả cho phù hợp với túi tiền NTD trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, cách đơn giản hóa thủ tục ban đầu, hàng hóa trao liền tay đã khiến cho nhiều khách hàng “dính bẫy” LS cao.

CẦN SỰ GIÁM SÁT CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ

Sự hài hòa quyền lợi của mối quan hệ giữa NTD - nhà sản xuất - người bán hàng - Cty tài chính là động lực phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, việc các Cty tài chính (hoặc một số NHTM) áp dụng mức LS “ngất ngưởng” trong mua hàng trả góp như hiện nay là không thể chấp nhận được.

Ông Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính ngân hàng) cho rằng, LS này không thể chấp nhận được. Đành rằng vay tài chính tiêu dùng không thể thấp như cho vay sản xuất, nhưng không phải vì thế mà được phép tính quá cao. Có nhiều lý do để thấy rằng các Cty tài chính có nhiều cơ hội lợi nhuận. Thứ nhất, khoản vay tín chấp của người dân ở đây rất nhỏ (dưới 50 triệu đồng), mục đích tiêu dùng rõ ràng (vốn vay được chuyển khoản trực tiếp đến đơn vị bán hàng) nên rủi ro rất thấp. Thứ hai, khi bán được hàng, nơi bán sẽ có hoa hồng cho Cty tài chính. Do vậy, trong bối cảnh LS như hiện nay, mức lãi trên 30%/năm là quá cao đối với thu nhập của người dân.

Về phía người vay trả góp khi mua hàng hóa nên cảnh giác với những hợp đồng đầy những thông tin về LS và kỳ hạn trả nợ. Cần hiểu rõ, lãi phải trả trong một chu kỳ vay vốn được tính một lần rồi chia đều cộng với gốc phải trả cho từng tháng. Chính điều này đã dẫn đến LS khá cao so với phương thức trả lãi trên dư nợ gốc giảm dần như các NHTM đã từng làm. Dựa trên quy luật, lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn, các Cty tài chính đã không tuân theo quy trình cho vay của bất kỳ một NHTM nào.

Hơn lúc nào hết, các cơ quan quản lý, đặc biệt là NHNN cần có một chế tài riêng nhằm điều chỉnh các hoạt động tín dụng trả góp của các đơn vị tham gia.


Theo Văn Khoa

hangnt

Công an Đà Nẵng

Trở lên trên