MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cẩn thận khi khách hàng cùng rút và gửi tiền

03-12-2013 - 20:21 PM | Tài chính - ngân hàng

Công nghệ càng hiện đại, các dạng tội phạm càng tinh vi. Với nghề ngân hàng, bên cạnh tuân thủ quy trình nghiệp vụ để hạn chế rủi ro tác nghiệp thì kinh nghiệm, trình độ chuyên môn càng phải được đặt lên hàng đầu.

Cách đây không lâu, bà Đoàn Thị C. có đến một chi nhánh của NHTMCP Nhà nước tại quận 3 – TP. Hồ Chí Minh làm thủ tục báo mất một sổ tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng số tiền 80.970.167 đồng. Lúc này kiểm tra tiền trong sổ tiết kiệm vẫn còn nguyên và khi giao dịch viên định phong tỏa sổ tiết kiệm trên thì bà yêu cầu đợi thêm một lúc để người nhà tìm lại một lần nữa.

Trong lúc này, một người khác cầm sổ tiết kiệm này đến phòng giao dịch cùng hệ thống ở Thủ Đức tất toán sổ tiết kiệm trên được 81.271.556 đồng và gửi lại số tiền 40.970.000 đồng. Do thấy khách hàng vừa rút tiết kiệm vừa gửi lại đồng thời, nhân viên giao dịch và cả lãnh đạo phòng không kiểm tra chữ ký, chứng minh nhân dân dù số tiền gửi lại ít hơn số tiền rút đến 40.301.556 đồng.

Và khi chi nhánh ngân hàng (tại quận 3, TP. Hồ Chí Minh) thực hiện phong tỏa thì phát hiện sổ tiết kiệm trên vừa bị tất toán.

Công nghệ càng hiện đại, các dạng tội phạm càng tinh vi. Trước tình trạng các ngân hàng ở thành phố, đô thị mọc nhiều như nấm, nhân sự bất cập, non yếu nghiệp vụ – việc nhiều thành phần thiếu lương thiện đã đóng vai khách hàng chỉ cần điều nghiên, lên kế hoạch là có thể lợi dụng sơ hở của ngân hàng để lừa đảo cũng không ít và có một số trường hợp, kẻ lừa đảo đã thành công.

Từ thực tế trên, một vấn đề đặt ra là bất kỳ ngành nghề nào cũng đòi hỏi cán bộ nghiệp vụ phải có trình độ chuyên môn vững, có bề dày kinh nghiệm để làm tốt công việc được giao. Với nghề ngân hàng, bên cạnh việc tuân thủ quy trình nghiệp vụ để hạn chế rủi ro tác nghiệp, thì kinh nghiệm và trình độ chuyên môn càng phải được đặt lên hàng đầu. Có như vậy mới có thể xử lý tốt, kịp thời khi có dấu hiệu lừa đảo.

Cụ thể, có một nhóm đối tượng lợi dụng hình thức gửi tiết kiệm một nơi rút nhiều nơi để thực hiện phạm tội. Nhóm đối tượng này thường có sẵn một số tiền kha khá để gửi tiết kiệm ở những ngân hàng có thể giao dịch online “gửi một nơi nhưng rút được nhiều nơi”.

Sau đó, chúng đi điều nghiên để chọn chi nhánh hay phòng giao dịch ngân hàng nào có sơ hở, độ “rủi ro tác nghiệp” cao, như thời điểm đông khách, nhân viên ít và là những người trẻ tuổi, mới vào nghề, làm việc thiếu tập trung (trả lời điện thoại nhiều, phải tiếp nhiều khách cùng một lúc… nhằm đảm bảo việc thực hiện hành vi lừa đảo được trót lọt.

Hay chúng nhằm vào tâm lý của nhân viên ngân hàng thường mất cảnh giác với khách hàng vừa rút tiền, rồi gửi lại ngay. Bởi sẽ ít ai nghĩ kẻ gian rút được tiền rồi còn gửi lại, nên cán bộ nhân viên ngân hàng thường thiếu cảnh giác trong việc đối chiếu giấy tờ chứng minh nhân thân, chữ ký… so với những khách hàng rút tiền bình thường khác.

Bên cạnh đó, áp lực về chỉ tiêu huy động đã phần nào khiến cán bộ, nhân viên ngân hàng luôn cố gắng “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” mà chiều chuộng theo các yêu cầu khách hàng. Đây cũng là một yếu tố cho kẻ gian lợi dụng vờ nói quên mang giấy tờ tùy thân hay chữ ký không giống cũng dễ dàng được du di, cho qua, nhất là đối với khách hàng quen.

Từ những kẽ hở trên, vô hình trung đã tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo ngân hàng thực hiện tội phạm. Bởi vậy, trong môi trường kinh doanh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, các ngân hàng luôn xây dựng cho mình phong cách phục vụ tốt nhất, chất lượng cao nhất, đôi khi cũng là miếng mồi cho những đối tượng xấu gây án như trường hợp kể trên.

Thiết nghĩ, mỗi ngân hàng khi gặp phải rủi ro lừa đảo, cũng nên chia sẻ thông tin cho các ngân hàng bạn để cảnh giác, tránh bị lập lại rủi ro như ngân hàng mình.

Theo Đỗ Thị Huỳnh Hoa

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên