MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ không áp đặt quốc hữu hóa để lấy tài sản tư nhân đưa vào Nhà nước

29-08-2013 - 10:31 AM | Tài chính - ngân hàng

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém được thực hiện thông qua các giải pháp như sáp nhập, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện hoặc cơ cấu lại cổ đông lớn.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 28/8/2013, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng.

Truyền đạt lại nội dung phiên họp Chính phủ trước đó, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đánh giá: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, lãi suất giảm, tăng trưởng tín dụng có chuyển biến tốt. Theo số liệu của Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN, đến ngày 22/8/2013, tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng 5,6% so với cuối năm 2012, mức tăng trưởng này đạt khoảng 46% so với chỉ tiêu định hướng 12% trong năm 2013.

Chính phủ chỉ đạo thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bảo đảm tăng trưởng cả năm đạt 12%, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Điều hành lãi suất phù hợp với tình hình lạm phát, bảo đảm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, tiếp tục quản lý tốt thị trường vàng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém được thực hiện thông qua các giải pháp như sáp nhập, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện hoặc cơ cấu lại cổ đông lớn, đảm bảo các cổ đông có đủ năng lực tài chính, để đưa thêm vốn vào xử lý các tổn thất theo yêu cầu tái cơ cấu, có kinh nghiệm chuyên môn đáp ứng yêu cầu quản trị, điều hành ngân hàng.

 “Việc tái cơ cấu ngân hàng nhằm củng cố hệ thống ngân hàng không để đổ vỡ hệ thống, nhưng Chính phủ không có những biện pháp áp đặt quốc hữu hóa để lấy tài sản tư nhân đưa vào Nhà nước”, Bộ trưởng khẳng định.

Thực tế, để triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) theo Quyết định 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở các quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 01/8/2013 về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt (Quyết định 48). 

Quyết định 48 có hiệu lực thi hành từ ngày 20/9/2013. Quyết định này tạo lập cơ sở pháp lý để Ngân hàng Nhà nước triển khai thêm biện pháp tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có quyền trực tiếp hoặc chỉ định tổ chức tín dụng khác tham gia góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Mục tiêu của việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc là tái cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, giúp tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt hoạt động bình thường trở lại.

Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng liệu có hay không việc Chính phủ sẽ tung ra gói kích cầu có giá trị lớn trong thời gian tới để kích thích nền kinh tế, ông Vũ Đức Đam cho biết, quan điểm của Chính phủ trong năm nay và trong thời gian tới vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội.“Tôi khẳng định, Chính phủ kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, sẽ không có gói kích cầu lớn nào đó như dư luận thông tin và hiện nay Chính phủ cũng chưa bàn đến chủ trương đó”, Bộ trưởng Đam nói.

Theo Kim Chi

hangnt

NHNN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên