MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện gì xảy ra ở MHBS trước khi 2 lãnh đạo ngân hàng MHB bị khởi tố?

03-02-2016 - 08:31 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngay sau khi thành lập, MHBS đã huy động hàng trăm tỷ đồng để "tài trợ" cho khách hàng trong hoạt động chứng khoán, dẫn đến tình trạng bị âm vốn chủ sở hữu 171 tỷ đồng.

Vụ án mới nhất trong ngành ngân hàng liên quan đến các lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB), trước khi được sáp nhập vào BIDV hồi tháng 5/2015.

Ông Huỳnh Nam Dũng, ông Nguyễn Phước Hòa và một số cán bộ khác bị khởi tố nhằm phục vụ công tác điều tra các sai phạm liên quan đến hoạt động của Công ty chứng khoán Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng Sông Cửu Long (MHBS) – một công ty con của MHB.

Điều gì đã xảy ra ở công ty chứng khoán này ?

MHBS là một công ty chứng khoán nhỏ trên thị trường, được thành lập từ cuối năm 2006 với số vốn 60 tỷ đồng.

Ngay sau đó, trong báo cáo tài chính năm 2007, công ty này đã ghi nhận khoản nợ ngắn hạn hơn 400 tỷ đồng. Số tiền này khi đó được dùng để đầu tư tài chính, gửi ngân hàng và tài trợ các khoản phải thu.

Trong các năm sau đó, MHBS liên tục duy trì các nguồn vốn vay lên tới hàng trăm tỷ đồng bằng việc phát hành trái phiếu hoặc các hình thức ký quỹ/ đặt cọc mua trái phiếu của ngân hàng khác.


(Số dư các nguồn vốn của MHBS từ năm 2010 đến nay)

(Số dư các nguồn vốn của MHBS từ năm 2010 đến nay)

Nhưng MHBS không được phép thực hiện dịch vụ giao dịch ký quỹ (trực tiếp cho khách hàng vay tiền để mua chứng khoán theo tỷ lệ được quy định). Do đó nguồn vốn huy động được MHBS đã sử dụng vào các mục đích đầu tư tài chính và hợp tác/ hỗ trợ đầu tư với khách hàng.

Từ năm 2011 đến nay, tổng các khoản hợp tác/hỗ trợ của MHBS cho khách hàng duy trì ở mức hơn 140 tỷ đồng.

Trong khi đó, khoản đầu tư tài chính giảm dần từ 145 tỷ đồng về mức 75 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong nhiều năm qua, MHBS liên tục duy trì khoản phải thu gần 300 tỷ đồng về hoạt động giao dịch chứng khoán nhưng công ty này không hề có khoản phải trả tương ứng. Điều này không loại trừ khả năng MHBS đã phải dùng vốn vay để “tài trợ” cho việc mua cổ phiếu của khách hàng.

Trong 9 tháng đầu năm 2015, sau khi ngân hàng mẹ MHB về với BIDV, MHBS đã phải trích lập gần 240 tỷ đồng chi phí dự phòng phải thu khó đòi. Kết quả là công ty lỗ kỷ lục 258 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm và ghi nhận âm vốn chủ sở hữu 171 tỷ đồng.

 

Chiều 29/1, theo nguồn tin của Infonet, Bộ Công an đã ra tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành bắt tạm giam đối với ba người là cựu lãnh đạo của MHB và MHBS để điều tra về hành vi vi cố ý làm trái và lạm dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Vụ án liên quan đến các sai phạm xảy ra tại công ty MHBS (trụ sở trên đường Hai Bà Trưng, Phường 6, Quận 3, TP.HCM).

Ba người bị khởi tố, bắt giam là ông Huỳnh Nam Dũng (SN 1956) – nguyên chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Phước Hòa (SN 1956)– nguyên Tổng giám đốc ngân hàng MHB và bà Lữ Thị Thanh Bình – Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty MHBS.

Liên quan đến vụ việc, nguồn tin cho hay có 6 cán bộ của công ty MHBS cũng đã được cơ quan điều tra mời làm việc. Thời điểm khởi tố, bắt giam cũng như khám xét nơi ở, nơi làm việc của các bị can được xác định vào ngày 15/1 vừa qua.

Theo thông tin ban đầu, vào tháng 6/2015 công ty MHBS đã bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước đình chỉ các hoạt động như tư vấn đầu tư chứng khoán, môi giới chứng khoán, lưu ký chứng khoán và tự doanh chứng khoán. Nguyên nhân được biết do công ty MHBS không đáp ứng được các điều kiện về chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định.

(Theo Infonet)

 

 

An Huy

Theo Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên