'Có thể tự do hóa lãi suất từ tháng 6'
Các chuyên gia cho rằng, hiện nay không cần thiết phải mở rộng diện áp trần lãi vay bởi biện pháp này không thực sự hiệu quả, thậm chí có thể tự do hóa lãi suất từ đầu tháng 6.
Tổng giám đốc một ngân hàng lớn tại TP HCM cho biết, hiện nay nhà băng ông không những cho vay với lãi suất 15% mỗi năm dành cho những đối tượng theo quy định mà còn mời mức 13-14% đối với khách hàng tốt. "Tuy nhiên, chúng tôi rất khó tìm được khách hàng nào đủ điều kiện để giải ngân", ông nói.
Bởi theo ông, những doanh nghiệp có dự án kinh doanh khả thi, lúc này họ không muốn sử dụng vốn vay ngân hàng, do đầu ra của sản phẩm còn hạn chế. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tìm đến nhà băng để được vay vốn, song lại không đủ điều kiện. "Nếu chúng tôi trao vốn cho những doanh nghiệp này chắc chắn sẽ phát sinh thêm nợ xấu", ông cho biết.
Hiện nay, bên cạnh áp trần 15% một năm cho 4 đối tượng khách hàng theo quy định, các ngân hàng lớn như ACB, Eximbank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank… còn điều chỉnh lãi vay đối với doanh nghiệp ưu tiên, thậm chí với khách hàng tốt lãi suất cũng dưới 15% một năm.Thế nhưng, trên thực tế, các nhà băng cho biết tăng trưởng tín dụng của hầu hết ngân hàng đều âm trong 4 tháng đầu năm. Eximbank đến cuối tháng 4 dư nợ âm đến 5%. Trong khi Vietinbank tăng trưởng tín dụng quý một âm 2,6%, HDBank âm đến 5%....Còn theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố tính đến 30/4 âm 0,64% so với cuối năm 2011.
PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, để khơi thông được dòng vốn, cần kết hợp tất cả các giải pháp như: giảm lãi suất, kích cầu, thắt chặt tài khóa…, chứ không chỉ riêng giảm lãi vay.
Theo Tiến sĩ Ngân, hiện nay không cần thiết phải mở rộng phạm vi áp dụng trần lãi suất. Đồng thời, đến tháng 6 năm nay có thể cho tự do hóa lãi suất sau khi Ngân hàng Nhà nước giải quyết xong 9 nhà băng yếu kém và xử lý nợ xấu của ngành.
Để lý giải thêm nhận định này, ông Ngân cho rằng, trong tháng 5 này có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn tất việc hợp nhất sáp nhập và xử lý triệt để các ngân hàng yếu kém nên không ngại tình trạng chạy đua huy động vốn. Ngoài ra, hiện vốn khả dụng của các ngân hàng lớn đang dư thừa khá nhiều (đang cạnh tranh trên thị trường liên ngân hàng cho vay với lãi suất thậm chí chỉ 3-4%) nhưng rất khó để cho vay ra nền kinh tế do không tìm được khách hàng tốt.
Song song đó, theo ông Ngân, việc quy định trần hiện nay vô tình làm khó cả ngân hàng và khách hàng. Vì để xác định được doanh nghiệp thuộc 4 nhóm ngành ưu tiên cũng không dễ. Bởi có những doanh nghiệp kinh doanh cùng lúc nhiều nhóm ngành vừa sản xuất hàng thiết yếu, vừa kinh doanh bất động sản,....Chưa kể, việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu áp dụng chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay tối đa 3% cho tất cả ngân hàng, tất cả loại hình vay, mọi loại rủi ro khác nhau là chưa thực sự phù hợp.
Vì vậy, theo ông Ngân, tới đầu tháng 6 này, Ngân hàng Nhà nước có thể bỏ trần cả hai đầu huy động và cho vay. Nếu doanh nghiệp nào có sổ sách rõ ràng, hoạt động hiệu quả, niêm yết trên sở giao dịch... thì tất nhiên sẽ được cho vay lãi suất thấp. Trường hợp là doanh nghiệp yếu nhưng có khả năng phát triển thì phải được bảo lãnh (thông qua các quỹ bảo lãnh doanh nghiệp). Còn nếu đơn vị nào quá yếu đành phải chịu sự đào thải. "Không nên ép ngân hàng cho vay bằng mọi giá, vì sự đỗ vỡ của ngân hàng còn lớn hơn sự đỗ vỡ của các tổ chức kinh tế khác", ông Ngân nhấn mạnh.
Tiến sĩ Ngân cũng tỏ ra không quá bi quan với con số tăng trưởng tín dụng âm trong 4 tháng đầu năm. Bởi theo ông, có thể do cuối năm các ngân hàng đã 'thổi phồng' con số dư nợ tín dụng lên để tạo room cho vay mới trong năm nay nhằm làm đẹp sổ sách. "Do đó, lấy dư nợ của tháng này so với cuối năm sẽ thấy bị âm nhưng có thể trên thực tế tín dụng có tăng theo từng tháng", ông Ngân nhận định.
Bản thân giám đốc một doanh nghiệp sản xuất nhựa tại quận Tân Bình, TP HCM cũng chia sẻ, các khoản cho vay lãi suất thấp thì càng phải khắt khe về điều kiện. "Vì vậy, áp trần 15% thực chất là cho doanh nghiệp lớn, mạnh khỏe, còn doanh nghiệp đã yếu rồi thì lãi suất cao ngân hàng cũng chưa muốn cho vay, nên mức thấp thì họ càng khó mà tiếp cận được", ông bộc bạch.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại TP HCM cũng cho rằng, vấn đề lớn nhất, khó giải quyết nhất hiện nay, chính là lòng tin. "Do đó, nếu khống chế trần lãi suất mà ngân hàng không tin tưởng doanh nghiệp thì cũng không thể đẩy mạnh tín dụng", ông nói.
Tuy nhiên, trong một luồng ý kiến khác, một số chuyên
gia cho rằng, với bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, đôi khi vẫn
cần đến biện pháp hành chính để gỡ khó cho doanh nghiệp. Và nếu trần lãi
suất cho vay được mở rộng, như vậy sẽ tiếp tục tạo điều kiện để giảm
bớt áp lực chi phí đối với các đối tượng vay vốn nói chung. Và nếu theo
định hướng của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động đến cuối năm nay dự
kiến sẽ giảm về khoảng 9% - 10%, khi đó, lãi vay chỉ còn khoảng 13-14%
một năm.
Theo Lệ Chi
Vnexpress