MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cố tình giấu nợ xấu, ngân hàng sẽ “lãnh đủ”

06-06-2013 - 07:17 AM | Tài chính - ngân hàng

TCTD cố tình giấu nợ xấu có thể bị thanh tra, bị kiểm soát, bị hạn chế mở rộng phạm vi, quy mô, đình chỉ một số hoạt động, hạn chế chia cổ tức, chuyển nhượng cổ phần...

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và Đề án thành lập công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).

Theo đó, tại cả hai đề án, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều giữ vai trò chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp để đạt được mục tiêu xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.

NHNN còn có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, thanh tra, giám sát và kiểm tra các TCTD và công ty quản lý tài sản của các TCTD trong việc chấp hành quy định về xử lý nợ xấu cũng như mục tiêu, giải pháp tại các đề án.

Đặc biệt riêng với các TCTD cố tình che giấu nợ xấu, không thực hiện nghiêm túc các giải pháp đã được Thủ tướng phê duyệt và các chỉ đạo của NHNN trong quá trình xử lý nợ xấu, đề án cho phép NHNN thanh tra toàn diện và/hoặc yêu cầu kiểm toán bắt buộc theo nội dung mà NHNN yêu cầu.

NHNN cũng có thể hạn chế việc mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động; hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động của ngân hàng; hạn chế chia cổ tức, chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng tài sản.

Ngoài ra, NHNN cũng có thể áp dụng một hoặc một số tỷ lệ an toàn cao hơn mức quy định; yêu cầu TCTD đó phải tăng vốn điều lệ để đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an toàn trong hệ thống ngân hàng.

NHNN cũng có thể quyết định giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD trong những trường hợp cần thiết bảo đảm an toàn cho bản thân TCTD đó và toàn hệ thống. Nếu cần thiết thì áp dụng các biện pháp, chế tài quản lý, giám sát nếu cần thiết, bên cạnh các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

Theo lãnh đạo một NHTMCP có trụ sở tại Hà Nội, với quy định mới này, các TCTD sẽ không thể làm đẹp sổ sách như trước đây và con số nợ xấu thực sự của không ít nhà băng theo đó cũng tăng lên đáng kể.

Vị này cho rằng, các ngân hàng chắc chắn sẽ tuân thủ quy định, bởi lẽ khi bị thanh tra hay rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, TCTD không thể làm được gì ngoài sự tồn tại “vật vờ” cùng với khả năng kinh doanh thua lỗ gần như chắc chắn. “Chúng ta sẽ thấy các con số nợ xấu của một số nhà băng không đẹp như thời gian qua”, ông nhấn mạnh.

Còn theo một chuyên gia có trên 20 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính ngân hàng, quy định này rất nghiêm ngặt nhưng đó là cần thiết trong quá trình xử lý nợ xấu. Các biện pháp mà NHNN được sử dụng đối với các trường hợp cố tình giấu nợ xấu như trên là cơ sở để xác định được nợ xấu thực là bao nhiêu và từ đó có cơ chế xử lý phù hợp.

Tại buổi thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 của Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ Năm hôm 30/5 vừa qua, nhiều đại biểu băn khoăn về số liệu nợ xấu của nền kinh tế bởi hiện có quá nhiều con số.

Cụ thể, hồi cuối năm 2012, NHNN cho biết nợ xấu là khoảng 10% trên tổng dư nợ, trong khi Thanh tra NHNN lại đưa ra con số 8,6%. Trong báo cáo kỳ họp lần này, tỷ lệ nợ xấu là 7,8% trong khi cùng thời gian UBGSTCQG đưa ra con số lên tới 11,8%. Tháng 3/2013, NHNN lại công bố một số liệu khác về nợ xấu là 6%.


Nguyễn Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên