MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công nhân rủ nhau xếp hàng chờ rút tiền, ngân hàng toát mô hôi lo tiếp quỹ

19-01-2016 - 18:04 PM | Tài chính - ngân hàng

Đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng tại sao vẫn liên tục tái diễn tình trạng công nhân xếp hàng dài chờ rút tiền ở cây ATM tại các khu công nghiệp?

Qua tìm hiểu thực tế tại hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, nơi có nhiều khu công nghiệp, cho thấy vẫn còn tình trạng công nhân xếp hàng chờ rút tiền ở cây ATM nhưng không còn hàng dài rồng rắn như trước đây.

Nguyên nhân là do số lượng công nhân lớn nhưng số lượng máy ATM lại thấp, chỉ tập trung tại khu công nghiệp còn các nơi khác thì hầu như không có.

Ví như toàn tỉnh Bắc Giang có 136 máy ATM nhưng số thẻ lên lại lên tới 600.000 thẻ. Còn ở Bắc Ninh có hơn 200 máy ATM nhưng số lượng công nhân lên tới 20.000 công nhân chủ yếu tập trung ở 4 khu công nghiệp lớn Yêu Phong, Quế Võ 1, Quế Võ 2, Yên Sơn.

Quan trọng hơn, công nhân ở đây còn nặng tâm lý tiêu tiền mặt mà bỏ qua phương thức thanh toán hiện đại qua thẻ.

Doanh nghiệp rủ nhau đổ lương, nhân công rủ nhau rút tiền

Ông Thân Văn Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Bắc Giang, nhận định tâm lý của công nhân ở đây chủ yếu là thanh toán bằng tiền mặt. Cho nên cứ khi ngân hàng mang tiền mặt đến bỏ vào cây ATM thì người dân lại đến cây ATM rút ra đem về tiêu chứ không thanh toán qua thẻ.

“Thực tế đây vẫn là thanh toán bằng tiền mặt, chỉ chuyển đổi hình thức nhận tiền. Trước đây thủ quỹ của công ty đến ngân hàng rút tiền về phát lương cho nhân viên, thì nay họ đem thẻ ra ATM rút tiền cất vào ví”, ông Minh bình luận.

Ông Minh thừa nhận có lúc cao điểm thì không tránh khỏi tình trạng công nhân phải xếp hàng chờ rút tiền. “NHNN chi nhánh Bắc Giang cũng đã chỉ đạo các ngân hàng túc trực tiếp quỹ cho máy ATM hoạt động thông suốt 24/24, nhưng vào lúc cao điểm thì không ngân hàng cũng tiếp không kịp vì số lượng công nhân lên đến hàng nghìn”, ông Minh phân trần.

Đồng tình với quan điểm này, bà Đào Thị Phượng, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Bắc Ninh, thừa nhận ở Bắc Ninh có nhiều doanh nghiệp lớn nên tình trạng công nhân xếp hàng dài để rút tiền là khó tránh. Tuy nhiên, NHNN chi nhánh Bắc Ninh đã chỉ đạo các ngân hàng triển khai những biện pháp để cải thiện phần nào tình hình này.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Lý, Phó giám đốc Chi nhánh Bắc Ninh Vietcombank, cho biết số lượng máy ATM thấp không phải là nguyên nhân chính. Thực tế, việc xếp hàng dài chờ rút tiền chỉ diễn ra một vài ngày trong tháng, còn những ngày khác trong tháng thì vắng hoe.

Sau 6 năm hoạt động ở Bắc Giang, Vietcombank Bắc Giang đang cung cấp dịch vụ trả lương cho 173 doanh nghiệp với số lượng 20.000 công nhân và có 25 máy ATM.

“Điều đáng nói là các doanh nghiệp trên địa bàn đều rủ nhau đổ tiền lương vào tài khoản công nhân trong ngày 10 hàng tháng, còn công nhân cứ có lương là rủ nhau tranh thủ 10 phút nghỉ giải lao ra xếp hàng đợi rút tiền mặt cất vào túi chứ không để trong máy. Họ có tâm lý lo ngại để tiền trọng máy ATM không an toàn bằng cất vào trong túi. Vậy nên tình trạng xếp hàng là không tránh khỏi”, ông Lý phân trần.

Chính vì văn hóa thanh toán bằng tiền mặt của công nhân chưa thay đổi nên vào lúc cao điểm, các nhân viên ngân hàng toát mồ hôi vì phải liên tục tiếp quỹ cho máy ATM.

“Vietcombank có 25 máy ATM thì mỗi tháng có 170 lượt tiếp quỹ, mỗi xe tiếp 3 máy, mỗi máy khoảng 1,8 tỷ đồng. Riêng huyện Quảng Châu, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp thì mỗi tháng tiếp quỹ khoảng 30 tỷ đồng, còn toàn tỉnh thì khoảng 250 tỷ đồng/tháng”, ông Lý cho biết.

Dù vậy, có những lúc máy ATM chạy liên tục nên cũng không tránh khỏi bị trục trặc. “Nếu chẳng may có công nhân nào bị nuốt thẻ thì họ sẽ cuống lên và gọi điện khắp nơi. Vậy nên, những vấn đề này cần phải xử lý nhanh nếu không thì ảnh hưởng đến thương hiệu của ngân hàng”, ông Lý cho biết.

Ngoài ra, công nhân ở đây còn thiếu hiểu biết về máy ATM và thẻ, nên có những trường hợp thẻ bị gãy thì họ lấy băng dính dán vào và đem ra dùng tiếp chứ không mang tới ngân hàng để đổi thẻ mới. “Những trường hợp như thế này không tránh khỏi bị nuốt thẻ, máy ATM bị hỏng”, ông Lý giải thích.

Thanh toán qua thẻ: Tại sao không?

Để giảm bớt tình trạng xếp hàng rút tiền, ông Minh cho biết đã yêu cầu các ngân hàng chủ động làm việc với doanh nghiệp. Theo đó, trong dịp tết, thủ quỹ sẽ đến ngân hàng lĩnh tiền và phát cho công nhân hoặc ngân hàng mạng tiền đến chi trả cho công nhân. Giải pháp này được nhiều công nhân ủng hộ.

“Hoặc ngân hàng bố trí người ở máy ATM nếu thấy công nhân ra xếp hàng dài chờ rút tiền thì hướng dẫn họ đến chi nhánh, điểm giao dịch của ngân hàng để trực tiếp rút tiền mặt”, ông Minh cho biết.

Ngoài ra, NHNN chi nhánh Bắc Giang cũng yêu cầu mỗi ngân hàng đều có tổ dịch vụ, bố trí cán bộ nghiệp vụ hỗ trợ khách hàng trong quá trình giao dịch và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, sửa chữa khắc phục sự cố, bảo dưỡng định kỳ ATM.

Bà Phượng cũng cho biết, NHNN chi nhánh Bắc Ninh cũng chỉ đạo nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng xếp hàng rút tiền như cử nhân viên đến các ATM vận động công nhân vào điểm giao dịch để rút tiền.

“Với các công ty có số lượng lớn người lao động, chúng tôi cử nhân viên mang tiền đến và phối hợp với công ty chi trả lương, thưởng trực tiếp tại nhà xưởng. Như vậy vừa giúp công nhân không mất thời gian rút tiền, vừa tránh quá tải ATM”, bà Phượng, cho biết.

Bà Phượng cho biết thêm, để tránh tình trạng khan hiếm tiền mặt khi nhu cầu thanh toán tăng đột biến, vào dịp cuối năm, NHNN có phương án chủ động, đảm bảo kịp thời nhu cầu về tiền mặt.

“Các NHTM sẽ đăng ký nhận tiền mặt trước 2 tiếng. NHNN tích cực kiểm tra giám sát các ngân hàng đảm bảo nhu cầu hợp lý phục vụ cho người dân, yêu cầu NHTM phải lập tổ công tác theo dõi tình trạng ATM, đảm bảo nhu cầu 24/24, kể cả ngày nghỉ lễ”, bà Phượng nhấn mạnh.

Dù vậy, đây cũng chỉ là những giải pháp chống quá tải ATM của các ngân hàng. Dù cố gắng đến mấy nhưng như giờ cao điểm tắc đường, muốn hay không những trục trặc đem lại phiền toái cho người sử dụng ATM như máy hết tiền, thẻ bị nuốt vẫn có thể xảy ra.

“Để giải quyết tình trạng xếp hàng chờ rút tiền thì phải đẩy mạnh thanh toán qua thẻ, POS. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh toán qua thẻ còn tương đối khiêm tốn. Năm 2015, tỷ trọng thanh toán qua thẻ trên Bắc Giang qua Vietcombank chỉ đạt khoảng 20 tỷ đồng/ tháng”, ông Lý cho biết.

 

 

Theo Trần Giang

BizLIVE

Trở lên trên