MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Cưu mang” ngân hàng bé, Việt Nam sẽ có “siêu” định chế tài chính sau sáp nhập?

31-12-2014 - 08:32 AM | Tài chính - ngân hàng

Việc sử dụng những ngân hàng lớn để “cưu mang” một ngân hàng nhỏ được giới chuyên gia đánh giá cao bởi họ có đủ tiềm lực tài chính để bù đắp những thiếu hụt về vốn, nhân lực, quản trị…

Tái cơ cấu giai đoạn hai của hệ thống ngân hàng được khởi động bằng thông tin Vietcombank sẽ sáp nhập vào hệ thống một ngân hàng, đối tượng được xác định là Saigonbank. Ngoài ra, BIDV cũng sẽ “cưu mang” một ngân hàng nhỏ phía Nam. Vietinbank sáp nhập một ngân hàng cổ phần nhỏ, từng được xác định là PGBank…

Việc sử dụng những ngân hàng lớn để “cưu mang” một ngân hàng nhỏ được giới chuyên gia đánh giá cao bởi họ có đủ tiềm lực tài chính để bù đắp những thiếu hụt về vốn, nhân lực, quản trị… Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này liệu có thật sự tốt hay không và ngân hàng thâu tóm kia có thể trở thành định chế tài chính lớn có quy mô tài sản, vốn điều lệ ngang tầm khu vực?

Sôi động thông tin sáp nhập

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn hai đã được khởi động bằng thông tin Vietcombank sẽ sáp nhập ngân hàng khác vào hệ thống và đối tượng được thị trường xác nhận đó là Saigonbank.

Không chỉ Vietcombank, BIDV, Vietinbank cũng sẽ sáp nhập một ngân hàng khác vào hệ thống. Được biết, đối tượng sáp nhập với Vietinbank vẫn sẽ là Ngân hàng Xăng dầu (PGBank) và BIDV là một ngân hàng nhỏ ở trong phía Nam.

Nguồn tin cho biết đến giữa hoặc cuối năm 2015, những thương vụ này có thể sẽ hoàn tất sau khi hai bên đối tượng khảo sát, tìm hiểu, tập huấn nhau.

Trước khi Vietcombank công bố thông tin “cưu mang” một ngân hàng khác, thị trường cho rằng đối tượng sẽ là Ngân hàng Xây dựng. Bởi sau sự cố sai phạm cá nhân của nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc ngân hàng Xây dựng, Vietcombank đã hỗ trợ ngân hàng này từ tài chính đến nhân sự trong suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu về khả năng sáp nhập của hai bên mới thấy khả năng này khó xảy ra, vì dù hỗ trợ nhưng thời gian qua Vietcombank chỉ cử người tham gia quản lý chứ không thực hiện khảo sát.

Việc Vietcombank lựa chọn Saigonbank cũng dựa trên cơ sở Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 36 và sẽ có hiệu lực vào ngày 1/2/2015. Tính đến thời điểm hiện nay, Vietcombank vẫn đang là cổ đông lớn của Saigonbank với lượng cổ phần nắm giữ hơn 8,2%.

Dù vậy, thương vụ này cũng chỉ mới được thông qua về mặt chủ trương của cơ quan quản lý. Sau khi cổ đông thông qua chủ trương sáp nhập, hai ngân hàng sẽ trình đề án sáp nhập, và chỉ khi NHNN thông qua đề án này, thương vụ mới bắt đầu được xúc tiến. Hiện tại, mấu chốt của việc đàm phán giữa hai ngân hàng vẫn là giá chuyển nhượng, đến giờ việc thỏa thuận vẫn chưa hoàn thành.

Một ngân hàng khác cũng từng để lộ thông tin về đối tác hợp nhất và sau đó đã gỡ bỏ, đó là ngân hàng Xăng dầu (PGBank). Ngay hồi đầu năm, ngân hàng này đã để lộ thông tin về việc sẽ về một nhà với Vietinbank, nhưng ngay sau đó đã gỡ bỏ thông tin đó.

Một nguồn tin xác nhận là do thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa chấp thuận phương án sáp nhập này. Tuy nhiên, một nguồn tin chính thức đã xác nhận, PGBank sẽ vẫn về Vietinbank và đã được cơ quan quản lý chấp thuận về mặt chủ trương. Hiện hai bên đang tiến hành khảo sát để đi đến hợp nhất. Tuy nhiên, để có thông tin chính thức phải đợi đến giữa hoặc cuối năm 2015.

BIDV cũng được biết đến sẽ “cưu mang” một ngân hàng nhỏ ở phía Nam. Hiện hai bên đang tiến hành khảo sát, tập huấn để đi đến thống nhất.

Một ngân hàng khác là Viet Capital Bank cũng đang tìm kiếm đối tác để hợp nhất, sáp nhập. Tuy nhiên, đại diện ngân hàng này cho biết, phương án hợp nhất, sáp nhập mới chỉ là chủ trương xin ý kiến đại hội cổ đông, kế hoạch chi tiết và đối tác sáp nhập vẫn chưa xác định.

Giới chuyên gia dự báo, với định hướng đến năm 2017 sẽ giảm số lượng ngân hàng xuống còn từ 15 - 17, thì trong thời gian tới thông tin về hợp nhất, sáp nhập sẽ được công bố sau một thời gian dài hai bên khảo sát, đánh giá…

Bình luận về sự tham gia của ngân hàng lớn vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng nếu như trước đây sáp nhập, hợp nhất ngân hàng chỉ là cấp số cộng đơn thuần và nhằm giải quyết cơ bản về mặt tâm lý. Nay, việc lấy ông lớn “cưu mang” ông nhỏ nhằm hỗ trợ trong việc điều hành, nhân sự, quản trị và nâng cao chất lượng tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng.

Kỳ vọng định chế tài chính lớn?


Việc hợp nhất, sáp nhập những ngân hàng nhỏ, yếu kém trước hết là vì mục tiêu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhưng quan trọng hơn, đó là việc làm cần thiết khi ngân hàng nhỏ dường như không có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, việc các ngân hàng lớn tham gia “cưu mang” ngân hàng ốm yếu là rất ổn. Bởi đây mới là những đơn vị có tiềm lực tài chính để có thể củng cố được sự thiếu hụt về vốn, nâng cao năng lực quản trị, xử lý nợ xấu… Tuy vậy, để đi vào hoạt động ổn định sau sáp nhập, ngân hàng cũng phải mất thời gian 2 - 3 năm để củng cố, ổn định hệ thống và từng bước lớn mạnh thành một định chế tài chính.

Cùng quan điểm về việc tham gia tái cơ cấu của các ngân hàng lớn là rất tốt, nhưng TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc trường đào tạo nhân lực BIDV, cho rằng các ngân hàng tham gia theo tinh thần ủng hộ chủ trương tái cơ cấu hệ thống của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, chứ không phải kỳ vọng sẽ sớm thành một định chế tài chính tầm cỡ khu vực. Bởi câu chuyện sáp nhập hai ngân hàng không hề đơn giản.

“Để sáp nhập thành công cần phải có đủ 4 yếu tố, đó là vấn đề về văn hóa doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, CNTT và khách hàng. Khi “kết hôn” thì ai cũng mong muốn hạnh phúc, nhưng cuộc hôn nhân có hạnh phúc hay không lại còn tùy thuộc vào hai bên. Trong đó có những vấn đề như điều hành, sắp xếp tổ chức bộ máy nhân sự, tập huấn…”, ông Lực phân tích.

Bởi vậy, theo ông Lực, việc ngân hàng lớn tham gia tái cơ cấu chưa hẳn đã tốt hơn so với giai đoạn một của tái cơ cấu. Vì cơ bản, những ngân hàng sáp nhập vào ngân hàng lớn là những ngân hàng yếu kém cần phải xử lý.

“Giai đoạn một của tái cơ cấu là hợp nhất giữa các ngân hàng yếu kém và nhiều quan điểm cho rằng đây chỉ là phép cộng đơn thuần. Tuy nhiên, sự hợp nhất này có một ngân hàng chủ lực, sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước về mặt quản trị và một ngân hàng lớn tham gia tư vấn, hỗ trợ tài chính nên có khả năng bứt phá. Còn việc ngân hàng lớn “cưu mang” ngân hàng con có tốt hay không thì còn phải xem sau hợp nhất làm ăn có tốt không, hiệu quả kinh doanh thế nào”, ông Lực bình luận.

Một chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, sự tham gia của ngân hàng lớn vào quá trình tái cơ cấu cũng có được có mất. Cái được là về quy mô, mạng lưới, cơ sở khách hàng. Cái đáng lo ngại đó là liệu hai bên có hợp nhau hay không, chất lượng tài sản của ngân hàng đó thế nào, thiện chí hợp tác của những cổ đông lớn ra sao.


Theo Trần Giang

hangnt

Diễn đàn đầu tư

Trở lên trên