MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đà Nẵng có nóng vội khi đề nghị Ngân hàng Nhà nước xử lý ngân hàng tăng lãi suất ?

17-07-2015 - 18:29 PM | Tài chính - ngân hàng

Mấy ngày qua, báo chí đưa tin, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, sớm có biện pháp chỉ đạo thống nhất quản lý việc thu phí, lãi suất tín dụng đối với người sử dụng các loại thẻ ATM, MASTER, VISA của các tổ chức tín dụng... UBND TP cho rằng, lãi suất tín dụng như trên là gấp 3,5 - 5 lần lãi suất huy động hiện nay của các ngân hàng. Sự thật ra sao?

Thông tin nội bộ (!?)

Căn cứ kết quả thống kê, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng, có đến 6 loại phí các ngân hàng thu của người sử dụng các loại thẻ là: phí phát hành mới, phí thường niên, phí chậm thanh toán, phí chuyển đổi ngoại tệ, phí vấn tin và sao kê, phí chuyển khoản với mức thu phí khác nhau ở các ngân hàng.

Ngoài ra, các chi nhánh ngân hàng còn thu lãi suất tín dụng đối với các khách hàng sử dụng thẻ rất cao so với mặt bằng lãi suất hiện nay. Cụ thể, Techcombank thu lãi suất lên đến 31%/năm; HSBC: 31,2%/năm; ACB: 25,8%/năm; Việt Á: 25,2%/năm; PG Bank: 25%/năm; An Bình: 21%/năm, Ngân hàng Ngoại Thương: 20%/năm; Ngân hàng Công Thương: 18%/năm.

Lãi suất tín dụng như trên là gấp 3,5 - 5 lần lãi suất huy động hiện nay của các ngân hàng. Việc này là một trong những nguyên nhân dẫn đến tâm lý người dân ngại sử dụng các loại thẻ vì bị thu lãi và phí quá cao.

Để làm rõ vấn đề, ngày 16.7, PV đến các trụ sở các ngân hàng và máy ATM tìm hiểu thì đa số các khách hàng lại không phản ứng gì về việc này. PV liên hệ đề nghị cung cấp văn bản kiến nghị này thì ông Trần Đình Quỳnh - Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng nói văn bản này nội bộ, không cung cấp cho báo chí.

Ông Quỳnh cũng nói không biết báo chí lấy đâu ra văn bản đó để đăng tải. PV liên lạc với ông Võ Duy Khương - Phó chủ tịch Thường trực UBND TP để hỏi về vấn đề này thì ông Khương cũng nói đây là việc nội bộ ngành và từ chối trao đổi. "Cái đó anh có văn bản đề nghị Ngân hàng nhà nước về việc thu phí quá nhiều để họ xem xét, quản lý các ngân hàng không làm phiền hà người dân thôi" - ông Khương nói.

PV liên lạc đặt lịch làm việc với ông Võ Minh - Giám đốc Chi nhánh ngân hàng nhà nước tại Đà Nẵng thì ông Minh nói: "bận họp" và hẹn cuối chiều sẽ gặp. Tuy nhiên, đến cuối chiều PV liên lạc lại thì ông Minh nói: "Anh về nhà rồi! Có gì em xuống các ngân hàng, số liệu đó do họ báo cáo lên" - dứt lời, ông Minh ngắt máy.

Đà Nẵng đã nóng vội?

PV tìm đến Ngân hàng ACB chi nhánh Đà Nẵng thì lãnh đạo ngân hàng này cho biết, lâu nay không nhận được phản ánh gì của khách hàng về việc tăng phí thẻ của ngân hàng.

Chiều 16.7, tại buổi làm việc với PV, ông Nguyễn Cao Phong - Phó GĐ Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Đà Nẵng, nói: "UBND TP không phân biệt được đâu là thẻ tín dụng và tín dụng vì khoản vay tín dụng nó khác trước khi ra văn bản. Nếu lãi suất vay tín dụng 6-7% mà tôi thu đến 20% mới sai".

Sau khi báo chí đưa tin, ông Phong nhận được hàng chục cuộc gọi với nội dung "ông rút ruột tiền của tôi à?". Ông Phong khẳng định, thẻ tín dụng là phương tiện thanh toán. Nó chỉ tính phí trong trường hợp khách hàng không trả trong vòng 45 ngày (kể từ ngày tính sao kê, lãi 20-30% theo các ngân hàng công bố). Trong thời gian đó, ngân hàng hoàn toàn không thu một đồng phí, lãi nào cả.

"Như vậy là ngân hàng đã ứng vốn ra thanh toán cho chủ thẻ rồi. Sao không hỏi ngược lại là ngân hàng 'ăn' gì trong 45 ngày đó. Trong khi ngân hàng đang tạo điều kiện ứng tiền cho khách hàng chi tiêu. 7 ngày sau, khách hàng trả cho ngân hàng thì không thu đồng phí nào. Còn khách hàng không trả thì ngân hàng mới tính lãi" - ông Phong phản ứng.

Ông Phong cho rằng, cấp thẻ tín dụng hình thức tín chấp, tại sao ngân hàng phải đưa thẻ 100 triệu đồng để khách hàng xài trong khi họ không có tài sản thế chấp? Còn phí thường niên 200 nghìn đồng/năm là không đắt, nếu thẻ hỏng, mất thì ngân hàng phải phát hành lại, ngân hàng phải tính phí...

Ông Phong đặt câu hỏi: "Việc này, các ngân hàng thực hiện theo hệ thống cả nước chứ không phải làm riêng tại Đà Nẵng, nhưng vì sao các TP lớn như TP HCM, Hà Nội, Nha Trang... không có ý kiến gì, còn Đà Nẵng, một thành phố du lịch lại có ý kiến?".

 

Theo Nhiệt Băng

Báo lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên