Đâu là đòn bẩy tín dụng?
Tín dụng tăng thì ngân hàng nào cũng muốn vì như vậy ngân hàng mới tăng được lợi nhuận, chia cổ tức cho cổ đông. Nhưng, không thể vì thế mà ngân hàng hạ chuẩn tín dụng.
Từ giữa tháng 2/2014, các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động (LSHĐ). Có những ngân hàng giảm tới 3 thậm chí 4 lần LSHĐ, nhưng chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn. Như tại Sacombank, đến thời điểm này lãi suất tiền gửi từ 1-8 tháng ở mức 6% - 6,9%/năm, tăng dần theo thời gian gửi. Ngay cả kỳ hạn dài từ 12 tháng cũng giảm mạnh xuống chỉ còn 7,7%/năm, lãi suất kỳ hạn từ 13 - 36 tháng từ 8% - 8,5%/năm. Còn tại ACB, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng cũng giảm xuống 6,2%/năm, kỳ hạn dưới 9 tháng lãi suất cao nhất cũng chỉ là 6,9%/năm…
Về nguyên tắc, khi LSHĐ giảm thì lãi suất cho vay (LSCV) sẽ giảm theo. Vậy các ngân hàng đã giảm LSCV chưa, hay chỉ là nói suông?
Lãnh đạo một NHTMCP nhỏ có trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định: nếu hạ lãi suất đầu vào mà không giảm lãi suất đầu ra thì ngân hàng cũng chết vì ứ vốn. Thay vì để tiền chết, vừa qua các ngân hàng đã phải mua trái phiếu chính phủ (TPCP) lãi suất 7,5 – 7,6%/năm. Nếu tìm được khách hàng cho vay với lãi suất 8% cao hơn TPCP thì ngân hàng cũng không để tình trạng thừa tiền như hiện nay. Nên vấn đề hạ LSCV có lẽ là đương nhiên. Cũng theo tiết lộ của lãnh đạo ngân hàng này, nhiều dự án lớn về dầu khí, lọc dầu… đang được vay với lãi suất chỉ 6%/năm.
Song, không ít các DN xuất nhập khẩu, DNNVV lại tỏ ra thận trọng khi vay vốn ngân hàng. Chia sẻ với phóng viên TBNH, một DN chuyên về xuất nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội cho biết, có NHTM đã mời chào DN này vay với lãi suất 8,5%/năm, giảm 2% so với cuối năm 2013 nhưng họ không vay. Lý do DN chưa có kế hoạch mở rộng sản xuất khi đơn đặt hàng vẫn thưa thớt.
Như vậy, về lý thuyết, việc giảm LSCV là yếu tố khách quan tác động tích cực đến cầu tín dụng vì DN sẽ sử dụng nhiều vốn vay hơn. Nhưng, thực tế hiện nay thì lãi suất thấp lại không tác động nhiều đến cầu tín dụng như trước vì yếu tố chủ quan chưa hé lộ: nhu cầu vay thêm vốn để mở rộng hoặc tăng sản lượng sản xuất-kinh doanh của các DN.
Đây cũng là vấn đề mà không chỉ các ngân hàng băn khoăn mà cả nền kinh tế cũng đang đau đầu. DN tốt thì có tâm lý ngại vay, chưa dám mở rộng sản xuất kinh doanh khi lực cầu nền kinh tế chưa cải thiện. Còn DN tài chính không tốt thì cũng không dám vay hoặc nếu có xin vay chưa chắc được ngân hàng chấp nhận. Vì sau những cú “vấp ngã” thời gian qua, các ngân hàng đang tỏ ra rất thận trọng trong cấp tín dụng. “Vì ai cũng biết, tín dụng tức là phải tin vào người sử dụng. Nếu không tin thì ngân hàng không thể cho vay”, lãnh đạo ngân hàng trên nhấn mạnh.
Vậy làm thế nào giúp DN hấp thụ vốn rẻ của ngân hàng?. Theo TS. Lê Thành Trung – Phó tổng giám đốc HDBank, không phải ngân hàng khó mà cũng chả phải DN không tìm được ngân hàng mà cái chính là chưa tìm được điểm dung hòa “cung – cầu tín dụng” để hai bên chấp nhận được nhau. Thực tế ngân hàng sẵn sàng cho DN vay đầu tư, mua máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất kinh doanh… nhưng với điều kiện là phải kiểm soát dòng tiền cho vay được sử dụng đúng mục đích, theo luận chứng trong hồ sơ xin vay của DN khách hàng.
Lấy ví dụ, DN có nhu cầu vay đầu tư mua máy móc, vật liệu xây dựng… ngân hàng chấp nhận cho vay nhưng khi giải ngân ngân hàng sẽ chuyển vào tài khoản của bên cung ứng hàng hóa, cung ứng vật liệu chứ không đưa tiền mặt cho DN. Mà yêu cầu này của ngân hàng không phải DN nào cũng muốn lượng vốn tín dụng vay được lại chảy theo “kênh” như vậy.
Việc các ngân hàng thay đổi khẩu vị rủi ro, ưu tiên cho vay theo dòng tiền là một điều đáng mừng. Thời gian qua, không ít DN (cá biệt được sự tiếp tay của cán bộ tín dụng) đã khai vống giá trị tài sản để được vay số tiền lớn. Đến nay, không ít ngân hàng đang ngậm “trái đắng” về tài sản đảm bảo và khoản nợ xấu tăng mạnh. Vì vậy, thời điểm này có những DN dù có tài sản thế chấp, ngân hàng cũng không dám cho vay do không có dòng tiền tương lai ổn định. Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, họ chỉ coi tài sản thế chấp là một trong những điều kiện để xem xét cho vay, quan trọng là phải đánh giá chất lượng dự án, uy tín của người sử dụng tiền vay và nhất là “đường đi” của dòng tiền.
Tín dụng tăng thì ngân hàng nào cũng muốn vì như vậy ngân hàng mới tăng được lợi nhuận, chia cổ tức cho cổ đông. Nhưng, không thể vì thế mà ngân hàng hạ chuẩn tín dụng. Họ đã có quá nhiều bài học từ cho vay dưới chuẩn. “NH không đòi hỏi sức khỏe tài chính khách hàng phải thuộc diện xuất sắc hay tốt, mà dù họ khó một chút nhưng làm ăn đàng hoàng, tài chính lành mạnh là ngân hàng sẵn sàng cho vay. Và nhiều ngân hàng đang đi kiếm những DN như vậy để cho vay. Chỉ sợ DN làm ăn không đúng, đầu tư bừa bãi thì không ngân hàng nào dám cho vay” - lãnh đạo một ngân hàng bày tỏ.
Tuy nhiên, để quản lý dòng tiền tương lai tốt đòi hỏi ngân hàng cần phải nâng cao chất lượng nhân lực, năng lực chuyên môn về thẩm định dự án, quản lý việc sử dụng vốn vay của khách hàng hiệu quả. Điểm mấu chốt nữa giúp giảm thiểu rủi ro tín dụng, theo ông Trung, cả DN và ngân hàng phải thường xuyên trao đổi, thống nhất từ phương án sản xuất kinh doanh đến cách quản lý dòng tiền… DN phải trung thực trong quá trình sử dụng vốn vay. Có như vậy mới tạo niềm tin cho ngân hàng tiếp tục cấp tín dụng.
Vì tín dụng là đòn bẩy cho năng lực tài chính của DN. Mà đòn bẩy chỉ có tác dụng khi điểm tựa tốt. Ở đây chất lượng DN và sức cầu của kinh tế chính là điểm tựa.
Theo số liệu thống kê của NHNN về thông tin hoạt động ngân hàng từ giữa tháng 7/2013 đến 28/2/2014, LSCV bình quân bằng VND không thay đổi. Cụ thể: đối với các NHTM nhà nước, LSCV phổ biến đối với 5 lĩnh vực ưu tiên nông nghiệp, nông thôn… dao động từ 7-9%/năm ở các kỳ hạn ngắn và dao động từ 11-12%/năm đối với các kỳ hạn trung và dài hạn. Tương tự, LSCV thương mại thông thường ở mức 9-10,5%/năm các kỳ hạn ngắn và 11,5-12,8%/năm ở các kỳ hạn trung và dài hạn. Đối với khối NHTMCP, LSCV các đối tượng, lĩnh vực ưu tiên trên cũng chỉ cao hơn khối Nhà nước ở mức 0,5 – 1%/năm. |
Theo Hà Thành