MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đấu thầu vàng miếng sẽ chỉ là thứ yếu

07-03-2014 - 15:59 PM | Tài chính - ngân hàng

Đã có những đề xuất như thành lập sàn vàng, huy động vàng trong dân… Nhưng vấn đề quan trọng là ai đứng ra cầm trịch, hoạt động thế nào, giám sát ra sao…

Vàng đang chuyển thái cực

Giá vàng thế giới đã, đang chịu tác động nhiều từ các cuộc khủng hoảng chính trị trên thế giới, mà điển hình nhất là tình hình chính sự tại Ukraina. Trong những ngày qua, căng thẳng chính trị tại nước này khiến giới đầu tư trên thế giới tích cực tìm đến vàng làm nơi trú ẩn an toàn. Vì vậy, giá vàng biến động tương đối mạnh trong biên độ rộng. Có thời điểm, kim loại quý này đã chạm mốc 1.350 USD/oz.

Nhưng, dường như sức nóng của giá vàng thế giới tác động không quá mạnh đối với thị trường vàng trong nước. Trước hết có thể thấy, nhu cầu tìm vàng làm nơi trú ẩn của người dân ngày càng giảm dần. Biểu hiện rõ nét là cầu vàng giảm mạnh, nhất là trong những ngày gần đây khi xu thế bán luôn áp đảo người mua.

Theo bà Trần Như My, Giám đốc kinh doanh của Tập đoàn Doji, trong mấy ngày nay khách đi bán vàng chiếm tới 70% và chủ yếu giao dịch vào buổi sáng. Hiện tượng khách chủ yếu đi bán thay vì mua vàng được một lãnh đạo DN vàng nhận định, do năm 2013 giá vàng giảm mạnh, nên có thể người dân thấy đây là cơ hội có sóng hiếm hoi của thị trường trong năm 2014 nên họ bán chốt lời hoặc cắt lỗ.

Song, nguyên nhân sâu xa việc vàng trở nên kém hấp dẫn được một số chuyên gia bình luận là do chính sách quản lý thị trường vàng của NHNN, mà cụ thể là qua công cụ đấu thầu vàng.

Trong thời gian qua NHNN đã thực sự “cầm trịch” thị trường. Với vai trò là người mua bán cuối cùng, qua hoạt động đấu thầu vàng, NHNN không chỉ giúp các TCTD tất toán kịp thời số dư huy động vàng, mà tình trạng cung – cầu vàng trên thị trường luôn duy trì ổn định bằng việc cung ra thị trường gần 70 tấn vàng qua các phiên đấu thầu. Theo lãnh đạo một công ty kinh doanh vàng lớn, thời gian qua, do chỉ có nguồn cung duy nhất là từ vàng đấu thầu của NHNN nên các DN luôn phải cân đối mua – bán theo ngày, kinh doanh vàng không dám “găm hàng” để đầu cơ vì sợ rủi ro về giá.

“Việc tổ chức các phiên đấu thầu vàng, cùng với chủ trương chấm dứt huy động, cho vay của NHNN là biện pháp hết sức cần thiết trong lộ trình tổng thể chống vàng hóa, giảm thiểu hoạt động đầu cơ quá mức vào vàng. Theo đó, tác động đến mặt hàng kim loại quý này từ trạng thái sốt nóng chuyển sang sốt lạnh”, một chuyên gia bình luận.

Đấu thầu chỉ là phương án dự phòng

Đây là một câu hỏi đặt ra đối với cơ quan quản lý cũng như thị trường thời điểm này. Từ đầu năm đến nay, NHNN chưa tổ chức phiên đấu thầu vàng nào, nhưng thị trường không có dấu hiệu đoản cung hay đoản cầu. Chưa kể, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới đang càng co hẹp. Mấy ngày qua có thời điểm độ ”vênh giá vàng” nội – ngoại chỉ còn 1,9 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức chênh lệch thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây. Liệu trong năm 2014, thị trường có cần vàng đấu thầu từ NHNN?

Một DN vàng cho biết, do khách bán nhiều hơn khách mua nên thời điểm hiện tại họ chưa cần mua vàng đấu thầu từ NHNN. Nhưng, đó chỉ là ở thời điểm này bởi thực tế nhu cầu vàng ở Việt Nam rất khó lường và rất dễ bị tác động bởi tâm lý đám đông. Trước mắt, có thể các thông tin hỗ trợ giá vàng đang dần bão hòa nên các nhà đầu tư thế giới chưa tích cực tham gia thị trường. Do vậy, chưa thể tạo cú hích mạnh cho giá vàng biến động.

“Thời gian tới, nếu thị trường nhộn nhịp hơn, các nhà đầu tư có thể quay lại kênh vàng để bắt đáy, bán đỉnh”, lãnh đạo DN nhận định và cho rằng, khi cầu vàng tăng lên thì trong trường hợp này chỉ có NHNN can thiệp qua đấu thầu vàng mới giúp thị trường ổn định được, nếu không rất dễ xảy ra biến động.

Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam - ông Nguyễn Thành Long đồng tình với phương án NHNN tiếp tục đứng ra điều tiết thị trường qua công cụ đấu thầu vàng. Nhưng ông Long cho rằng, chỉ nên coi phương án này là thứ yếu, dự phòng chứ không phải là biện pháp chủ yếu như năm trước. “Năm 2013 do các TCTD cần một lượng vàng lớn để kịp tất toán số dư huy động vàng mới cần lượng vàng lớn cung ra thị trường. Còn năm nay tôi cho rằng, số lượng vàng NHNN đưa ra bao nhiêu cần căn cứ theo thị trường, diễn biến giá vàng trên thế giới ”, ông Long nói thêm.

Về phía NHNN, lãnh đạo một vụ chức năng cũng khẳng định, khi thị trường cần, NHNN vẫn sẵn sàng cung ứng vàng, nhưng chắc chắn số lượng, tần suất các phiên đấu thầu sẽ ít hơn vì mua vàng nguyên liệu nhiều thì NHNN sẽ tiêu tốn một lượng ngoại tệ không nhỏ, sẽ tác động đến dự trữ ngoại hối, tỷ giá. Do đó, việc tổ chức đấu thầu vàng sẽ được NHNN tính toán thận trọng trên cơ sở diễn biến cung – cầu trên thị trường.

Cũng có ý kiến băn khoăn, thông thường, các đơn vị trúng thầu sẽ căn cứ giá đấu thầu của NHNN để “làm” giá bán thị trường. Và nếu NHNN đưa giá chào thầu cao thì thị trường sẽ khó có giá tốt cho người dân vì chắc chắn DN phải giữ “thế” cho họ. Dư luận này không phải NHNN không có thông tin để nắm bắt, nhưng khi bán vàng ra để can thiệp thị trường NHNN đứng trước những thách thức: nếu đặt giá bán quá thấp thì có thể sẽ bị đầu cơ và rất có thể tạo ra cầu lớn đối với nhà đầu tư kỳ vọng giá vàng.

Như vậy, theo một chuyên gia, nếu NHNN muốn giảm giá thì phải hội tụ những yếu tố bền vững như cung lớn, giá vàng thế giới tương đối ổn định… nếu không rất dễ “bổ nhào” khi hạ cánh (giảm giá - PV). Về vấn đề này, ông Long bày tỏ quan điểm, khi nguồn cung vàng thị trường lớn áp đảo cầu, NHNN có thể từ từ kéo giá xuống thấp hơn giá thị trường. “Qua đó thu hẹp dần khoảng cách giá vàng nội – ngoại về mức hợp lý. Thị trường sẽ ổn định”, ông Long nói thêm.

Nhìn về dài hạn, NHNN sẽ không sử dụng mãi phương thức đấu thầu vàng miếng để ổn định cung - cầu, nhất là khi thị trường bão hòa. Vì vậy, việc tìm giải pháp thay thế nó lúc này cũng là rất cần thiết. Đã có những đề xuất như thành lập sàn vàng, huy động vàng trong dân… Nhưng vấn đề quan trọng là ai đứng ra cầm trịch, hoạt động thế nào, giám sát ra sao… là những câu hỏi lớn.


Theo Hà Thành

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên