MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH lo "lãi suất vay dài hạn bao giờ hạ nhiệt?"

30-10-2014 - 08:48 AM | Tài chính - ngân hàng

Giảm lãi suất huy động là một chuyện, các ĐBQH kỳ vọng NHNN có giải pháp giảm ngay lãi suất vay trung và dài hạn đối với tất cả các lĩnh vực xuống để gỡ khó cho doanh nghiệp.

Cuối cùng, NHNN cũng đưa ra quyết định giảm thêm trần lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn về 5,5%/năm từ ngày 29/10. Cùng với đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cũng một lần nữa đưa ra lời kêu gọi 4 ngân hàng quốc doanh lớn phải giảm thêm lãi suất vay trung dài hạn về tối đa 10%/năm.

Giảm trần lãi huy động được đưa ra với kỳ vọng sẽ “kéo” lãi suất cho vay xuống thấp hơn nữa thời gian tới để giải tỏa cơn khát vốn cho DN, cũng như giải tỏa bế tắc đầu ra vốn cho ngân hàng.

Xoay quanh động thái giảm trần lãi suất của các ngân hàng, chia sẻ với Infonet bên hành lang Quốc hội ngày 29/10, các ĐBQH đều tỏ ra đồng thuận với chính sách mới về lãi suất của NHNN. Có ý kiến còn đề xuất Chính phủ cần “ra tay” thông qua chính sách để tạo động lực cho DN có thêm niềm tin hoạt động tiếp.

Là người hoạt động trong lĩnh vực tài chính lâu năm, ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) chia sẻ với những khó khăn mà DN đang gặp phải. Theo ông, mức lãi suất vay trung và dài hạn dành cho DN hiện vẫn đang cao “ngất ngưởng”, nếu so với mức lạm phát 10 tháng đầu năm nay mới chỉ đạt 4,47% - mức thấp nhất trong 11 năm qua. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra lời “hiệu triệu”, kêu gọi các NHTM Nhà nước phải giảm lãi suất cho vay xuống, nhưng đây mới chỉ là với 5 lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, chứ không phải tất cả.

Thực tế, trái ngược với lạm phát thấp là lãi suất cho vay ra vẫn còn cao, đặc biệt là lãi vay trung dài hạn có ngân hàng vẫn cho vay từ 10-11%. Tôi cho rằng, chính lãi suất đầu ra cao là nhân tố ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, đến sản xuất kinh doanh của DN, khiến khó khăn của DN càng thêm chồng chất.

“DN làm gì để có lãi mà vay với lãi suất trên 10%/năm, rồi còn làm gì ra để mà trả nợ nữa. Khó lắm”- ĐB Hùng băn khoăn.

Tán thành động thái giảm trần lãi suất huy động 0,5 điểm phần trăm, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) nhấn mạnh, ngoài chính sách hỗ trợ DN về thuế, thì động thái chính sách này của NHNN sẽ có tác động “kép” nhằm giảm lãi suất cho vay thêm nữa, tạo ra hiệu ứng khơi dòng tín dụng đang nghẽn.

Theo ông, sau thời gian "sống dở chết dở", điều các DN mong chờ là giảm lãi suất vay trung dài hạn chứ không chỉ lãi vay ngắn hạn, vì đầu tư sản xuất kinh doanh cần sự ổn định.

Tuy nhiên, điều vị ĐB tỉnh Đồng Nai băn khoăn là, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 12-14%/năm, nhưng theo số liệu mà NHNN mới công bố ngày 28/10, tới cuối tháng 9 tín dụng mới tăng khoảng 7,85%- mới bằng 2/3 so với mục tiêu.

ĐB Trương Văn Vở nhấn mạnh tới việc đồng thời giảm lãi suất cho vay của các NHTM và đặc biệt nhấn mạnh đến việc giảm lãi suất trung và dài hạn. NHNN khi giảm trần lãi suất huy động cũng đã kêu gọi các NHTM giảm lãi suất cho vay cho các DN. Và chỉ khi đó, việc giảm lãi suất mới thực sự có tác động tích cưc như mong muốn đến nền kinh tế.

"Không chỉ kêu gọi các ngân hàng lớn giảm lãi vay trung dài hạn, thì NHNN cũng cần yêu cầu cả các NHTMCP khác tiết giảm chi phí, phải giảm bằng được lãi vay dài hạn xuống.... mới là "bệ đỡ" niềm tin cho DN tiếp tục sản xuất"- ĐB Vở bày tỏ.

Cũng chung mối lo DN đang “khát” nguồn vốn vay trung và dài hạn, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh) đề xuất thẳng, lãi suất vay thời hạn này chỉ nên ở mức 5-6%/năm, hoặc cùng lắm là 7%/năm và phải ổn định trong thời gian dài.

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh), việc NHNN điều hành giảm trần lãi suất là hoàn toàn theo tín hiệu thị trường tiền tệ, tín hiệu khởi sắc của kinh tế vĩ mô… và nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của DN. Số liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vừa được Tổng cục Thống kê công bố, CPI tháng 10/2014 chỉ tăng 0,11% so với tháng trước. So với tháng 12/2013 CPI tháng 10/2014 tăng 2,36% - mức tăng thấp nhất trong vòng 11 năm qua.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 10/2014 tăng 3,23%, bình quân 10 tháng tăng 4,47%. Mức chỉ số giá thấp như vậy nên khả năng lãi suất huy động sẽ giảm sâu, làm cơ sở giúp các NHTM giảm lãi vay.

Tuy nhiên chúng ta thấy rằng, các nhà sản xuất kinh doanh hiện nay họ rất mong một nguồn vốn trung dài hạn với lãi suất cố định và thấp, ở mức 5-6%, hoặc cùng lắm cao nhất là 7%/năm. Nếu DN vay được lãi suất rẻ mức này trong thời gian dài thì họ sẽ “vững tin” mà đổ tiền đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, tránh phụ thuộc vào thị trường máy móc của Trung quốc.

“Mức lãi vay phải cố định và thấp trong thời gian dài thì DN mới dám vay. Chứ vừa vay xong, chưa làm được gì đã lo trả nợ thì chẳng ai muốn vay. Ở khía cạnh này thì NHTM không thể làm được mà chúng ta cần có sự trợ giúp của Chính phủ” – ĐB Trần Hoàng Ngân nói.

Ông Ngân đề xuất, Chính phủ nên giành một khoản nhất định để hỗ trợ cho DN, như một khoản đầu tư cho tương lai thì họ mới có động lực, có niềm tin vào vực dậy sản xuất kinh doanh. Vì, khi DN phục hồi thì mới đóng góp lại cho nguồn thu của ngân sách Nhà nước.

>>> Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng thấp nhất còn 4%/năm


Theo Trường Giang

hangnt

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên