MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề nghị ngân hàng bỏ quy định khách hàng phải chịu phí duy trì tài khoản thẻ

25-06-2014 - 08:09 AM | Tài chính - ngân hàng

Hiện nay phần lớn các ngân hàng đều thu phí không chỉ với các tài khoản đang hoạt động mà cả các tài khoản không hoạt động.

Thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng phàn nàn về phí dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là việc phí quản lý và duy trì tài khoản một cách vô lý.

Khách hàng “tố” phí quản lý tài khoản cao hơn…tiệm cầm đồ

Anh Nguyễn Thanh Tùng ở Long Biên Hà Nội cho biết, anh có mở một tài khoản doanh nghiệp tại ngân hàng M.chi nhánh Long Biên từ năm 2012 và vẫn hoạt động cho đến nay.

Ngày 18/6/2014, anh nhận được tin nhắn từ hệ thống ngân hàng rằng bị thu 440.000 đồng phí quản lý tài khoản. Ngay sau đó, anh gọi điện tới phòng giao dịch thì được giải thích đây là quy định từ ngân hàng được áp dụng từ 1/4/2014. Tuy nhiên anh khẳng định không được thông báo bằng bất kỳ hình thức nào mặc dù có đăng ký số điện thoại và thường xuyên đến ngân hàng giao dịch.

Phía ngân hàng sau đó báo lại rằng có thể do sơ xuất của ngân hàng, có thể do lỗi của hệ thống và giải thích về quy định mới của ngân hàng. Trước câu hỏi lỗi ngân hàng thì ai sẽ chịu trách nhiệm, nhân viên phòng giao dịch của M. khẳng định phí đã thu thì không thể lấy lại được.

Trao đổi với chúng tôi, anh Tùng cho biết, ngân hàng yêu cầu tổng số dư trong tháng đạt 100 triệu đồng thì không bị thu phí và dưới 100 triệu ngân hàng sẽ thu phí. 

Để đạt được 100 triệu đồng trong tài khoản, trung bình 1 ngày phải duy trì khoảng 3,4 triệu đồng. Anh Tùng đã thử một phép tính đi vay ngoài tiệm cầm đồ 3,4 triệu đồng/tháng với lãi suất khoảng 4.000 đồng/triệu/ngày thì 1 tháng anh phải nộp 3,4x4.000x30 ngày bằng 408.000 đồng, thấp hơn mức 440.000 đồng mà ngân hàng thu của khách. So sánh với một số ngân hàng khác, anh Tùng cho biết phí quản lý tài khoản của ngân hàng này quá cao và bất hợp lý.

Tài khoản không hoạt động cũng bị đánh phí nặng

Hiện nay phần lớn các ngân hàng đều thu phí không chỉ với các tài khoản đang hoạt động mà cả các tài khoản không hoạt động. Các mức phí này được quy định cụ thể tại từng ngân hàng, dao động từ vài nghìn đồng tới vài chục nghìn đồng/tháng.

Chẳng hạn như phí duy trì tài khoản ở TPBank là 5.000 đồng/tháng (chưa VAT); ACB thu phí tài khoản không hoạt động liên tục trên 12 tháng là 33.000 đồng/tháng; Sacombank thu phí quản lý tài khoản không hoạt động trên 6 tháng là 10.000 đồng/tháng; ở Eximbank là 33.000 đồng/tháng…

Khảo sát của chúng tôi về việc thu phí quản lý tài khoản và duy trì tài khoản không hoạt động trong thời gian dài, hầu hết người tiêu dùng đều nói không biết quy định này, thậm chí có người còn “hốt hoảng” đến ngay ngân hàng để đóng tài khoản cũ. Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền ở Ba Đình, Hà Nội cho biết, khi nghe tin ngân hàng thu phí duy trì tài khoản cũ chị rất “sốc” vì bản thân có tới cả chục tài khoản ngân hàng. “Có những ngân hàng tôi chỉ mở tài khoản để phục vụ việc chuyển và nhận tiền một vài lần, sau đó không dùng nữa và đinh ninh rằng sau một thời gian nhất định ngân hàng sẽ tự động đóng tài khoản. Giờ đây chiếu theo quy định này, biết đâu một ngày nào đó tôi phải mang nợ cả đống tiền”, chị Huyền nói.

Theo Phó Tổng giám đốc của một ngân hàng thương mại cổ phần, hiện nay việc thu phí quản lý và duy trì tài khoản không phải là mới mẻ, đã được quy định rõ và công khai trên các website của ngân hàng. Có ngân hàng quy định sau 12 tháng liên tục không phát sinh giao dịch nào thì có thể tự động đóng tài khoản, nhưng cũng có những nhà băng không thực hiện như vậy mà vẫn duy trì tài khoản cho khách hàng. Việc duy trì tài khoản nếu thu phí thì thường thực hiện truy thu vào lần phát sinh các giao dịch đầu tiên sau thời gian tạm ngưng hoạt động.

Vị lãnh đạo ngân hàng này cũng khuyến cáo, trong bối cảnh các ngân hàng đều thu rất nhiều loại phí như hiện nay thì chủ thẻ nên thường xuyên liên lạc với ngân hàng để cập nhật những chính sách mới nhất và có các quyết định điều chỉnh cho phù hợp.

Nên bỏ phí duy trì tài khoản

Trong khi các ngân hàng vẫn tích cực thu các loại phí với tài khoản thẻ thì Cục Quản lý Cạnh tranh Bộ Công thương lại cho rằng có những loại phí không nên thu.

Cụ thể, theo quy định hiện nay đang được các ngân hàng áp dụng thì chủ thẻ phải chịu phí duy trì tài khoản, ngay cả trong trường hợp khách hàng yêu cầu mở thẻ nhưng không đến nhận thẻ thì thẻ sẽ bị hủy và chủ thẻ vẫn phải chịu khoản phí phát hành thẻ, phí duy trì tài khoản thẻ, song đây là một trong số các quy định chưa phù hợp với quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cơ quan này cho rằng, đề nghị ngân hàng nên bỏ quy định khách hàng phải chịu phí duy trì tài khoản thẻ, thay vào đó là đưa ra quy định, nếu sau thời hạn nhất định mà khách không đến nhận thẻ thì tài khoản của khách hàng đã bị hủy, khách hàng chỉ phải chịu mất số dư tối thiểu, tránh trường hợp khách quên nhưng sau nhiều năm vẫn phải chịu nợ phí duy trì tài khoản.

Về các loại phí chung mà ngân hàng áp dụng, theo Cục quản lý cạnh tranh, những thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng về phạm vi các loại phí, khoản phí, mức phí cần minh bạch, rõ ràng. Khách hàng phải trả những khoản phí nào, mức phí bao nhiêu, phương thức thanh toán phí như thế nào phải được chỉ ra cụ thể để khách hàng biết rõ. Các khoản phí, mức phí theo biểu phí do ngân hàng quy định và có thể thay đổi, nhưng với bất kỳ thay đổi nào phải thông báo trên các kênh để khách hàng biết trước khi thay đổi và có sự đồng ý, thỏa thuận của khách hàng.


>>> Khách hàng phàn nàn về dịch vụ ngân hàng

N.Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên