MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Doanh nghiệp nên sử dụng sản phẩm phái sinh để giảm rủi ro từ tỷ giá”

21-08-2015 - 15:53 PM | Tài chính - ngân hàng

Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho rằng các doanh nghiệp nên sử dụng các sản phẩm phái sinh như hợp đồng kỳ hạn, sản phẩm cơ cấu để bảo vệ để phòng ngừa trước các rủi ro biến động tỷ giá.

Tại cuộc trao đổi với phóng viên về việc điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước mới đây, ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã chia sẻ về diễn biến thị trường và những đánh giá với đợt điều chỉnh tỷ giá này, đồng thời đưa ra khuyến cáo với khách hàng doanh nghiệp nên sử dụng sản phẩm phái sinh để giảm rủi ro từ biến động tỷ giá.

Tâm lý được giải tỏa

- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về thị trường trong hai đợt điều chỉnh (ngày 12/8 và sáng nay 19/8) có diễn biến như thế nào?

Ông Phạm Thanh Hà: Ngày 12/8, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh biên độ lên +/-2%, thị trường lúc đó có điều chỉnh tăng. Ngày 13/8, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu niêm yết giá mua- bán. Trong một tuần, thị trường có những biến động nhất định. Áp lực trả nợ của các doanh nghiệp tăng lên, diễn biến trên thị trường liên ngân hàng cũng khá có áp lực, mua bán khá cao. Tâm lý thị trường khá lo lắng về khả năng Fed tăng lãi suất trong những tháng cuối năm sẽ có tác động bất lợi tới thị trường ngoại tệ Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá và biên độ tỷ giá ngày 19/8, thị trường giao dịch khá sôi động, thanh khoản dồi dào, tâm lý thị trường được giải tỏa đáng kể.

- Trong một tuần Ngân hàng Nhà nước có hai đợt điều chỉnh tỷ giá với mức độ điều chỉnh khá lớn. Trong dài hạn, điều chỉnh này được nhận định có thể sẽ kéo dài đến năm 2016. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Ông Phạm Thanh Hà: Lý do điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng cũng như biên độ của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu do yếu tố bên ngoài. Với mặt bằng tỷ giá mới cũng như với biên độ rộng hơn, thị trường sẽ thích ứng hơn với biến động của cung-cầu trong nước cũng như các yếu tố bên ngoài. Cụ thể, biên độ rộng như hiện nay đủ đáp ứng đủ cân bằng cung cầu ngoại tệ từ nay đến cuối năm cũng như đầu năm 2016.

Đã bán ròng ngoại tệ

- Thưa ông, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá đã tác động như thế nào đến hoạt động của ngân hàng Vietcombank?

Ông Phạm Thanh Hà: Sau khi có quyết định điều chỉnh tỷ giá cũng như biên độ của Ngân hàng Nhà nước, thị trường có biến động khá mạnh trong buổi sáng hôm qua (19/8). Cụ thể từ mức khoảng 22.090-22.100 đồng/USD (bán ra) đã tăng lên mức 22.350 đồng/USD, rồi lên đến mức đỉnh 22.390-22.420 đồng/USD. Đến đầu giờ chiều qua tỷ giá giảm xuống còn 22.380-22.390 đồng/USD, thanh khoản tốt.

- Vietcombank có sự chuẩn bị như thế nào để đón nhận những tác động từ chính sách của Ngân hàng Nhà nước cũng như diễn biến thị trường trong thời gian gần đây cũng như thời gian tới?

Ông Phạm Thanh Hà: Ngân hàng Vietcombank đáp ứng đủ nhu cầu mua bán ngoại tệ của khách hàng, về phía ngân hàng, chúng tôi cố gắng giữ trạng thái cân bằng.

Cụ thể, doanh số cả hai chiều của Vietcombank cũng khá tốt, khoảng 100-130 triệu USD/ngày (mua-bán với khách hàng), nhưng có khác so với trước đây là Vietcombank đã từ trạng thái mua ròng, trong tuần qua đã chuyển sang trạng thái cân bằng và có bán ròng chút ít.

- Ông có lời khuyên nào với doanh nghiệp trong việc lựa chọn dịch vụ hoặc có cách nào để giảm bớt những rủi ro từ điều chỉnh tỷ giá?

Ông Phạm Thanh Hà: Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu sử dụng mua bán ngoại tệ giao ngay để thực hiện hoạt động mua bán ngoại tệ của mình. Theo tôi, ngân hàng Vietcombank cũng như các ngân hàng khác đã chào khách hàng các sản phẩm phái sinh như hợp đồng kỳ hạn, sản phẩm cơ cấu để đảm bảo phòng ngừa và bảo vệ cho khách hàng trước các rủi ro biến động tỷ giá. Tôi cũng khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm phái sinh này.

- Xin cảm ơn ông!

Theo THÚY HÀ

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên