MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dồn dập đẩy vốn, tín dụng vẫn khó khơi thông

28-04-2012 - 07:54 AM | Tài chính - ngân hàng

Các ngân hàng lớn dư thừa vốn khả dụng đang dần đẩy mạnh vốn ra thị trường kèm chương trình ưu đãi lãi suất cho khách hàng, với kỳ vọng tăng tốc tín dụng.

Song trong bối cảnh sức mua sụt giảm, DN không mặn mà sử dụng vốn vay, vốn tín dụng cũng khó khơi thông.

Từ ngày 25/4 đến hết 17/5, Sacombank tiếp tục tung ra gói vốn 1.000 tỷ đồng cho DN vay ưu đãi với mức lãi suất tối thiểu 15,5%/năm trong thời hạn vay tối đa 6 tháng. Ngoài ra, Sacombank vừa triển khai sản phẩm “cho vay VND theo lãi suất USD”, với lãi suất được điều chỉnh theo từng thời kỳ dành cho khách hàng DN kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu.

Trước đó, ngân hàng này triển khai gói 1.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với DN xuất nhập khẩu và 1.000 tỷ đồng vốn ưu đãi lãi suất cho phát triển nông thôn.

Tương tự, SeABank vừa dành thêm 2.000 tỷ đồng cho các DN nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu và cá nhân vay mua nhà, sửa chữa nhà ở. Trong đó, dành 1.000 tỷ đồng cho DN xuất, nhập khẩu với lãi suất cho vay giảm mức 2%/năm so với lãi suất hiện hành. 1.000 tỷ đồng còn lại dành cho cá nhân có nhu cầu mua nhà, xây sửa chữa nhà, với lãi suất giảm đến mức 3%/năm so với lãi suất hiện hành (tương ứng lãi suất 17,1%/năm) và miễn lãi suất trong tháng đầu tiên của kỳ hạn vay.

Eximbank dành 6.000 tỷ đồng với lãi suất 16,5%/năm để cho vay các đối tượng là DN xuất khẩu; DN nhỏ và vừa; các cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh; hỗ trợ vốn mua nhà đối với người có thu nhập thấp.

Thế nhưng, vốn giá rẻ trên thực tế chỉ dành cho một số đối tượng khách hàng trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, sức mua giảm mạnh khiến đầu ra sản phẩm bị thu hẹp nên dẫu ngân hàng muốn đẩy mạnh cho vay thì dư nợ cũng khó tăng. Theo một lãnh đạo cấp cao Sacombank, tăng trưởng tín dụng nói chung và tình hình giải ngân các gói vốn ưu đãi lãi suất của Ngân hàng từ đầu năm đến nay là khá chậm.

Với gói tín dụng ưu đãi 2.000 tỷ đồng triển khai cho DN vào giữa tháng 3/2012 có mức lãi suất thấp hơn 2 - 2,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường, nhưng đến nay, OCB giải ngân chưa được phân nửa số vốn nói trên.

Theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng quý I/2012 âm gần 2%. Tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực không khuyến khích cũng giảm từ mức 11,02% vào cuối năm 2011 xuống 10,77% vào cuối tháng 2/2012. Hiện thanh khoản của các nhà băng lớn đã được cải thiện đáng kể, nhưng đầu ra cho dòng vốn lại gặp khó.

Tổng giám đốc OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, với diễn biến thị trường hiện nay, ngân hàng thừa vốn cũng khó có thể phát triển hoạt động cho vay. Các DN chưa muốn sử dụng vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất - kinh doanh mới. Đối với khách hàng cá nhân, mức lãi suất 19 - 20%/năm chưa đủ để đa số người dân có nhu cầu về nhà ở nghĩ đến việc nhờ ngân hàng hỗ trợ tài chính. Ngược lại, những khách hàng bất chấp lãi suất cao và muốn vay bằng mọi giá thì ngân hàng không dám cho vay, bởi lo ngại rủi ro nợ xấu.

Hiện lãi suất vẫn được cho là rào cản lớn đối với khách hàng khi có ý định tiếp cận vốn vay và mức lãi suất ưu đãi chưa phổ biến. Trong khi đó, lãnh đạo các nhà băng cho rằng, ngân hàng đã cố gắng hết sức để có thể đưa ra được mức lãi suất cho vay 15 - 16%/năm như hiện nay. Bởi ngân hàng cũng cần có thời gian để tiêu thụ các khoản vốn huy động chi phí cao trước khi NHNN giảm trần lãi suất huy động.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB cho rằng, trong bối cảnh sức mua đang giảm mạnh hiện nay, chính các DN cũng chưa có nhu cầu vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh. Do đó, lãi suất không phải là yếu tố quyết định trong việc kích thích tăng trưởng tín dụng và có giảm thêm lãi suất lúc này cũng chưa hẳn thu hút được khách hàng vay vốn phát triển sản xuất. Theo ông Hải, thị trường có thể tốt lên từ đầu quý III tới cùng với xu hướng giảm lãi suất thì khả năng dư nợ mới tăng trở lại.

Theo Thùy Vinh
ĐTCK

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên