MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá vàng trong nước sát thế giới, liệu có bất ngờ?

28-02-2016 - 20:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong tuần qua, đã có thời điểm giá vàng ở thị trường trong nước rút ngắn khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới khoảng 300.000 đồng/lượng.

Đây là diễn biến hoàn toàn khác so với cách đây vài năm. Điều gì tạo nên bất ngờ này?

Cách đây 5 năm, có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 5 triệu đồng/lượng. Người dân đổ xô xếp hàng mua vàng làm cho thị trường biến động mạnh, chênh lệch lớn giữa giá mua vào và giá bán ra. Giới đầu cơ vàng lũng đoạn thị trường kiếm lợi.

Ngày 25/2 vừa qua, giá vàng trong nước xoay quanh 33,5 triệu đồng/lượng, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới còn 300.000 đồng/lượng. Giới đầu tư không còn quan tâm nhiều đến vàng, thị trường vàng và tiền tệ ổn định.

Chuyên gia kinh tế Trần Văn Thuận, Trường Đại học Tài chính – Marketing thành phố Hồ Chí Minh đánh giá đây là diễn biến khá bất ngờ nhưng hoàn toàn hợp lý: “Bình ổn thị trường vàng thời gian vừa qua chúng ta thực hiện tương đối là tốt. Còn về thị trường vàng tương đối bình ổn. Việc chống vàng hóa chúng ta cũng đạt được một số mục tiêu nhất định. Giá vàng trong những ngày qua, giá thế giới và Việt Nam đi khá sát nhau, dưới 500.000 đồng/lượng, có lúc dưới 300.000 đồng”.

Có được kết quả này là nhờ Nghị định 24 năm 2012 của Chính phủ Về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Ngân hàng Nhà nước có hàng loạt thông tư và giải pháp mạnh để thực hiện nghị định này như không cho nhiều đầu mối nhập khẩu vàng như trước đây mà quy về 1 mối. Ngân hàng Nhà nước tổ chức đầu thầu vàng để cho các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng tất toán vàng, đồng thời quy định người gửi vàng phải trả phí…

Với những giải pháp trên, lúc đó nhiều người cho rằng sẽ không hiệu quả. Vì mỗi lần Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng đều hết sạch, nhu cầu vàng như “thùng không đáy”, không biết vàng đi về đâu?! Có ý kiến còn cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước muốn kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới thì phải lập sàn giao dịch vàng, để cho giá vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới…

Nhưng qua gần 4 năm thực hiện Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước khá thành công trong việc bình ổn thị trường vàng trong nước. Tại thành phố Hồ Chí Minh, trước đây tiệm vàng nào cũng được mua, bán vàng miếng. Trật tự này đã được lặp lại, đến nay có trên 900 điểm kinh doanh vàng miếng được cấp phép.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh nói: “Diễn biến vàng của thành phố Hồ Chí Minh đã rất ổn định. Từ đó góp phần duy trì sự ổn định về tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối của nhà nước và ổn định kinh tế vĩ mô. Sự ổn định thị trường của thành phố có thể nói là việc huy động, cho vay bằng vàng đã chấm dứt, đầu cơ vàng, nhập lậu vàng đã được kiểm soát. Việc sử dụng vàng bằng phương tiện thanh toán đã chấm dứt”.

Thị trường vàng miếng đã tương đối ổn định song thị trường vàng trang sức vẫn còn nhiều khó khăn. Để tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển thuận lợi, vẫn cần Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu nhập khẩu ổn định để sản xuất và đảm bảo chất lượng.

Ông Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị: “Đối với ngành vàng nữ trang xuất khẩu, Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách cho doanh nghiệp sản xuất vàng nữ trang có được nguồn nguyên liệu. Vì doanh nghiệp không được nhập khẩu nên không có nguồn nguyên liệu. Vì hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp phải mua nguồn nguyên liệu trôi nổi, mua lại vàng cũ, vàng không chính thức”.

Kết quả bước đầu của việc bình ổn thị trường vàng góp phần hạn chế việc đầu cơ, găm giữ vàng, lành mạnh thị trường, tăng thêm nguồn vốn đi vào sản xuất, kinh doanh, tránh tình trạng “vàng hóa” tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Giới buôn lậu vàng giờ đã hết đất làm ăn./.

Theo Lệ Hằng

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên