MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HSBC: NHNN điều chỉnh tỷ giá không phải để thúc đẩy xuất khẩu

07-05-2015 - 11:43 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo đánh giá của HSBC, việc thay đổi tỷ giá tham chiếu lần này được nhìn nhận là một biện pháp chủ động nhằm giúp thu hẹp thâm hụt thương mại và kìm hãm suy thoái nhẹ trong cán cân thanh toán của Việt Nam.

Nội dung nổi bật

- Theo HSBC, NHNN điều chỉnh tỷ giá thêm 1% từ 7/5 là một biện pháp chủ động nhằm giúp thâm hụt thương mại.

-Việc điều chỉnh tỷ giá không phải được NHNN sử dụng để thúc đẩy xuất khẩu và rằng những lo ngại về việc mất năng lực cạnh tranh xuất khẩu đang bị phóng đại quá mức.

- HSBC dự báo cặp tỷ giá USD/VND đến cuối năm 2015 sẽ ở mức 21.750, cao hơn 0,35% so với trung điểm mới.


Ngân hàng HSBC vừa có báo cáo nhận định về động thái điều chỉnh tỷ giá thêm 1% kể từ ngày 7/5/2015.

Theo báo cáo, NHNN Việt Nam vừa thông báo tăng tỷ giá tham chiếu hàng ngày cho cặp tỷ giá USD/VND thêm 1% từ mức 21.458 lên 21.673 đồng, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 7/5/2015. Tỷ giá được cho phép giao dịch trong biên độ +/-1% xung quanh tỷ giá tham chiếu tức từ 21.456 – 21.890 VND/USD.

Cặp tỷ giá USD/VND đã được giao dịch gần mức kịch trần của biên độ (mức tỷ giá cũ áp dụng từ 7/1 - 6/5) cho thấy nhu cầu đô la Mỹ duy trì tương đối mạnh trong một vài tháng qua. Tuy nhiên, HSBC tin rằng  chưa có một sự suy giảm “nền tảng” đáng kể nào buộc NHNN phải giảm giá tiền đồng trong ngày hôm nay. Thay vào đó, NHNN có thể đã tận dụng cơ hội từ việc điều chỉnh đô la Mỹ rộng khắp và lạm phát trong nước thấp để điều chỉnh tiền đồng một chút.

Theo đánh giá của HSBC, việc thay đổi tỷ giá tham chiếu lần này được nhìn nhận là một biện pháp chủ động nhằm giúp thu hẹp thâm hụt thương mại (3,3 tỷ USD từ đầu năm đến nay, con số chưa từng thấy kể từ năm 2011) và kìm hãm suy thoái nhẹ trong cán cân thanh toán của Việt Nam. NHNN đã mất dự trữ ngoại tệ gần đây để đáp ứng nhu cầu đô la Mỹ tăng cao trong nước bắt nguồn từ việc nhập khẩu hàng hoá vốn tăng cao và sự chảy vốn ra ngoái không rõ ràng.

Mặc dù đã có một số lập luận đưa ra nhưng HSBC không cho rằng việc làm mất giá tiền đồng ngày hôm nay được NHNN sử dụng để thúc đẩy xuất khẩu. Ngân hàng này tin rằng, những lo ngại về việc mất năng lực cạnh tranh xuất khẩu đang bị phóng đại quá mức. Sau cùng, những mặt hàng xuất khẩu phi hàng hoá của việt Nam, ví dụ như mặt hàng điện tử (giá trị gia tăng thấp hơn), dệt may và giày dép vẫn đang hồi phục. Những mặt hàng xuất khẩu này cũng sẽ được hỗ trợ khi Việt Nam gia nhập vào các hiệp định tự do thương mại với khu vực châu Âu, các nước Châu Á-Thái Bình Dương khác (thông qua TPP).

Mặc dù phương pháp tính của tỷ giá thực hiệu dụng (REER) của tiền đồng dựa trên tổng khối lượng thương mại đã làm đồng VND  tăng giá trong năm qua, HSBC tin rằng một chỉ số có liên quan hơn là hiệu suất hoạt động của tiền đồng so với các loại tiền tệ của các nền kinh tế khác mà VIệt Nam cạnh tranh trực tiếp về mặt xuất khẩu. Đồng VND đã thực sự yếu hơn so với tiền tệ của năm nước cạnh tranh thương mại trực tiếp hàng đầu là Nhân dân tệ Trung Quốc (CNY), Rupee Sri Lanka (LKR), Taka Bangladesh (BDT), Peso Philippines (PHP), Bath Thái Lan (THB).

Ngân hàng này đồng thời đưa ra nhận định tiền đồng sẽ không suy yếu mạnh từ nay và dự báo cặp tỷ giá USD/VND đến cuối năm 2015 sẽ ở mức 21.750 (khoảng 0,35% trên mức trung điểm mới).

"Với chu kỳ tín dụng tốt, lạm phát thấp và lãi suất thực cao hơn, chính sách ngoại hối sẽ trở nên linh động hơn trong khả năng quản lý các thời điểm có nhu cầu đô la Mỹ cao. Mặc dù NHNN đã sử dụng một phần dự trữ ngoại tệ của mình nhưng họ vẫn còn ở vị thế tốt trên phương diện ngoại hối hơn so với một số thời điểm trước đây. Điều này đảm bảo chúng ta sẽ không chứng kiến cặp tỷ giá USD/VND có sự thay đổi cao quá mức nào trong một vài tháng tới", báo cáo nêu rõ.

Tùng Lâm

Nguyễn Hằng

HSBC

Trở lên trên