MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Không có trần lãi suất thì “chết” người nghèo

30-10-2015 - 17:06 PM | Tài chính - ngân hàng

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng nếu không quy định trần lãi suất thì sẽ “chết” dân, “chết” người nghèo.

Dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp lần này đưa ra hai phương án về lãi suất.

Trao đổi với báo chí về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói quy định về lãi suất điều chỉnh quan hệ vay mượn. Nếu vượt quá quy định của Bộ Luật dân sự thì thành tội cho vay nặng lãi.

Hiện nay có hai phương án mà Quốc hội chưa quyết định. Phương án 1, quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ Luật dân sự là tối đa 20%/năm của khoản tiền vay.

Phương án 2, giữ như quy định của dự thảo trình Quốc hội, đó là trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố.

Sau này Quốc hội quyết định, ví dụ quyết định là “trần” là 20%, thì trong khuôn khổ của 20% là hợp pháp, trên khuôn khổ của 20% coi như cho vay nặng lãi. Nhưng cho vay nặng lãi bị tội hình sự thì phải có tình tiết nữa là cho vay gấp mấy lần, giả sử là quá 5 lần, chứ không phải cho vay vượt “trần” một tí là xử lý hình sự ngay.

* Có ý kiến cho rằng trong giao dịch dân sự khó thu thập chứng cứ, vì vậy không nên quy định trần lãi suất?

- Phải quy định chứ. Nếu không quy định thì “chết” dân, “chết” người nghèo. Nước nào cũng quy định. Nếu kinh tế vĩ mô ổn định thì đồng tiền giữ giá. Giống như Nhật Bản từ chiến tranh thế giới lần thứ II đến nay, cứ khoảng 100 Yên bằng một đô la, có thể xuống hoặc lên một chút, thì họ quy định “cứng”.

Chúng ta hiện nay đang ổn định, nhưng không loại trừ yếu tố quay lại như cách đây mấy năm, khi lạm phát lên đến 20% thì nguy hiểm. Cho nên đưa phương án “cứng” thì cũng có thể không hay.

Ngược lại tôi nhìn ở góc độ khác, đưa phương án “cứng” thì sẽ góp phần ổn định đồng tiền. Tất nhiên đồng tiền phụ thuộc nhiều yếu tố xuất khẩu, nhập khẩu, thị trường thế giới. Hiện chúng ta đang ra sức giữ ổn định đồng tiền.

* Trong hai phương án trên thì Chính phủ nghiêng về phương án nào?

- Chính phủ nghiêng về phương án 2. Chính phủ chỉ đề xuất duy nhất một phương án, ra đến Quốc hội mới thành hai phương án.

* Khi được thông qua thì các phương án trên đủ sức chống cho vay nặng lãi hay không, hay cần thêm giải pháp nào?

- Cho vay nặng lãi là vấn đề hình sự. Đương nhiên hiện nay cho vay loạn xạ. Chúng ta phải tích cực điều tra, phát hiện tội phạm, trừng trị cho nghiêm. Hiện nay chỗ này còn xem nhẹ. Cho nên trong dân có những vụ cho vay quá khắc nghiệt mà báo chí đã đưa.

* Quy định này được áp dụng với các tổ chức tín dụng như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Tổ chức tín dụng thì khác. Hai phương án này đều có “đuôi”, đó là trừ trường hợp Luật tổ chức tín dụng có quy định khác. Tổ chức tín dụng sinh ra để cho vay, mà cho vay theo dự án, những dự án nhìn thấy rõ lợi nhuận rồi, khả thi rồi thì có thể lãi suất rất nhẹ.

Còn những dự án rủi ro thì lãi suất phải cao hơn, thì cái đó không bị khống chế bởi quy định nêu trên. Quy định nêu trên chỉ khống chế trong quan hệ dân với dân.

Hơn nữa, hệ thống ngân hàng đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng cũng tự kiểm soát lẫn nhau.

Theo V.V.THÀNH ghi

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên